Banner trang chủ

Nhìn lại 1 năm thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

12/02/2020

      Ngày 19/10/2018, Thành ủy thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị số 19-CT/TU). Đến nay, sau 1 năm thực hiện, Cuộc vận động bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ và tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Có thể nói, đây là một cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, dựa trên truyền thống đoàn kết, sáng tạo của nhân dân TP, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền các cấp và sự tham gia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị.

     Một số kết quả đạt được

     Sau khi Chỉ thị số 19-CT/TU được ban hành, hệ thống chính trị TP đã vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, công văn chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động đến các cấp, đơn vị trực thuộc, trong đó tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân; giải quyết, xử lý triệt để các tụ điểm tồn đọng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân; phân công cụ thể công việc cho từng cơ quan, đơn vị; chỉ đạo, đôn đốc triển khai và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý… Đến nay, qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố; thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao chất lượng môi trường sống. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân TP, của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về BVMT, không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định đã có chuyển biến tích cực, qua đó tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố có sự cải thiện.

     Cải tạo điểm ô nhiễm rác thải thành khu sinh hoạt cộng đồng

     Trong thời gian qua, các quận, huyện đã triển khai phần mềm “Trực tuyến” và các phần mềm quản lý khác để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường. Kết quả đã tiếp nhận và giải quyết 11.953/12.026 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,4). Mặt khác, các quận, huyện tổ chức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của nhân dân để giải quyết kịp thời các vấn đề về vệ sinh môi trường; khuyến khích người dân phát hiện và tố giác các hành vi thải bỏ rác không đúng nơi quy định; vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung 21.903 camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về môi trường. Ngoài ra, các điểm tập kết rác tại một số quận, huyện đã được lắp camera để giám sát việc giao nhận rác, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt rác, đổ rác không đúng nơi quy định.

 

HĐND  và UBMTTQ TP. Hồ Chí Minh ký kết liên tịch kế hoạch phối hợp thực hiện Cuộc vận động

 

     Đặc biệt, toàn thành phố đã chuyển hóa được 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải (tỷ lệ giải quyết đạt 89,5%), còn 77 điểm đang tiếp tục triển khai. Trong 656 điểm ô nhiễm về rác thải đã được giải quyết, có 76 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên. Bên cạnh đó, TP đã lắp đặt mới 33.676 thùng rác công cộng tại các tuyến đường, hẻm, kênh rạch; trao tặng các vật dụng (thùng rác, túi đựng rác, bao tay, kẹp gắp rác, túi xách thân thiện môi trường, nhãn dán phân loại rác…) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều quận, huyện thực hiện tốt việc ký cam kết của các tổ chức, hộ gia đình với chính quyền trong thực hiện thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tuyến đường, khu dân cư; thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn, giảm đáng kể việc vứt rác ra đường phố, kênh rạch và nơi công cộng… Nhìn chung, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện tổng vệ sinh định kỳ ở các khu dân cư đã tác động tích cực đến nhận thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

     Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

     Để việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU đạt hiệu quả, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH như quy định phân loại CTRSH tại nguồn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; kế hoạch chuẩn hóa mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; cơ chế chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập.

     Đến nay, trên địa bàn TP đã tổ chức sắp xếp được 1.869 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã (HTX), hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 69,2%); có 14 quận, huyện vận động được 100% tổ, đường dây thu gom rác dân lập vào HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Hiện toàn TP có 38 HTX vệ sinh môi trường, 279 công ty tư nhân thu gom rác và còn khoảng 831 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động thu gom rác trên địa bàn.

     Đối với công tác xử lý CTRSH, trong năm 2019, khối lượng CTRSH được thu gom trên địa bàn TP khoảng 9.100 tấn/ngày. Theo thống kê, công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý CTRSH trên địa bàn TP chiếm tỷ lệ 31% (tương đương 2.900 tấn/ngày), còn lại 69% (tương đương 6.200 tấn/ngày). Để thực hiện được chỉ tiêu giảm chôn lấp đến năm 2020 chỉ còn tối đa 50% (khoảng 5.000 tấn/ngày trên tổng khối lượng phát sinh là 10.000 tấn/ngày) và đến năm 2025 tỷ lệ CTRSH chôn lấp chỉ còn 20% (khoảng 2.600 tấn trên tổng khối lượng phát sinh là 13.000 tấn/ngày), UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT triển khai các nhóm giải pháp: Chuyển đổi công nghệ xử lý của 3 nhà máy xử lý rác (2 nhà máy của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng); đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn 500 tấn/ngày của Công ty CP Tasco và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ khí hóa Plasma 1.000 tấn/ngày của Công ty Trisun Green Energy; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xử lý CTRSH với công suất 2.000 tấn/ngày.

     Giải quyết các khu vực bị ngập nước do mưa, triều cường, xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước

     Trong thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn TP đã chủ động tập trung triển khai, đầu tư duy tu, nâng cấp, sửa chữa các tuyến hẻm, đường nội bộ, nạo vét các hầm ga, đường cống thoát nước để giảm và xóa dần các điểm, khu vực ngập nước; đồng thời có nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, rác thải xuống kênh mương, công trình lấn chiếm trên kênh rạch như vận động các hộ kinh doanh ăn uống không vứt rác, xả nước bẩn xuống miệng cống thoát nước; tổ chức lắp đặt song sắt chắn rác, thu gom rác, lá cây tại các hố ga, miệng cống thoát nước; tuyên truyền các không xả rác trên các nắp cống bằng hình thức sơn vẽ khẩu hiệu…

 

Nhân viên môi trường đô thị vớt rác từ 4 tuyến kênh rạch ở trung tâm TP Hồ Chí Minh

 

     Tại các địa phương có tuyến sông, kênh, rạch, thường xuyên tổ chức cắt cỏ, vớt rác, nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy; định kỳ phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm, san lấp, xây dựng, sử dụng trái phép các công trình trên bề mặt nước hoặc trong hành lang bảo vệ trên bờ của hệ thống sông, kênh rạch.

     Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện thời gian tới

     Mặc dù việc triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như công tác tuyên truyền chưa tiếp cận được với 100% dân cư trên địa bàn; hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại cấp phường, xã, thị trấn chưa phát huy hiệu quả, còn mang nặng tính phong trào, chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý tại địa phương; công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường chưa đủ sức răn đe, còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; chính sách ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường chưa được quan tâm; ý thức tự giác, điều chỉnh hành vi văn minh nơi công cộng của một bộ phận người dân chưa có chuyển biến, hành vi xả rác nơi công cộng, kênh rạch vẫn diễn ra… Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, TP tập trung các nhiệm vụ, giải pháp:

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các phong trào, hoạt động ra quân giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức người dân

     Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc chuyển hóa địa bàn ô nhiễm về rác thải; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Cuộc vận động.

     UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, đồng thời lắng nghe các ý kiến của người dân trong công tác BVMT; phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Phường – xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Công trình - giải pháp - sáng kiến xanh”.

     Các đơn vị doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phối hợp với địa phương để giải quyết các vấn đề môi trường, rác thải của doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn trú đóng không xả rác, hạn chế sử dụng túi ni lông, thực hiện phân loại rác tại nguồn, từng bước thay đổi hành vi, tạo thói quen bỏ rác đúng nơi quy định.

     Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường

     Tiếp tục triển khai các giải pháp đã thực hiện nhằm duy trì và nâng cao các kết quả đã đạt được như: Tổ chức đối thoại, vận động 100% hộ dân trên địa bàn TP cam kết không xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch; Tiếp nhận, giải quyết kịp thời 100% ý kiến phản ánh của người dân về trật tự và vệ sinh môi trường; Giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm về rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh môi trường tại các khu vực đã được giải quyết; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng.

     Đổi mới phương thức triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn, đảm bảo phù hợp với định hướng công nghệ xử lý CTRSH; Ban hành các chính sách để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động thu gom của lực lượng dân lập, chuyển đổi các lực lượng này thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân để quản lý hiệu quả.

     Rà soát các định mức trong lĩnh vực vệ sinh môi trường để làm cơ sở cho quận, huyện xây dựng, phê duyệt đơn giá, lập dự toán để đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường. Thành phố sẽ phân cấp cho quận, huyện chủ động và chịu trách nhiệm về công tác BVMT trên địa bàn do quận, huyện quản lý; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư theo danh sách đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

     Giải quyết triệt để các công trình lấn chiếm hệ thống kênh rạch, lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước; thực hiện kế hoạch nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát nước. Chủ động xử lý kịp thời các điểm ngập cục bộ và ngăn chặn không để phát sinh điểm mới; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chống ngập trên địa bàn.

     Giám sát, tiếp nhận và xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường

     Các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, kịp thời phát hiện công trình, mô hình, cách làm hay, hiệu quả để biểu dương, nhân rộng.

     Chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực môi trường; tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch.

     Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, chức sắc tôn giáo… trong công tác vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh công tác giám sát của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động, nhất là giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

 

Đình Lý - Vũ Hải

Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn