Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

01/12/2017

     Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

     Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.

     Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thuỷ hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

     Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy tác dụng.

     Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

     Phát triển bền vững phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao

     Mục tiêu đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. 

     Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.

     Đến năm 2100, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

     Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải lấy con người làm trung tâm

     Quan điểm chỉ đạo là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hoá những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người.

     Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.

     Về chủ trương và định hướng chiến lược, mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan và tác động của việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô lớn, cường độ cao trên thượng nguồn sông Mê Công.

     Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đã đề ra từ diễn đàn lần trước và thảo luận, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

     Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết này xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể trước tháng quý II năm 2018; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

     Chủ trì rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc xây dựng mới quy hoạch ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao trước tháng 12/2018 làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành.

     Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2270/QĐ-TTg ngày 21/11/2013, hoàn thành trước tháng 12/2018.

Hồng Nhự (Theo TTXVN)

Ý kiến của bạn