Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Nghệ An tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

20/07/2016

   Trong những năm qua, phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đồng thời, công tác BVMT được tỉnh chú trọng, với nhiều chủ trương, chính sách về BVMT được ban hành, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

   Năm 2015, Sở TN&MT Nghệ An đã trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với 47 dự án, 25 đề án cải tạo phục hồi môi trường; tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM của 61 dự án và 33 phương án cải tạo phục hồi môi trường; thẩm định đề án BVMT chi tiết của 7 cơ sở; cấp 36 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và thông báo thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp cho 395 đơn vị, thu được 932 triệu đồng.

   Trong công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Sở đã tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn tỉnh, với 268 điểm ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Tính đến năm 2015, tỉnh đã thực hiện 22 đề án điều tra, khảo sát xác định phạm vi mức độ ô nhiễm của 178 điểm tồn lưu hóa chất BVTV. Hiện tỉnh đã điều tra xong 102 điểm, trong đó có 40 điểm phải xử lý, 61 điểm phải cải tạo phục hồi môi trường, 1 điểm thực hiện quan trắc theo dõi. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá phạm vi mức độ ô nhiễm 76 điểm và triển khai 20 dự án (21 điểm) xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV. Đến nay, có 6 dự án đã hoàn thành nghiệm thu và hoàn trả mặt bằng cho địa phương, 5 dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 7 dự án đang trong quá trình triển khai, 2 dự án thuộc Chương trình Dự án POP (hỗ trợ bốc xúc phần đất ô nhiễm nặng mang đi xử lý bằng phương pháp đốt nhiệt độ cao) cũng đang được triển khai.

Thị xã Cửa Lò - điểm sáng về xây dựng mô hình quần chúng tham gia BVMT

   Bên cạnh đó, công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Hiện tại, một số địa phương như TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn)... đã ban hành và thực hiện các quy chế về BVMT; xây dựng mô hình quần chúng tham gia BVMT ở các phường, xã; vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng; thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và bãi biển. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các khu dân cư, đô thị mới, khu công nghiệp và điểm du lịch… là nguyên nhân phát sinh CTR sinh hoạt. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và phương thức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

   Về công tác BVMT làng nghề, hiện tỉnh có gần 500 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 111 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Tuy nhiên, quy hoạch của các làng nghề vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, tác động xấu tới chất lượng môi trường. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT và các ban, ngành liên quan tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề; kiên quyết xóa bỏ làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời ngăn chặn không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới.

   Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, giảm nguy cơ phát sinh các điểm nóng ô nhiễm môi trường (ÔNMT), Sở TN&MT đã ban hành Chương trình công tác năm 2016, với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ÔNMT. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

   Kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách pháp luật về TN&MT; Tăng cường giám sát, xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 và Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát và bổ sung Danh mục các cơ sở ÔNMT nghiêm trọng mới phát sinh; Tập trung thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

   Nâng cao chất lượng thẩm định ĐTM đối với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống biogas xử lý chất thải chăn nuôi; Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề… Đẩy mạnh thực hiện các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường như thu phí BVMT đối với chất thải rắn, nước thải, khí thải, các hình thức đặt cọc, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động BVMT, phát triển dịch vụ môi trường; nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hỗ trợ, ưu đãi trong lĩnh vực BVMT.

   Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, chỉ cho phép hoạt động khi đã hoàn thành các công trình về BVMT; Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về TN&MT tại các cấp huyện, xã; Phối hợp với Cục thuế và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như các nội dung liên quan đối với lĩnh vực TN&MT, nhằm chống thất thu ngân sách.

   Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ÔNMT; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định; Nâng cao năng lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân...

           Nguyễn Thị Minh Quý

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn