Banner trang chủ

Ngành Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm

29/01/2019

     Năm 2018,  Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký Chương trình phối hợp công tác về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong hoạt động GTVT giai đoạn 2018 - 2021. Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH trong hoạt động GTVT... Nhân dịp Xuân Kỷ Hơi năm 2019, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Trần Ánh Dương - Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT về kết quả Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ trong năm qua.

     PV: Xin ông cho biết một số kết quả chính Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ trong năm 2018 và đề xuất trong những năm tới?

     Ông Trần Ánh Dương: Căn cứ Chương trình phối hợp công tác số 01/CTPH-BTNMT-BGTVT ngày 8/3/2018 giữa Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ TN&MT, các cơ quan tham mưu của hai Bộ đã thống nhất kế hoạch phối hợp công tác năm 2018 và tổ chức, thực hiện với kết quả cụ thể sau:

     Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc dự thảo, xây dựng Nghị định quản lý hoạt động đường thủy; Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng; Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (sửa đổi, bổ sung QCVN 26:2016/BGTVT); Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu.

 

Lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ GTVT và TN&MT năm 2018

 

     Về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, hai bên đã phối hợp thực hiện điều chỉnh Chiến lược Phát triển giao thông nông thôn; Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

     Đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, dự án, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư để bảo đảm tiến độ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia (11 dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

     Trên cơ sở kế hoạch công tác đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành, nội dung trọng tâm đề xuất phối hợp của Bộ GTVT trong năm 2019: (1) Sửa đổi Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; (2) Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với 5 quy hoạch ngành quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2015; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hành không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050); (3) Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư của các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

     PV: Trong quá trình phát triển của ngành GTVT, xây dựng hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông có tác động không nhỏ đến môi trường, vậy công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc ngành GTVT được triển khai như thế nào thời gian qua, thưa ông?

     Ông Trần Ánh Dương: Thời gian qua, hệ thống các luật chuyên ngành GTVT (Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng) đã được lồng ghép quy định về BVMT phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về BVMT trong GTVT và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.

     Theo đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch nước, Chính phủ tham gia nhiều điều ước quốc tế về BVMT trong GTVT như: Phụ lục 16 của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago); Phụ lục I, II, III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra; Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu; Nghị định thư năm 1992 của Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu; Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm từ dầu nhiên liệu. Bộ GTVT đã xây dựng, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tổ chức triển khai đáp ứng yêu cầu quản lý về BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT.

     Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT.

     PV: Là một ngành tập trung các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không nên vấn đề quản lý năng lượng hiệu quả trong hoạt động GTVT được quy định như thế nào? Cần cơ chế, chính sách gì nhằm hạn chế phương tiện có năng lực thông qua thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu; thúc đẩy phát triển phương thức vận tải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thưa ông?  

     Ông Trần Ánh Dương: Thực hiện quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 để kịp thời hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông, trong hoạt động vận tải và trong quản lý mức tiêu hao nhiêu liệu của các phương tiện vận tải.

     Đối với xe cơ giới, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT; Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT; Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT và triển khai công tác dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới nhằm minh bạch thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

     Thông qua nhãn năng lượng dán trên xe người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp; các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng lấy mức tiêu thụ nhiên liệu của xe là một trong những công cụ cạnh tranh trên thị trường.

     Đối với tàu biển, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai quy định về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển gây ra (MARPOL). Năm 2018, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 40/2018/TT-BGTVT ngày 29/6/2018 quy định về thu thập và báo cáo tiêu thụ nhiên liệu của tàu biển Việt Nam; theo đó từ ngày 01/01/2019, tàu biển Việt Nam bắt buộc phải báo cáo lượng dầu tiêu thụ hàng năm.

 

Hội thảo Tham vấn đóng góp của ngành GTVT cho cam kết giảm phát thải khí nhà kính

 

     Như vậy, các quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT đã được xây dựng kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.

     Nhằm hạn chế phương tiện có năng lực thông qua thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu; thúc đẩy phát triển phương thức vận tải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số trọng tâm sau: (1) Tiếp tục thực hiện dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; (2) Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; (3) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện, thiết bị GTVT có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (4) Thực hiện nghiêm quy định về niên hạn sử dụng đối với phương tiện, thiết bị GTVT.

     PV: Xin ông cho những thách thức trong công tác BVMT của ngành GTVT hiện nay và những giải pháp trong thời gian tới?

     Ông Trần Ánh Dương: Những thách thức trong công tác BVMT của ngành GTVT hiện nay chủ yếu: (1) Lượng khí thải từ hoạt động của xe cơ giới tham gia giao thông ngày càng gia tăng, là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn; (2) Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông chưa được kiểm soát về khí thải; (3) Việc phát triển phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn và việc chuyển đổi sử dụng xe buýt, xe taxi thân thiện môi trường còn chậm.

     Do đó, giải pháp trong thời gian tới cần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức tham mưu, thực thi chức năng quản lý nhà nước về BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với BĐKH tại Bộ GTVT, các Tổng cục, Cục, Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc.

     Chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy định về BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành GTVT, đặc biệt là cần quy định việc kiểm định xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trong sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

     Các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng; chuyển xe buýt, xe taxi sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên nén, khí hóa lỏng, năng lượng điện để góp phần nâng cao chất lượng môi trường không khí và thực hiện mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011. Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển phương thức vận tải hành khách công cộng nhanh, khối lượng lớn.

     Tiếp tục tăng cường hợp tác, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, trao đổi thông tin, thiết lập mạng lưới đối tác song phương và đa phương về công tác môi trường trong GTVT; trên cơ sở đó tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế để xây dựng năng lực và triển khai áp dụng các giải pháp BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với BĐKH.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

 

 


Ý kiến của bạn