Banner trang chủ

Nội dung cơ bản của Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường

10/12/2015

   Ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường (QBM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và kế hoạch bảo vệ môi trường (KBM) (Nghị định số 18/2015).

   Ngày 29/5/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về ĐMC, ĐTM, KBM (Thông tư số 27/2015) thay thế Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ TN&MT, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong các quy định về ĐMC, ĐTM và KBM, góp phần bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu BVMT trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

   Thông tư được xây dựng trên các quan điểm: Coi phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học, thực thi của quy định pháp luật về BVMT; Tiếp tục cụ thể hóa những quy định liên quan đến hoạt động ĐMC, ĐTM và KBM của Nghị định số 18/2015 để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi trong thực tiễn được thuận lợi, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay; Kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT; Minh bạch hóa, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường; Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến các quy định về ĐMC, ĐTM và KBM.

    Những nội dung mới của Thông tư số 27/2015

   Thông tư số 27/2015 gồm có 7 chương và 38 điều, giảm 12 điều so với Thông tư số 26/2011 để phù hợp với những thay đổi của Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 18/2015 và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

   Về ĐMC

   Thông tư số 27/2015 quy định chi tiết về cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐMC đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chỉ có một hình thức báo cáo thay vì ba hình thức như quy định tại Thông tư số 26/2011. Cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐMC được quy định cụ thể tại Phụ lục 1.3 Thông tư số 27/2015.

   Đối với trường hợp điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐMC và điều chỉnh theo hướng không làm gia tăng hoặc làm gia tăng không đáng kể tác động xấu đến môi trường, cơ quan lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch gửi văn bản đến Bộ TN&MT giải trình các nội dung điều chỉnh và các vấn đề môi trường liên quan kèm theo một dự thảo điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Bộ TN&MT có văn bản gửi cơ quan lập và cơ quan phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong thời hạn 20 ngày làm việc.

   Về ĐTM

   Tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM có nhiều thay đổi so với quy định tại Thông tư số 26/2011 theo hướng đề cao vai trò của cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

   Ngoài việc xin ý kiến bằng văn bản đối với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp thì chủ dự án phải tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án thông qua họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và UBND cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản được UBND cấp xã triệu tập. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng.Thông tư số 27/2015 cũng hướng dẫn chi tiết mẫu Biên bản họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

   Trong quá trình tham vấn, chủ dự án có trách nhiệm đảm bảo văn bản xin ý kiến tham vấn kèm theo báo cáo ĐTM được gửi đến các cơ quan, tổ chức được tham vấn. Điều này giúp đảm bảo trách nhiệm cũng như quyền lợi của chủ dự án. Trường hợp dự án thuộc địa bàn từ 2 xã trở lên, chủ dự án được lựa chọn hình thức cuộc họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án theo từng xã hoặc liên xã. Đặc biệt, Thông tư số 27/2015 đã bỏ phần tóm tắt báo cáo ĐTM với mục đích nâng cao trách nhiệm của các thành viên hội đồng và các đối tượng tham vấn.

   Song song với đó, kế hoạch quản lý môi trường trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt sẽ gửi đến UBND cấp xã, nơi đã tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện ĐTM để niêm yết công khai trước khi khởi công xây dựng. Quy định này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã đối với việc công khai thông tin về dự án.

   Thông tư số 27/2015 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án mới tiếp tục thực hiện báo cáo ĐTM đã phê duyệt trong trường hợp có thay đổi chủ dự án. Đồng thời, Thông tư hướng dẫn cụ thể điều kiện, thủ tục, các mẫu văn bản để UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM cho Ban quản lý các khu công nghiệp. UBND cấp tỉnh chỉ ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM cho Ban Quản lý Khu công nghiệp khi đáp ứng được các yêu cầu: Ban Quản lý các khu công nghiệp đã thành lập Phòng Quản lý môi trường với tối thiểu 5 biên chế có chuyên môn về BVMT; Các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định của pháp luật; Có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT trên cơ sở văn bản xin ý kiến về việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của UBND cấp tỉnh.

   Bên cạnh đó, cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐTM được quy định cụ thể tại Phụ lục 2.3 Thông tư số 27/2015, trong đó đã làm rõ các nội dung cơ bản mà một báo cáo ĐTM phải thể hiện, với một số thay đổi chính: Bổ sung cơ sở lựa chọn công nghệ; Có yêu cầu cụ thể, chi tiết về hiện trạng đa dạng sinh học khu vực dự án; Không yêu cầu giám sát môi trường xung quanh (trừ trường hợp dự án có phát sinh phóng xạ) theo quy định tại Luật BVMT năm 2014; Cụ thể, chi tiết về quá trình tham vấn và kết quả tham vấn.

   Về KBM

   Về bản chất KBM tại Thông tư số 27/2015 thay thế KBM tại Thông tư số 26/2011. Tuy nhiên, KBM có một số thay đổi chính sau:

   Trách nhiệm xác nhận KBM là Sở TN&MT và UBND cấp huyện. Ngoài ra, UBND cấp xã nếu được UBND cấp huyện ủy quyền đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền xác nhận đăng ký KBM đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy định. Trước đây theo Thông tư số 26/2011 chỉ có UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã khi được ủy quyền có thẩm quyền xác nhận cam kết BVMT.

   Phụ lục 5.1 Thông tư số 27/2015 quy định rõ 34 loại hình dự án (có quy mô dưới mức phải thực hiện ĐTM) thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký KBM của Sở TN&MT.

   Phụ lục 5.5 quy định cụ thể về cấu trúc và nội dung của KBM thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký của Sở TN&MT và Phụ lục 5.6 quy định cụ thể về cấu trúc và nội dung của KBM thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký của UBND cấp huyện. Về cơ bản cấu trúc và nội dung của KBM thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký của UBND cấp huyện đã được đơn giản hóa nhiều so với quy định tại Thông tư số 26/2011.

   Thông tư số 27/2015 có điều khoản chuyển tiếp quy định rõ cơ quan có thẩm quyền có văn bản trả lại tổ chức, cá nhân các hồ sơ đã tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về môi trường đối với các trường hợp: Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐMC của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I Nghị định số 18/2015; Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015; Hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án không thuộc đối tượng quy định tại cột 4 Phụ lục II Nghị định số 18/2015; Hồ sơ đăng ký bản cam kết BVMT của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 18/2015.

   Kiến nghị

   Việc ban hành Thông tư số 27/2015 về ĐMC, ĐTM và KBM là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tế nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những ưu điểm của Thông tư số 26/2011, đồng thời nhanh chóng đưa Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 18/2015 vào cuộc sống.

   Để Thông tư này được thực thi hiệu quả và có tính khả thi cao trong thực tiễn, các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tập huấn, triển khai Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 18/2015, Thông tư số 27/2015 và nghiêm túc báo cáo định kỳ về công tác ĐMC, ĐTM và KBM; Các chủ dự án nghiêm túc thực hiện công tác BVMT theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2015, đặc biệt đối với việc tham vấn cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Mặt khác, cần thiết lập hệ thống thông tin và dữ liệu về ĐMC, ĐTM và KBM từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập và thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM và KBM.

   Thông tư số 27/2015 đề cập đến việc nêu rõ thông tin chứng chỉ tư vấn ĐMC và ĐTM, gồm: số, ngày, tháng, cơ quan cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật về quản lý và cấp chứng chỉ tư vấn ĐMC và ĐTM. Tuy nhiên, Thông tư số 27/2015 không quy định về quản lý việc đào tạo và cấp chứng chỉ tư vấn ĐMC và ĐTM. Đây là điểm mới trong công tác quản lý về môi trường, nhưng cũng là vấn đề vướng mắc trong công tác lập Báo cáo ĐMC và ĐTM khi triển khai Thông tư số 27/2015

TS. Đặng Văn Lợi - Cục trưởng

TS. Hoàng Hải

Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn