Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam

28/03/2018

     Trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ và sự hình thành, phát triển của các ngành nghề sản xuất đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng và phát sinh chất thải rắn (CTR). Bên cạnh đó, công tác quản lý, xử lý CTR ở nước ta vẫn chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp CTR đô thị có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý CTR, cải thiện chất lượng môi trường ở Việt Nam.

     Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - chuyên đề “Môi trường đô thị” của Bộ TN&MT, tình hình phát sinh và xử lý CTR ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua. Theo thống kê, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, với mức gia tăng trung bình 12%/năm. CTR sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 - 18%. CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6%/năm. Đối với CTR công nghiệp khu vực đô thị, hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng khối lượng tăng cao, tập trung ở các ngành cơ khí, dệt may, da giầy và thực phẩm. Ước tính lượng chất thải nguy hại trong CTR công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%.

 

Cuộc họp Ban Điều phối chung lần thứ 3 của Dự án “Tăng cường năng lực quản lý

tổng hợp CTR đô thị tại Việt Nam”diễn ra vào tháng 8/2016

 

     Cũng theo Báo cáo, công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015. Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ CTR sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng CTR còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn. Đối với CTR y tế, có khoảng hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom và phân loại chất thải tại nguồn, với tỷ lệ thu gom đạt trên 75% (năm 2015). Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR còn một số hạn chế như nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải nên gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, thói quen sử dụng túi ni lông tràn lan ở nước ta đã dẫn đến phát sinh lượng lớn rác vô cơ… Tính đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý CTR (chưa kể khoảng 50 lò đốt cỡ nhỏ với công suất khoảng 500 kg/giờ), tập trung tại các đô thị, với công suất trung bình từ 100 - 200 tấn/ngày. So với năm 2012, CTR được xử lý đã tăng khoảng 3.600 tấn/ngày, nhưng nếu so với mức độ gia tăng CTR đô thị hiện nay thì công tác xử lý CTR chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

     Nhằm quản lý tổng hợp CTR trên toàn quốc theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã phối hợp thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp CTR đô thị tại Việt Nam". Dự án được thực hiện từ tháng 4/2014 - 3/2018, với việc triển khai thí điểm tại TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án có các hợp phần như: Tăng cường năng lực thể chế, nâng cao năng lực quản lý, hoạch định chính sách về quản lý CTR; Hỗ trợ sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý CTR; Tăng cường năng lực cho địa phương thực hiện quản lý CTR và hỗ trợ kỹ thuật trong việc lập quy hoạch Quản lý tổng hợp CTR…

 

Phân loại rác tại nguồn - khâu quan trọng trong công tác xử lý CTR đô thị

 

     Sau 4 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ Bộ Xây dựng rà soát các chính sách, quy định, khung thể chế, các tiêu chuẩn về quản lý CTR đô thị; rà soát, đánh giá các công nghệ truyền thống và hiện đại trên phương diện xử lý và quản lý, đồng thời đưa ra đề xuất các tiêu chí lựa chọn công nghệ phù hợp; hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý CTR đô thị; tăng cường năng lực kiểm tra và giám sát thực hiện quản lý CTR đô thị tại các địa phương; thu thập dữ liệu nhằm tăng cường quản lý CTR đô thị tại cấp trung ương, phân tích và đánh giá các vấn đề tồn tại. Mặt khác, nghiên cứu các mô hình đầu tư và quản lý áp dụng cho xây dựng, khu liên hợp xử lý CTR; nghiên cứu và hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng đối với các khu xử lý CTR đô thị vùng liên tỉnh; tổ chức tập huấn tăng cường quản lý CTR đô thị về khung thể chế, cơ chế quản lý, công nghệ và trách nhiệm của các bên liên quan; góp ý cho Dự thảo điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

     Cùng với đó, Dự án đã giúp tăng cường năng lực cho Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện quản lý CTR đô thị; đánh giá kết quả thực hiện Dự án (Pha 1) từ góc nhìn mang tính bền vững của các hoạt động và phân tích hiện trạng hệ thống quản lý CTR của thành phố; xác định bài học kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất; tư vấn thực hiện Quy hoạch xử lý CTR Hà Nội; tư vấn kỹ thuật về lựa chọn khu xử lý CTR theo Quy hoạch xử lý CTR Hà Nội và thực hiện nghiên cứu tiền khả thi đối với khu xử lý CTR được lựa chọn; nghiên cứu thu hút đầu tư xây dựng khu xử lý CTR... Dự án cũng đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành việc tổng hợp dữ liệu và xây dựng Quy hoạch quản lý tổng hợp CTR cấp tỉnh. Quy hoạch tính toán chi tiết và cụ thể từ lượng rác bình quân đầu người dựa vào số liệu trạm cân tại tỉnh; dự báo lượng chất thải phát sinh trong những năm tới. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch được 3 vùng thu gom chất thải tại tỉnh; tính toán đến phương thức vận chuyển, công nghệ xử lý chất thải và nguồn lực tài chính cũng như các thể chế chính sách liên quan để thực hiện theo quy hoạch.

     Ngoài ra, Dự án đã hoàn thành 6 tài liệu hướng dẫn bao gồm: Lập quy hoạch quản lý tổng hợp CTR, tập trung vào CTR sinh hoạt; Lập kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn đối với các cơ sở xử lý CTR; Lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý CTR sinh hoạt; Quy hoạch xây dựng cơ sở xử lý CTR; Đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cơ sở xử lý CTR sinh hoạt; Hệ thống tài chính bền vững cho quản lý CTR. Hiện Dự án cũng đã tuyên truyền các sản phẩm và chuyển giao kết quả cho các địa phương trên cả nước.

     Nhìn chung, các hoạt động của Dự án có tác động sâu rộng tới địa phương thông qua hoạt động thu thập số liệu quản lý CTR, hội thảo chuyên môn, chương trình tập huấn trong nước và tại Nhật Bản, giao lưu chia sẻ và học tập kinh nghiệm… góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT của các nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường và cộng đồng xã hội.

 

Lê Văn Kha

Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018)

 

 

Ý kiến của bạn