Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

06/12/2017

  Trong những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cán bộ, công chức và nhân dân về BVMT đã được nâng cao... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) đang là một trong những thách thức đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Cao Bằng. Để hạn chế những tác động đến môi trường, tỉnh đã triển khai một số giải pháp cấp bách về BVMT. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng Thái Hồng Thịnh về vấn đề này.

 

Ông Thái Hồng Thịnh - Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng

   Xin ông cho biết, tình hình giải quyết những vấn đề cấp bách về lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh? Công tác triển khai, thực hiện Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật tại địa phương có gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

   Ông Thái Hồng Thịnh: Trong thời gian qua, thực hiện những vấn đề cấp bách về lĩnh vực BVMT, tỉnh đã rà soát, triển khai chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền, đề suất sửa đổi, bổ sung các quy định BVMT theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ÔNMT; lập danh mục hạn chế chuyển giao các công nghệ không thân thiện môi trường...; giám sát công tác BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN). Đồng thời, tỉnh đã cải cách công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như sau thẩm định, bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT; đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhất là tại các KCN/CCN và cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT từ năm 2015 đến tháng 10/2017 là 577.250.000 đồng.

   Cùng với đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) và phê duyệt lộ trình, kế hoạch xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng có 24 cơ sở gây ÔNMTNT, đến nay, có 17 cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để, còn 7 cơ sở theo kế hoạch sẽ hoàn thành xử lý triệt để trước năm 2020.

   Công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường cũng được thực hiện nghiêm túc, Cụ thể: Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã ban hành 25 Quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với 25 mỏ khai thác khoáng sản, tổng số tiền ký quỹ là 22.341 triệu đồng. Hiện tỉnh đã thành lập Quỹ BVMT địa phương.

   Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường tại huyện Hòa An; đang kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại TP. Cao Bằng; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ BVMT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

   Để triển khai hiệu quả Luật BVMT năm 2014, đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 52 lớp tập huấn phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các Hội, tổ chức chính trị - xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật, cụ thể như công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT còn hạn chế, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý môi trường hiện nay. Cùng với đó, một số nghị định, thông tư ban hành không kịp thời, nên khi triển khai, phổ biến thiếu thống nhất. Mặt khác, Cao Bằng là một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng chưa tốt nên khi triển khai phổ biến Luật BVMT năm 2014 và các văn bản dưới Luật đến các cơ sở cấp xã, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập, nhất là, trình độ dân trí thấp nên khó khăn trong triển khai các quy định pháp luật BVMT…

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác bảo tồn ĐDSH xuyên biên giới giữa Sở TN&MT Cao Bằng (Việt Nam) và Sở BVMT Quảng Tây (Trung Quốc) 

   Là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, khắc phục ô nhiễm và cải tạo, phục hồi môi trường? Ông có thể cho biết việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh?

   Ông Thái Hồng Thịnh: Nhằm phát huy nguồn tài nguyên khoáng sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản một cách sâu rộng và thường xuyên tại các địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; Xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên từng địa phương và toàn tỉnh; Rà soát điều chỉnh, sắp xếp lại các dự án khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung. Hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong khai thác, sử dụng khoáng sản, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường…

   Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cần có sự tham gia đồng bộ của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, đánh giá, thăm dò tiềm năng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản còn lại trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn của DN. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện cho một số dự án chế biến khoáng sản hoạt động hiệu quả tăng cường đầu tư, cải tiến công nghệ để nâng cao giá trị khoáng sản; kiên quyết thu hồi những dự án chế biến sâu chậm triển khai đầu tư, có công nghệ lạc hậu, sản xuất không liên tục, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản của tỉnh cho phù hợp với quy hoạch, chiến lược chung của Trung ương, tăng cường chỉ đạo công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trong thời gian theo đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng lập, thẩm định hồ sơ xin khai thác khoáng sản và Báo cáo ĐTM của các dự án khai thác khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản và đặc biệt là các nguồn thu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

   Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN vì lợi nhuận trước mắt mà ít chú trọng quan tâm đến công tác BVMT, thực hiện đối phó, chưa xem công tác BVMT là trách nhiệm, nghĩa vụ. Việc đầu tư trang bị thiết bị xử lý môi trường rẻ tiền, lạc hậu, ít thân thiện môi trường, hoặc chỉ vận hành các công trình xử lý môi trường khi có cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra…

KBT thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén phong phú các loài động, thực vật 

   Công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, xin ông cho biết, một số kết quả đạt được, cũng như những thách thức của công tác này trong thời gian qua? Ông có thể nêu một số khó khăn, bất cập, cũng như kiến nghị để thực hiện tốt công tác bảo tồn ĐDSH?

   Ông Thái Hồng Thịnh: Thực hiện Luật ĐDSH, tỉnh đã lập và phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2223/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 và Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 tại Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 19/5/2017. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm, ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

   Thời gian qua, tỉnh đã triển khai một số dự án trên địa bàn như: Dự án điều tra khảo sát, quy hoạch chi tiết khu rừng Phia Oắc - Phia Đén để thành lập Vườn quốc gia (VQG) Phia Oắc - Phia Đén, đang trình Chính phủ phê duyệt; Dự án hành lang ĐDSH xuyên biên giới Cao Bằng - Quảng Tây, Trung Quốc (BCI) tại Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh đang thực hiện có hiệu quả; Dự án hỗ trợ thực hiện hành lang ĐDSH xuyên biên giới Cao Bằng - Quảng Tây (Trung Quốc)...

   Mặt khác, để nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn ĐDSH, tài nguyên thiên nhiên, đến nay, tỉnh đã thực hiện lồng ghép 80 lớp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ các Sở, ban, ngành, UBND các huyện và TP, tổ chức đoàn thể cấp huyện, xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư về Luật ĐDSH và các văn bản hướng dẫn Luật. Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tổ chức các lớp tập huấn về sinh kế cho người dân tại 3 xã Phong Nậm, Ngọc Khê và Ngọc Côn đang sinh sống tại hành lang KBT loài và sinh cảnh vượn Cao Vít và cấp nguồn vốn ban đầu cho Quỹ phát triển xã (CDF), tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi.

   Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý ĐDSH tại địa phương còn nhiều bất cập như: Theo quy định phân công về chức năng quản lý, các KBT thuộc Sở NN&PTNT; các khu bảo vệ cảnh quan, khu di tích lịch sử thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mặc dù không có chức năng quản lý, nhưng Sở TN&MT lại có trách nhiệm phải báo cáo về các vấn đề ĐDSH hàng năm. Trong khi đó, cán bộ quản lý về bảo tồn ĐDSH có năng lực hạn chế, đặc biệt, đối với cán bộ cấp xã, phường chưa có cán bộ chuyên môn theo dõi, giám sát về ĐDSH. Nguồn kinh phí để triển khai về ĐDSH còn hạn hẹp; cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH còn thiếu…

   Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý bảo tồn ĐDSH trên địa bàn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách và hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án BCI tại KBT loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít (Pha III); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong bảo tồn ĐDSH, tài nguyên thiên nhiên…

   Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai Dự án quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng đến năm 2020; bổ sung nguồn lực cán bộ làm công tác bảo tồn ĐDSH tại địa phương và tổ chức các hội nghị, tập huấn để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo tồn; Đề nghị Bộ TN&MT ban hành văn bản phối hợp giữa các ngành TN&MT, NN&PTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý ĐDSH.

                Châu Loan  (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn