Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm môi trường trên lưu vực sông Cầu

02/01/2019

     Lưu vực sông (LVS) Cầu là một trong những LVS lớn của Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Sông Cầu là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý từ các khu đô thị, khu dân cư; khu công nghiệp và làng nghề... Do đó, LVS Cầu có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ trên 6 tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương - nơi có dòng sông chảy qua.

     Thời gian qua, các vi phạm về môi trường trên LVS Cầu chủ yếu là gây ô nhiễm nguồn nước do ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân chưa cao; các làng nghề không có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn… Đặc biệt, lượng nước thải của các làng nghề phát sinh khối lượng lớn, không được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm đến nguồn nước của LVS. Trong khi hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong những năm qua diễn biến phức tạp, việc khai thác cát, sỏi trên sông Cầu làm tăng độ đục và các chất lơ lửng trong nước, làm suy giảm chất lượng nước, biến đổi dòng chảy của LVS. Mật độ tàu thuyền trên sông tăng dẫn đến việc xả nước thải, rác thải sinh hoạt ra sông cũng tăng theo nồng độ ô nhiễm.

     Trước thực trạng trên, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã chủ động lập Kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, tổ chức nắm chắc tình hình và đấu tranh hiệu quả đối với các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường tại các địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật BVMT, qua đó từng bước nâng cao ý thức BVMT; Tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh và chính quyền các cấp giải quyết và xử lý các điểm nóng, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực môi trường; Phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia BVMT như phát động phong trào Xanh - Sạch - Đẹp trong sinh viên, học sinh ở nhà trường...

 

Công an huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) kiểm tra tàu khai thác cát trái phép trên LVS Cầu

 

     Trong giai đoạn 2016 - 2018, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường 6 tỉnh trên LVS Cầu đã trực tiếp xử lý 228 vụ việc vi phạm về môi trường, xử lý vi phạm hành chính trên 9 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại không đúng theo quy định... Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên LVS Cầu ngày một khó khăn, do phương thức, thủ đoạn của tội phạm này ngày càng tinh vi, có sự đối phó với cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài. Nhiều địa phương do ưu tiên phát triển kinh tế nên kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, không quan tâm đến thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực thăm dò, khai thác, nạo vét cát, sỏi trên tuyến sông Cầu. Lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về môi trường còn hạn chế. Công tác phối hợp với lực lượng điều tra chuyên trách còn chưa chặt chẽ, kịp thời. Đội ngũ cán bộ có trình độ, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực môi trường còn hạn chế và chưa được trang bị kịp thời các kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác đấu tranh với tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, dẫn đến giải quyết công việc còn gặp nhiều khó khăn...

     Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật về BVMT trên LVS Cầu, trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường nói riêng sẽ tập trung phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường trên LVS Cầu với các đơn vị có liên quan (đặc biệt là Ủy ban BVMT LVS Cầu) để có các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; Tham mưu phối hợp, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp có ý thức tự giác thực hiện nghiêm túc Luật BVMT; Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trên LVS Cầu. Mặt khác, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn mới liên quan đến công tác phòng chống vi phạm pháp luật BVMT, thống nhất thực hiện trên toàn quốc và quy định phân công, phân cấp hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an địa phương; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương trọng điểm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT.

 

Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Cục trưởng

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018

 

Ý kiến của bạn