Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

31/01/2016

   Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ và phục hồi môi trường (PHMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS). Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 19/3/2013 về cải tạo, PHMT và ký quỹ cải tạo PHMT đối với hoạt động khoáng sản (thay thế Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg). Sau quá trình triển khai thực hiện, công tác BVMT và ký quỹ cải tạo, PHMT đối với hoạt động KTKS đã có những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng cho sự nghiệp BVMT của đất nước.

   Tuy nhiên, công tác cải tạo, PHMT và ký quỹ cải tạo, PHMT vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định hồ sơ cải tạo, PHMT trong hoạt động KTKS; Cách tính toán, xác định khoản tiền ký quỹ không thống nhất giữa các cơ quan, đặc biệt là trong vấn đề tính toán trượt giá cho khoản tiền ký quỹ; công tác quản lý BVMT, cải tạo, PHMT trong hoạt động KTKS chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn khai thác…

   Để công tác quản lý đạt hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, ngày 30/6/2015, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT về cải tạo, PHMT trong hoạt động KTKS (Thông tư số 38), nhằm hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2014. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 17/8/2015.

Hoạt động KTKS phải gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo và PHMT

   Một số nội dung chính của Thông tư số 38

   Thông tư số 38 bao gồm 5 Chương, 22 Điều, 20 Phụ lục, thay thế Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31/12/2009 của Bộ TN&MT quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận Dự án cải tạo, PHMT và ký quỹ cải tạo, PHMT đối với hoạt động KTKS. Thông tư số 38 hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, PHMT (gọi là phương án) và phương án cải tạo, PHMT bổ sung (gọi là phương án bổ sung) và ký quỹ cải tạo, PHMT đối với hoạt động KTKS.

   Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án và phương án bổ sung

   Theo điểm a, Khoản 1, Điều 5 và điểm a Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân KTKS lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép KTKS; Tổ chức, cá nhân đã có Giấy phép KTKS và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất KTKS khi có phương án, hoặc phương án bổ sung và báo cáo ĐTM thuộc cùng một cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì lập phương án, hoặc phương án bổ sung, sau đó, nộp trực tiếp, hay gửi qua đường bưu điện cho cơ quan có thẩm quyền để tiếp nhận và thẩm định. Thẩm quyền phê duyệt phương án, phương án bổ sung đã được quy định tại Khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, cụ thể: Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án KTKS thuộc thẩm quyền của Bộ cấp giấy phép KTKS; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tổ chức thẩm định, phê duyệt đối với các dự án KTKS thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép KTKS. Với các trường hợp này, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt được thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định Báo cáo ĐMT.

   Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đang KTKS nhưng chưa có phương án được phê duyệt, chưa ký quỹ cải tạo, PHMT, hoặc đã có phương án nhưng không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt; Tổ chức đã có giấy phép KTKS, phương án đã phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất KTKS, thay đổi nội dung cải tạo, PHMT so với phương án đã được phê duyệt (điểm b, điểm c, Khoản 1, Điều 5, điểm b, Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP) thì lập phương án, phương án bổ sung gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

   Thời gian thẩm định đối với các hồ sơ phương án, phương án bổ sung là 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và 15 ngày đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt trường hợp phương án, phương án bổ sung được hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung. Hội đồng thẩm định được thành lập để thẩm định cho từng phương án, phương án bổ sung, có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan thẩm định, phê duyệt về kết quả thẩm định.

   Ký quỹ cải tạo, PHMT

   Về cơ bản, phương thức và thời điểm ký quỹ vẫn được quy định giống như trước đây, tuỳ thuộc vào thời hạn trong Giấy phép KTKS được cấp. Tổ chức, cá nhân có Giấy phép KTKS dưới 3 năm thì ký quỹ 1 lần với tổng số tiền được phê duyệt và có tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ. Trường hợp Giấy phép KTKS có thời hạn từ 3 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần, trong đó số tiền ký quỹ lần đầu phải tính tới yếu tố trượt giá và được xác định bằng 25%, 20%, 15% tổng số tiền ký quỹ tương ứng với thời gian trong giấy phép là dưới 10 năm, từ 10 năm đến 20 năm và từ 20 năm trở lên.

   Đối với số tiền ký quỹ hàng năm, Thông tư số 38 đã quy định tổ chức, cá nhân nộp số tiền ký quỹ có tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ nhân với chỉ số giá tiêu dùng của các năm trước đó tính từ thời điểm phương án, phương án bổ sung được phê duyệt. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm áp dụng theo công bố của Tổng cục Thống kê cho địa phương nơi KTKS, hoặc cơ quan có thẩm quyền.

   Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân phải tự kê khai, nộp tiền ký quỹ và làm văn bản thông báo cho Quỹ BVMT địa phương nơi ký quỹ. Quỹ BVMT có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của khoản tiền ký quỹ và cấp Giấy xác nhận đã ký quỹ cho tổ chức, cá nhân. Việc ký quỹ lần đầu phải được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày sau khi được phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với tổ chức, cá nhân đang KTKS và trước ngày đăng ký bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ đối với tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép KTKS mới. Từ lần thứ hai trở đi, việc ký quỹ được thực hiện trước ngày 31/1 của năm ký quỹ.

   Trình tự, thủ tục xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung

   Thông tư số 38 quy định, tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành từng phần nội dung cải tạo, PHMT theo phương án, phương án bổ sung thì lập hồ sơ xác nhận hoàn thành cải tạo, PHMT và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP (là cơ quan phê duyệt phương án, phương án bổ sung). Theo đó, thời hạn xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung tối đa là 40 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan xác nhận nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong quá trình kiểm tra, xác nhận hoàn thành, trường hợp cần thiết, cơ quan xác nhận mời thêm đơn vị giám sát công trình, chất lượng công trình, chất lượng môi trường, các đơn vị có liên quan và lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan đầu mối cấp phép KTKS về trữ lượng khoáng sản nằm trong diện tích khu vực đã thực hiện cải tạo, PHMT.

   Sau khi được cấp Giấy xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án, phương án bổ sung, tổ chức, cá nhân KTKS sẽ được hoàn trả khoản tiền đã ký quỹ tương ứng với khối lượng, nội dung hạng mục công trình đã hoàn thành cải tạo, PHMT. Các khoản tiền đã ký quỹ không liên quan trực tiếp đến kinh phí thực hiện các công trình cải tạo, PHMT được hoàn trả một lần sau khi xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung.

   Đồng thời, Thông tư số 38 quy định, Tổng cục Môi trường là cơ quan thẩm định, trình Bộ TN&MT phê duyệt phương án, phương án bổ sung; tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền kiểm tra, xác nhận của Bộ. Ở cấp địa phương, cơ quan thực hiện công tác này là Sở TN&MT.

   Có thể thấy, Thông tư số 38 đã quy định đầy đủ, chi tiết các quy định về cải tạo, PHMT trong hoạt động KTKS. Tuy nhiên, để các quy định này được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn cụ thể quy trình kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung khi được thực hiện cùng với đề án đóng cửa mỏ và Bộ Tài chính sẽ ban hành hướng dẫn về quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, PHMT tại các Quỹ BVMT.

Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2015

Ý kiến của bạn