Banner trang chủ

Một số định hướng chiến lược về bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới

11/02/2020

     Trong những năm qua, Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế khá cao, xấp xỉ 7%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng vẫn là các thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước tiếp tục chủ trương phát triển nhanh, bền vững với cam kết thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) đến 2030 và Thỏa thuận Pari về BĐKH.

     Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Chiến lược BVMT (Chiến lược) cho giai đoạn 2021 - 2030 là rất quan trọng và cần thiết. Bài báo này nhằm mục đích nhìn nhận lại công tác BVMT thời gian qua và đề xuất một số định hướng cho thời gian tới ở Việt Nam.

     Thực trạng công tác BVMT thời gian qua

     Thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (ban hành tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), công tác BVMT đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức về BVMT của toàn xã hội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, Chính phủ xác định “không hy sinh môi trường lấy lợi ích tăng trưởng kinh tế”. Hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về BVMT tiếp tục hoàn thiện; nguồn lực cho BVMT được tăng cường với tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường tăng dần từ 9.772 tỷ đồng trong năm 2013 (khoảng 0,9% chi ngân sách) lên 20.442 tỷ đồng năm 2019 (khoảng 1,252% tổng chi ngân sách) (Bộ Tài chính, 2019). Hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT tiếp tục được đẩy mạnh; trong giai đoạn 2012 - 2018, đã huy động được 6.915,47 triệu USD hỗ trợ cho BVMT và BĐKH (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019).

     Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến 2020 và Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu PTBV đến 2020 của Tổng cục Môi trường, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg đạt 92,71% năm 2018, tăng so với năm 2012 (84,3%). Năm 2019, tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) đạt 89%, tăng so với 2010 (khoảng 60%); tỷ lệ thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị tăng lên 86,5% so với 82% năm 2010. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH) đạt 75% năm 2018 so với 65% năm 2010; tỷ lệ CTR y tế được phân loại, xử lý đạt trên 98%. Năm 2018, tình trạng vệ sinh môi trường nông thôn đã được cải thiện với 65,5% số xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới; 88,5% số xã có công trình vệ sinh đáp ứng yêu cầu, tăng đáng kể so với 2010 (52%). Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 86%; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 94,84%.

     Trong hoạt động khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), Việt Nam đã thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; tiền thu từ đất đai, cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã tăng lên, đạt hơn 9.354 tỷ đồng năm 2019 (đối với tài nguyên nước) (Bộ TN&MT, 2019). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65% năm 2018, tăng so với 2012 (39,5%); số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã giảm so với giai đoạn trước. Đến nay, Việt Nam đã tăng thêm 3 khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên trên cạn với diện tích tăng 2.500 ha so với 2015 và 4 KBT biển so với năm 2010, tổng diện tích đạt khoảng 0,11% vùng biển trên cả nước.

 

Hội thảo tham vấn “Đánh giá thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020

và đề cương Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ TN&MT tổ chức ngày 15/11/2019

 

     Bên cạnh đó, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh; kịch bản BĐKH và nước biển dâng đã được cập nhật 2 lần năm 2012 và 2016; công tác dự báo khí tượng thủy văn có nhiều tiến bộ; tiết kiệm được 5,65% năng lượng trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong khi đó, năng lượng mặt trời có bước phát triển mạnh mẽ, đạt 4.500MW năm 2019, cùng với nhiều hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) được triển khai thực hiện.

     Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những vấn đề, thách thức còn tồn tại như tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường tiếp tục gia tăng. Môi trường không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bị ô nhiễm ở một số thời điểm; hơn 80% cụm công nghiệp (CCN) chưa có HTXLNTTT; 87% nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý. Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn còn hạn chế; tỷ lệ tái chế thấp (8 - 12%); tỷ lệ chôn lấp hơn 70%, chủ yếu là không hợp vệ sinh và còn khoảng 36,5% CTR sinh hoạt nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Tình trạng đổ trộm CTNH nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, trong giai đoạn 2012 - 2019 đã xảy ra một số sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình như vụ Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển (2016), ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy nước sông Đà, Hà Nội (2019)...

     Trong khi đó, ĐDSH tiếp tục suy thoái, tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả. Mặc dù, độ che phủ tăng, song chất lượng rừng tiếp tục suy giảm; tình trạng chặt phá rừng trái phép chưa chấm dứt và nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra. Cùng với đó, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như thảm cỏ biển, rạn san hô tiếp tục suy thoái, các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm, nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen vẫn còn hiện hữu. So với năm 2010, diện tích đất bị thoái hóa tiếp tục tăng 8 triệu ha, công tác bảo vệ an ninh nguồn nước chưa đáp ứng yêu cầu; chưa ngăn chặn được suy giảm nước ngầm và ô nhiễm nước mặt. Tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông.

     Đối với công tác ứng phó với BĐKH, năng lực chủ động ứng phó với BĐKH của các cấp, ngành, địa phương và người dân còn chưa cao. Trong khi nhận thức của toàn xã hội về BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu, thiệt hại do thiên tai gây ra còn lớn. Việc phổ biến, nhân rộng các mô hình thích nghi, sống chung với BĐKH, phát triển cácbon thấp gặp nhiều khó khăn. Cường độ sử dụng năng lượng sơ cấp còn cao so với thế giới và khu vực, năm 2015 là 20 GJ/USD GDP, trong khi giá trị trung bình của thế giới là 8 GJ/USD, Thái Lan là 14,2 GJ/USD, Trung Quốc là 13,8 GJ/USD, Malaixia 10,9 GJ/USD... (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Năng lượng Đan Mạch, 2019). Đồng thời, việc phát triển năng lượng tái tạo còn hạn chế, công tác thu hồi năng lượng từ chất thải chưa được triển khai mạnh mẽ. 

     Đề xuất một số định hướng về BVMT giai đoạn 2021 - 2030

     Trong 10 năm tới, để đạt được mục tiêu PTBV đất nước, Việt Nam cần phải ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm của ĐDSH; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, thúc đẩy nền kinh tế cácbon thấp. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần phải tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

     Thứ nhất, tiếp tục tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường. Theo đó, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch BVMT quốc gia, đưa các nội dung về TN&MT trong quy hoạch vùng, ngành, tỉnh; Thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, cácbon thấp; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Thực hiện việc cấp phép môi trường và phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt đối với các nguồn gây ô nhiễm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, kể cả các nguồn xuyên biên giới; Tích cực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

     Thứ hai, cần tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Cụ thể, phải kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn; Tăng cường quản lý CTR theo hướng giảm chôn lấp, thúc đẩy sự tuần hoàn để thu hồi vật liệu và năng lượng; chú trọng CTR nông thôn; phòng ngừa, giảm thiểu và tái chế chất thải nhựa; Xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt ở các đô thị và nâng cao chất lượng môi trường nước; Phục hồi, cải thiện môi trường ở các khu vực ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, dioxin.

     Thứ ba, ngăn chặn suy giảm ĐDSH; khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên: Tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phục hồi các hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; nâng cao độ che phủ rừng, ngăn chặn suy giảm chất lượng rừng; Bảo vệ các giống loài, nguồn gien và bảo đảm an toàn sinh học; Khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và nguồn lợi thủy sản.

     Thứ tư, chủ động thích ứng với BĐKH trong BVMT và giảm phát thải KNK: Lồng ghép BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về BVMT; tăng cường thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái; Thực hiện giảm phát thải KNK kết hợp với các hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí; Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch, các phương tiện dùng điện trong giao thông vận tải và thu hồi năng lượng từ CTR.

     Để thực hiện thành công các định hướng nêu trên, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp:

     Thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển: Trong hơn 30 năm qua, thông qua quá trình công nghiệp hóa, Việt Nam đã tập trung ưu tiên tăng trưởng kinh tế để thoát khỏi đói nghèo. Kèm theo các kết quả về tăng trưởng kinh tế là môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, hiện đã đến ngưỡng tới hạn. Trong 10 năm tới, cần phải bảo đảm phát triển trong giới hạn của sự cân bằng sinh thái, phát triển hài hòa với tự nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Tư duy này phải được nhận thức và quán triệt thành hành động từ các cơ quan quản lý đến từng doanh nghiệp và mỗi người dân.

     Tăng cường thực thi pháp luật về BVMT: Nâng cao các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hành chính, hình sự; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường cấp vùng, cấp tỉnh, huyện và xã; thực hiện phương châm hướng về địa phương, hướng về cơ sở; tăng cường sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT.

     Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho BVMT: Tạo lập cơ chế, chính sách, phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường kết hợp với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng vào BVMT; Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT; nâng cao tính hiệu quả của các quỹ BVMT; hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy đầu tư cho các dự án xanh thông qua tín dụng xanh, trái phiếu xanh; thu hút nguồn lực đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, các nước phát triển cho BVMT.

 

Nguyễn Trung Thắng, Hoàng Hồng Hạnh

Vũ Thị Thanh Nga, Nguyễn Ngọc Tú

Viện Chiến lược, chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn