Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Nhà máy Giấy Lee và Man Hậu Giang

30/10/2017

     Dự án "Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm” của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam do Công ty Joint Creation Limited làm chủ đầu tư, được triển khai trên diện tích 419.957 m2 tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thời hạn hoạt động 70 năm, tổng vốn đầu tư là 280 triệu USD. Sau 6 tháng vận hành thử nghiệm (từ tháng 3 - 9/2017), dự kiến cuối tháng 10/2017, Dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam sẽ vận hành chính thức sau khi được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT.

     5 yêu cầu đối đặt ra đối với Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang

     Sau khi thị sát và kiểm tra việc hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành tại Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, ngày 19/10/2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các địa phương có liên quan về công tác BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của Nhà máy.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các địa phương có liên quan

 

     Theo Báo cáo của Tổ giám sát, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình BVMT của Dự án theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt; đồng thời, thực hiện nghiêm túc một số hạng mục BVMT bổ sung theo yêu cầu của Tổ giám sát để xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; nước thải, khí thải sau xử lý đều đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường; chất thải rắn được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định; môi trường khu vực Nhà máy được quản lý tốt, không khí xung quanh khu vực Nhà máy không có mùi hôi; công tác vệ sinh môi trường được quản lý và thực hiện nghiêm túc...

     Trên cơ sở kết quả giám sát tại Nhà máy, cùng ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị Bộ TN&MT cho phép Nhà máy đi vào hoạt động chính thức và cam kết, tỉnh sẽ có kế hoạch giám sát chặt chẽ.

     Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà biểu dương Tổ giám sát của Tổng cục Môi trường và Tổ kỹ thuật của UBND tỉnh Hậu Giang; đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy giấy và thực hiện các biện pháp BVMT. Bộ trưởng đã đặt ra 5 yêu cầu đối với Nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang, bao gồm:

     Thứ nhất, tiếp tục duy trì vận hành liên tục, hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải trong suốt quá trình hoạt động;

     Thứ hai, sớm ban hành quy trình gắn với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống xử lý toàn bộ các chất thải, nước thải của Nhà máy;

     Thứ ba, xây dựng và phê duyệt các định mức về kinh tế - kỹ thuật như vật tư, hóa chất, năng lượng, nước…, quản lý hệ thống định mức này theo các tiêu chuẩn ISO và công khai để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ;

     Thứ tư, Nhà máy cần sớm có biện pháp xử lý triệt để mùi hôi tại các khu vực có khả năng phát sinh trong quá trình sản xuất;

    Thứ năm, cần công khai kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của Nhà máy, đặc biệt là các chất thải như xỉ than, tro bay, xỉ đáy lò…; đảm bảo các doanh nghiệp này có đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu phải cụ thể hóa các cam kết BVMT của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang; đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các cam kết BVMT của Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.

     Đối với tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thường xuyên theo dõi số liệu tại trạm quan trắc tự động hệ thống xử lý nước thải Lee & Man; định kỳ hoặc đột xuất (khi cần) kiểm tra thực tế môi trường; xây dựng chương trình phối hợp với Nhà máy về công khai thông tin, tuyên truyền, giám sát môi trường khu vực Nhà máy. Ngoài ra, Sở cần phối hợp với các Sở, ban/ngành liên quan lập và triển khai phương án giám sát chất lượng môi trường nước sông Hậu, xung quanh khu vực Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam; có phương án ứng phó sự cố môi trường và kiểm soát an ninh môi trường; tăng cường kiểm tra công tác BVMT đối với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cơ sở xả thải trực tiếp ra sông Hậu; xử phạt nghiêm những hành vi cố tình vi phạm pháp luật về BVMT; phối hợp với các tỉnh thượng nguồn sông Hậu xây dựng chương trình phối hợp giám sát, quản lý môi trường nước trên toàn bộ lưu vực sông, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khu vực.

 

Tổng Giám đốc Nhà máy Giấy Lee & Man Hậu Giang báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác chất lượng nước thải sau xử lý

 

     Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành chính thức

     Hiện nay, Nhà máy đã hoạt động 100% so với công suất thiết kế, các hạng mục công trình Nhà máy đã hoàn thành và đưa vào vận hành gồm: Tòa nhà văn phòng, bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee & Man và kho thành phẩm; Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp, công suất 420.000 tấn/năm; Tổ máy số 1, công suất 50 MW của Nhà máy nhiệt điện đốt than; Nhà máy nước cấp sử dụng nước sông Hậu, giai đoạn 1 công suất 40.000 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung giai đoạn 1 là 20.000 m3/ngày.

    Trong thời gian vận hành thử nghiệm tại Nhà máy, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải (theo Quyết định số 369/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2017) và UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập Nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải (theo Quyết định số 388/QĐ-UBND ngày 14/3/2017).

     Đối với biện pháp xử lý nước thải, Công ty đã thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt như: Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải với công suất 20.000 m3/ngày, đêm; xây dựng hồ sinh học lưu chứa nước thải sau xử lý; lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động nước thải trước và sau hồ sinh học; truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục về Sở TN&MT Hậu Giang...

     Về biện pháp quản lý, xử lý khí thải, bụi, mùi hôi phát sinh tại Nhà máy, Công ty đã thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý và thải qua ống khói cao 150 m, lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động liên tục để theo dõi thường xuyên các chỉ số ô nhiễm, qua đó kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Đến nay, Công ty đã lắp đặt lưới chắn bụi tại kho than, trồng cây tại vị trí đất trống sau kho than; lắp đặt hệ thống phun sương khử mùi khu chứa bùn thải; lắp đặt hệ thống khử mùi bằng ô zôn, than hoạt tính tại bể A/O và bể bùn; lắp đặt 2 tháp khử mùi bổ sung; lắp đặt các tấm chắn giảm thiểu tiếng ồn tại tầng thứ 3 của tháp giải nhiệt nước làm mát tuần hoàn Nhà máy nhiệt điện. Tại khu vực lưu giữ bã giấy, Công ty đã che phủ bạt để tránh phát tán mùi hôi ra xung quanh.

     Các loại chất thải phát sinh được Công ty thu gom, chuyển giao xử lý cho cơ quan chức năng theo đúng quy định. Trong quá trình hoạt động, các vấn đề phát sinh có liên quan đến môi trường đều được Công ty thông báo đến chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực.

 

Toàn cảnh Nhà máy Giấy Lee & Man Hậu Giang

 

     Là một trong những cơ sở sản xuất giấy lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, lưu lượng xả thải ra môi trường của Nhà máy là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Do đó, chuyến kiểm tra lần này của Bộ TN&MT là bước chuẩn bị quan trọng để Nhà máy giấy Lee & Man vận hành chính thức sau 6 tháng vận hành thử nghiệm.

 

Đinh Hương - ảnh: Việt Hùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)

Ý kiến của bạn