Banner trang chủ

Kết quả 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

16/10/2019

     Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, đồng bào các tôn giáo hiện nay chiếm 27% dân số, trên 90% có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào các tôn giáo có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp về BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ TN&MT với 14 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo  đã đạt được những kết quả quan trọng.

     Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ban Thường trực) đã cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-ĐCT Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong vận động, đoàn kết các tôn giáo; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp. Ngày 26/12/2016, Ban Thường trực đã ký kết Chương trình phối hợp số 20/CTrPH-MTTQ-BTNMT với Bộ TN&MT về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở đó, ngày 8/11/2017, Ban Thường trực tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT với Bộ TM&MT và các tổ chức chính trị - xã hội về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 - 2019. Thông qua các văn bản hướng dẫn, các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH.

 

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong BVMT và ứng phó với BĐKH năm 2015 tại TP.Huế

 

     Để tăng cường trách nhiệm của các tôn giáo, đóng góp vào công cuộc BVMT, ứng phó với BĐKH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm triển khai Chương trình phối hợp như lồng ghép, đưa Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH vào Chương trình "Toàn dân tham gia BVMT" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và dành nguồn lực từ Chương trình này để hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm; tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của các tôn giáo trong việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; vận động, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và ngoài nước, góp phần xã hội hóa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công tác BVMT.

     Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Mặt trận, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ nắm được nội dung, mục tiêu của Chương trình để có hành động cụ thể, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH; tập huấn cho cộng đồng tôn giáo, dân cư kỹ năng xử lý rủi ro do bão, lụt, lũ quét, hạn hán, cháy rừng... xảy ra; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho cán bộ Mặt trận, chức sắc, chức việc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở về tầm quan trọng của BVMT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, hỗ trợ các tôn giáo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong BVMT, ứng phó với BĐKH tại các cơ sở tôn giáo; hướng dẫn cho cộng đồng tôn giáo, dân cư thực hiện các biện pháp BVMT, từ đó phát triển thành các phong trào BVMT.

     Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp với ngành TN&MT tổ chức tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể, cộng đồng tôn giáo, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tiêu biểu như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, từ năm 2016 đến nay, đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn, triển khai cuộc thi "BVMT xanh trong tôn giáo", Hội thi" Tôn giáo với môi trường xanh" và phát động thi đua trong các tổ chức tôn giáo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 21 Hội nghị tập huấn; các cuộc mít tinh nhân các ngày lễ về môi trường; trồng 4.000 cây xanh trên các tuyến đường huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn triển khai mô hình xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân composit, trong đó có sự tham gia của các tôn giáo...

     Nhiều mô hình, sáng kiến của tôn giáo về BVMT, ứng phó với BĐKH

     Từ 3 mô hình điểm tại Chùa Pháp Bảo (TP. Hồ Chí Minh); Chùa Pháp Vân (TP. Hà Nội); Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức (tỉnh Thừa Thiên Huế), Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở TN&MT vận động, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về BVMT, ứng phó với BĐKH.

     Qua đó, đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay, cụ thể là tại khu vực miền Trung, tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH" vùng đồng bào theo đạo Bà La Môn giáo. Tỉnh Quảng Nam có mô hình tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, phường Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác BVMT" tại Chùa Long Quang (thị trấn Núi Thành); "Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu" của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn; mô hình khu dân cư "BVMT và ứng phó với BĐKH" tại xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức).

     TP. Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt); “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng; hạn chế khói nhang khi Phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, ăn ở sinh hoạt để tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Tỉnh Lâm Đồng với mô hình "Giáo xứ An toàn - Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu (phường 7), thôn R'Chai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), Giáo xứ Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà); "Khu dân cư đoàn kết BVMT" ở thôn Đa Hoa (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương).

     TP. Hà Nội với mô hình "Chùa Xanh" BVMT, ứng phó với BĐKH tại chùa Xuân Trạch (Đông Anh); xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn; hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng. Tỉnh Đồng Tháp với mô hình "Câu lạc bộ Phật tử thu gom rác thải, xây dựng hố rác gia đình, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng"; "trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, sử dụng nước hợp vệ sinh, xóa ao tù lắng đọng, thu gom, xử lý rác thải"; "Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, xây dựng tuyến đường hoa gắn với đèn đường, cột cờ, tạo cảnh quan môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" của Cao Đài Ban Chỉnh Đạo; "Câu lạc bộ tín đồ Hội thánh tham gia xử lý rác thải, đường thông, hè thoáng" của Tin Lành; "Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thực hiện thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi, xác động vật xuống sông, giữ gìn vệ sinh, BVMT". Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các tổ chức tôn giáo đã gắn bó, đồng hành cùng MTTQ Việt Nam các cấp, đóng góp tích cực vào công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.

     Phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH

     Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với ngành TN&MT, các tổ chức tôn giáo vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, từ đó, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng. Hàng năm, MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát các công trình, biện pháp BVMT đối với những dự án đã được phê duyệt trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Tiêu biểu như tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát, phát hiện và đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đối với một số cơ sở vi phạm; di dời 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở TN&MT giám sát việc BVMT tại Công ty CP mía đường Sóc Trăng. Tại Đồng Nai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và TP. Biên Hòa đã thành lập 4 đoàn giám sát, tổ chức 24 cuộc giám sát về thực hiện pháp luật trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua các đợt giám sát đã có 38 kiến nghị trong việc thực hiện pháp luật về BVMT, được đoàn giám sát gửi đến chính quyền, cơ quan chức năng, nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về BVMT tại địa phương.

     Nhìn chung, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với các tôn giáo trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đã đạt được những kết quả tích cực, có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, cách thức triển khai sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Nhiều nội dung của Chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia BVMT" nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, nhân dân, cũng như các cộng đồng tôn giáo. Qua đó, khẳng định vai trò “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đồng thời đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

     Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp về BVMT, ứng phó với BĐKH, đưa ra thông điệp rõ ràng “Không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế”. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu về BVMT, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hóa, các thảm họa do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu tăng cao, gây áp lực lớn lên TN&MT.

     Để tăng cường năng lực tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH của các tổ chức tôn giáo, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

     Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình phối hợp, phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, để Chương trình tiếp tục được triển khai và thực hiện đồng bộ, rộng khắp và có tính bền vững. MTTQ các cấp phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức tôn giáo tuyên truyền, phố biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT, ứng phó với BĐKH đến các tầng lớp nhân dân; vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động.

     Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cơ quan quản lý, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo, đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì việc thực hiện Chương trình phối hợp sẽ thu được nhiều kết quả tích cực. Vì vậy, cần phải rà soát bổ sung nội dung mới, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Chương trình.

     Hai là, tiếp tục vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường, làm tăng BĐKH; xây dựng cơ sở tôn giáo Xanh - Sạch - Đẹp; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực BVMT, ứng phó với BĐKH của các tôn giáo; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng, nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và nhân dân tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo, nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH. Phối hợp vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.

     Các tổ chức tôn giáo tiếp tục đưa nội dung BVMT, ứng phó với BĐKH vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động hàng năm, những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động BVMT và ứng phó với BĐKH. Phấn đấu 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đều biết đến Chương trình. Tuyên truyền trong các tôn giáo và nhân dân khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không sử dụng túi ni lông, xây dựng và hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm dán nhãn sinh thái... Hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc thi, sáng kiến về môi trường, tuyên dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác BVMT.

     Ba là, ngành TN&MT chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ hoạt động thông tin, tuyên truyền, biên soạn, cung cấp tài liệu liên quan đến BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với mỗi tôn giáo; Đề xuất bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của Nhà nước, tài trợ quốc tế để hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thực hiện kế hoạch BVMT và ứng phó với BĐKH theo nội dung đã cam kết; Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom, xử lý và tái chế, góp phần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đặc biệt là làng nghề tái chế; Thực hiện công khai các chỉ số về ô nhiễm, kết qua kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường; Hướng dẫn thống nhất phân loại rác thải sinh hoạt.

     Bốn là, gắn việc thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH với việc thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm ngăn chặn gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, nâng cao khả năng chủ động ứng phó với BĐKH. Với các định hướng lớn cho công tác BVMT giai đoạn đến năm 2020 là phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; cải tạo phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng năng lực ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

     Năm là, hướng dẫn các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với các tổ chức tôn giáo vận động đồng bào có đạo và không có đạo đoàn kết, thi đua thực hiện BVMT, ứng phó với BĐKH ở cộng đồng dân cư; cải thiện chất lượng môi trường sống, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp. Xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

     Sáu là, quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến nhân dân, góp ý xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi đầu tư về vốn đối với các tổ chức, cá nhân, nhất là tín đồ tôn giáo tham gia vào công tác thu gom và xử lý rác thải.

 

Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch

                                         Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

                                                              Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn