Banner trang chủ

Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Nông nghiệp

22/08/2018

     Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) quốc gia năm 2010, ngành nông nghiệp phát thải 88,355 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e), trong đó cao nhất là canh tác lúa nước chiếm 50,5 %, phát thải từ chăn nuôi gia súc (động vật nhai lại) 20,4%; đất nông nghiệp 27 %; đốt nương rẫy và phế phụ phẩm nông nghiệp là 2,1% trên tổng lượng phát thải của ngành. Như vậy, so sánh với kết quả kiểm kê và công bố tại thông báo quốc gia lần thứ 2 phát thải KNK trong nông nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng. Bộ NN&PTNT đã xây dựng và ban hành Chương trình giảm phát thải KNK ngành NN&PTNT đến năm 2020, theo đó, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu giảm 20% tổng lượng phát thải KNK của ngành đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành và giảm tỷ lệ đói nghèo theo các chiến lược phát triển ngành.

    Phát thải KNK được tính toán cho tất cả các kịch bản thông thường và giảm nhẹ bằng phần mềm ALU (là phần mềm được xây dựng riêng cho kiểm kê KNK cho lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, thay đổi sử dụng đất với mục đích phục vụ báo cáo phát thải KNK cho UNFCCC). Kết quả của quá trình tính toán là phát thải KNK từ các quá trình phát thải trong sản xuất nông nghiệp như: Tiêu hóa dạ cỏ (4A); Quản lý chất hữu cơ (4B); Canh tác lúa nước (4C); Đất nông nghiệp (4D); Đốt nương rẫy (4E); Đốt phế phụ phẩm nông nghiệp (4F).

    Số liệu kiểm kê KNK năm 2010 và dự báo phát thải của ngành Nông nghiệp năm 2020 và 2030 được tính toán dựa trên cơ sở hiện trạng sản xuất nông nghiệp năm 2010, các Chiến lược phát triển kinh tế ngành đến 2020 với các số liệu hoạt động như số lượng, loại gia súc; diện tích canh tác các loại cây trồng. Hầu hết, các hệ số phát thải được sử dụng theo Hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 1996, 2006 và từ chương trình kiểm kê KNK quốc gia, một số chỉ số được sử dụng trực tiếp từ nghiên cứu, đo đếm ngoài thực địa.

    Kiểm kê KNK cho kịch bản thông thường sử dụng phương pháp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là Hướng dẫn về kiểm kê quốc gia KNK của IPCC, bản sửa đổi năm 1996 (IPCC, bản sửa đổi năm 1996), Hướng dẫn thực hành tốt và quản lý độ không chắc chắn trong kiểm kê quốc gia KNK (GPG, 2000) và Hướng dẫn thực hành tốt của IPCC về lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (GPG-LULUCF).

 

Phát thải KNK những năm 2010 và dự báo phát thải KNK cho năm 2020 và 2030

Nguồn phát thải

2010*

2020**

2030**

Chăn nuôi gia súc

18.030

24.984

29.322

Canh tác lúa

44.614

39.360

39.949

Đất nông nghiệp

23.812

33.947

37.397

Đốt đồng cỏ

x

x

 

Đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài đồng

1.899

2.504

2.673

Tổng cộng:

88.355

100.758

109.342

Nguồn: * Báo cáo kiểm kê khí nhà kính năm 2010, Dự án “tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam”, 2014;

** Báo cáo ước tính phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam cho năm 2020 và 2030, 2014

 

    Trên cơ sở rà soát, tính toán, tham khảo các công nghệ giảm phát thải KNK đã và đang áp dụng, các định hướng chính sách về ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh của ngành, của quốc gia, các phương án giảm nhẹ phát thải KNK trong nông nghiệp như: Tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI); cải thiện chất lượng khẩu phần thức ăn cho các loài động vật nhai lại; rút nước giữa vụ; chuyển đổi canh tác lúa nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn hoặc mô hình kết hợp lúa – tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời giảm đáng kể lượng phát thải KNK.

 

Canh tác lúa nước chiếm 50,5 % trên tổng lượng phát thải KNK của ngành Nông nghiệp

 

    Kết quả rà soát cho thấy các giải pháp AWD, SRI thích nghi cao và rút nước giữa vụ, đặc biệt, chuyển đổi canh tác lúa nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn hoặc các mô hình kết hợp lúa - tôm có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải KNK và có hiệu quả kinh tế cao. Một số giải pháp của lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trong NDC1 cần xem xét loại bỏ vì tính khả thi không cao và suất đầu tư lớn. Đối với công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê, tiềm năng giảm phát thải KNK không cao nhưng mang lại lợi ích về tiết kiệm nước, phân bón, lao động. Công nghệ này có thể giảm được 40% lượng nước tưới, 30% phân bón, 80% lao động, 60 % tiền điện bơm nước, cây cà phê cho năng suất cao, phát triển ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện thiếu nước khô hạn, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây nguyên. Phương án sản xuất than sinh học cho tiềm năng giảm phát thải KNK cao nhất, tuy nhiên phương án này còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ tối ưu và nhân rộng. AWD và SRI là những công nghệ có tiềm năng giảm phát thải KNK cao nhưng suất đầu tư cao và đòi hỏi đồng bộ với đầu tư nâng cấp các hệ thống cơ sở hạ tầng tưới, tiêu của đồng ruộng, sự thống nhất của cộng đồng, sự tham gia của các cấp chính quyền và hệ thống điều khiển tối ưu hóa thời gian thực. Phương án rút nước giữa vụ có thể coi là phương án khả thi nhất do tiềm năng giảm nhẹ cao vừa có giá thành vừa phải, dễ áp dụng và có tiềm năng triển khai nhân rộng cao, dễ đo đạc, kiểm tra.

    Tùy thuộc vào điều kiện hạ tầng của hệ thống thủy lợi, quy mô diện tích và suất đầu tư của từng phương án do đó các giải pháp có tính khả thi khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy phương án chủ đạo trong trồng trọt vẫn là rút nước giữa vụ, SRI, AWD, sản xuất và bón than sinh học. Trong chăn nuôi, phương án cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho gia súc (nhóm động vật nhai lại) là phương án vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao do tăng năng suất thịt và sữa, vừa giảm phát thải KNK. Phương án tưới nhỏ giọt tích hợp bón phân cho cà phê có ý nghĩa lớn về tiết kiệm nước, thích ứng với BĐKH cho vùng khô hạn, khả năng triển khai rộng còn nhiều thách thức nhưng cần thiết để thúc đẩy, nâng cao nhận thức cho người dân về tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả nước và phân bón cũng như năng lượng và công lao động, đồng thời cung cấp chính xác lượng nước tưới có vai trò quyết định đến chế độ ra hoa, đậu quả và năng suất cà phê.

    Như vậy, Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) trong nông nghiệp Việt Nam đã được rà soát, phân tích và kiến nghị với các nhóm phương án giảm nhẹ khác nhau, có thể phù hợp cho địa phương và thành phần tham gia sản xuất khác nhau. Các giải pháp giảm phát thải tiềm năng như tái sử dụng rơm rạ, rút nước giữa vụ, tưới khô ướt xen kẽ, sản xuất và bón than sinh học, sản xuất phân hữu cơ từ phân gia súc, tưới nhỏ giọt tích hợp bón phân cho cà phê... được đề xuất áp dụng. Với nguồn lực quốc gia được phân bổ để triển khai những phương án này trong nông nghiệp có thể cắt giảm tới 8,48 triệu tấn CO2e. Nếu được hỗ trợ thêm từ nguồn lực quốc tế thì có thể mở rộng các giải pháp trên ở quy mô lớn hơn và có thể cắt giảm tới 29,14 triệu tấn CO2e, góp phần đáng kể vào NDC của Việt Nam năm 2030.

Mai Văn Trịnh

Viện Môi trường Nông nghiệp

Lê Hoàng Anh

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn