Banner trang chủ

Hướng dẫn mới về cách tính chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam (VN_AQI )

23/12/2019

     Hiện nay, tại Việt Nam nhu cầu của cộng đồng được cung cấp các thông tin về chất lượng không khí (CLKK) là rất lớn. Nhằm tăng cường việc quản lý, sử dụng hiệu quả số liệu quan trắc môi trường, đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin môi trường không khí tới cộng đồng, ngày 12/11/2019, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 1459/QĐ-TCMT về việc Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số CLKK Việt Nam (VN_AQI) thay thế 878/QĐ-TCMT ngày 01/07/2011.

     AQI là chỉ số để công bố CLKK. AQI cho biết CLKK sạch hay đang bị ô nhiễm, những ảnh hưởng tới sức khỏe và đưa ra khuyến nghị đối với người dân khi ô nhiễm không khí gia tăng. AQI được tính toán dựa trên 5 chất ô nhiễm chính, bao gồm: Ôzôn mặt đất (O3), ô nhiễm hạt (bụi PM2.5 và PM10), cácbon mônôxít (CO) , lưu huỳnh đioxít (SO2) và nitơ đioxít (NO2).

     Sổ tay hướng dẫn tính toán AQI đã được Tổng cục Môi trường ban hành lần đầu tiên vào năm 2011, sau khi ban hành Sổ tay hướng dẫn tính toán AQI đã góp phần nâng cao hoạt động công bố thông tin chất lượng không khí cho người dân. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm áp dụng, hướng dẫn tính toán AQI cần phải được sửa đổi để tiếp cận theo phương pháp mới đang áp dụng trên thế giới.

     Trong quá trình xây dựng Hướng dẫn tính toán AQI mới thay thế cho Sổ tay tính toán AQI đã ban hành năm 2011, nhóm chuyên gia đã tham khảo các phương pháp tính AQI đang áp dụng trên thế giới, lựa chọn phương pháp tính AQI phổ biến nhất và điều chỉnh phù hợp với các Quy định của Việt Nam. Đó là phương pháp tính AQI dựa vào bảng Break Point được xây dựng và áp dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ, sau đó rất nhiều quốc gia đã áp dụng theo phương pháp này như: Trung Quốc, Mexcio, Braxin, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaixia, Singapore, Ấn độ, Mông Cổ. Phương pháp tính AQI đã được điều chỉnh để phù hợp với Quy định của Việt Nam (phù hợp với QCVN 05:2013/BTNMT).

 

Trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại 566 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội

 

     Theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số CLKK Việt Nam (VN_AQI), chỉ số CLKK của Việt Nam có thang điểm tương ứng với màu sắc để cảnh báo CLKK và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cụ thể:

     Bảng 1. Khoảng giá trị AQI và đánh giá CLKK

Khoảng giá trị AQI

Chất lượng không khí

Màu sắc

Mã màu RBG

Ảnh hưởng tới sức khỏe

0 - 50

Tốt

Xanh

0;228;0

Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe

51 - 100

Trung bình

Vàng

255;255;0

Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch…) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.

101 - 150

Kém

Da cam

255;126;0

Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

151 - 200

Xấu

Đỏ

255;0;0

Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

201 - 300

Rất xấu

Tím

143;63;151

Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

301-500

Nguy hại

Nâu

126;0;35

Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng.

 

 

     Công thức tính toán AQI

     Chỉ số AQI được tính bao gồm AQI giờ và AQI ngày:

     - AQI ngày: Sử dụng để công bố CLKK trong các ngày.

     - AQI giờ: Sử dụng để công bố CLKK liên tục theo từng giờ.

     Tính toán giá trị AQI giờ (AQIh)

     Số liệu để tính toán AQI giờ là giá trị quan trắc trung bình 1 giờ. Đối với thông số PM10 và PM2.5 do không có quy chuẩn trung bình 1 giờ nên sử dụng phương pháp Nowcast do Cục Bảo vệ môi trường Hoa kỳ phát triển. Nowcast là giá trị trung bình có trọng số được tính toán từ 12 giá trị trung bình 1 giờ gần nhất so với thời điểm tính toán.

     Để tính toán AQI giờ trước hết tính giá trị AQIh của từng thông số (AQIx)

     Giá trị AQIh của các thông số SO2, CO,  NO2, O3 được tính toán theo công thức 1, giá trị AQIh của các thông số PM10, PM2.5 được tính toán theo công thức 2:

  (Công thức 1)

  (Công thức 2)

     Trong đó:

     Bảng 2. Các giá trị BPi đối với các thông số

i

Ii

Giá trị BPi  quy định đối với từng thông số (Đơn vị: µg/m3)

O3(1h)

O3(8h)

CO

SO2

NO2

PM10

PM2.5

1

0

0

0

0

0

0

0

0

2

50

160

100

10.000

125

100

50

25

3

100

200

120

30.000

350

200

150

50

4

150

300

170

45.000

550

700

250

80

5

200

400

210

60.000

800

1.200

350

150

6

300

800

400

90.000

1.600

2.350

420

250

7

400

1.000

-

120.000

2.100

3.100

500

350

8

500

≥1.200

-

≥150.000

≥2.630

≥3.850

≥600

≥500

 

     Ghi chú: - Tính toán AQI giờ (AQIh)  của O3 sử dụng giá trị BPi cho O3 (1h)

                     - Tính toán AQI ngày (AQId) của O3 sử dụng giá trị BPi cho O3 (1h) và O3 (8h)

     Giá trị AQI giờ tổng hợp: là giá trị lớn nhất AQIx của các thông số

Tính toán giá trị AQI ngày (AQId)

     Công thức tính toán AQI tương tự công thức tính toán AQI giờ và sử dụng bảng Break point (bảng số 2). Tuy nhiên số liệu đầu vào để tính toán AQI ngày như sau:

     - Thông số PM2.5 và PM10: giá trị trung bình 24 giờ.

     - Thông số O3: giá trị trung bình 1 giờ lớn nhất trong ngày và giá trị trung bình 8 giờ lớn nhất trong ngày.

     - Thông số SO2, NO2 và CO: giá trị trung bình 1 giờ lớn nhất trong ngày.

     Giá trị AQI ngày tổng hợp: là giá trị lớn nhất AQIx của các thông số.

     Quy định mới về cách tính AQI của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá cao. Sau khi được Tổng cục Môi trường ban hành, các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam sử dụng Hướng dẫn tính toán và công bố VN_ AQI trong việc công bố thông tin CLKK cho người dân.

 

Lê Hoàng Anh, Vương Như Luận

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn