Banner trang chủ

Huy động nguồn lực triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu tại Việt Nam

24/08/2018

     Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày 12/12/2015 đã được đại diện hơn 195 quốc gia thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH (COP 21) ở Pari (Pháp). Đây là kết quả quan trọng sau hơn 20 năm nỗ lực đàm phán của cộng đồng thế giới. Thỏa thuận Pari về BĐKH là cơ sở pháp lý toàn cầu để các quốc gia trên thế giới cùng chung tay ứng phó, giải quyết vấn đề BĐKH, hướng tới mô hình phát triển các bon thấp, tăng khả năng chống chịu và thích nghi với BĐKH để phát triển bền vững. Thỏa thuận chính thức có hiệu lực ngày 4/11/2016. Đến nay, Thỏa thuận đã được 179 Bên phê chuẩn trong tổng số 197 Bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH.

    Thỏa thuận đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2ºC vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp; đồng thời khuyến khích các quốc gia tăng cường hoạt động để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5ºC. Thỏa thuận bao gồm 29 Điều, tập trung giải quyết các nội dung của Công ước khí hậu, áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên tham gia Thỏa thuận. Nội dung Thỏa thuận đã giải quyết được nhiều khác biệt về trách nhiệm của mỗi Bên trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) trên cơ sở đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thể hiện nỗ lực cao nhất của mỗi quốc gia và sẽ liên tục được điều chỉnh trong những năm tới.

 

Đoàn Thanh niên tỉnh Kiên Giang triển khai trồng rừng ngập mặn ven biển

 

    Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là INDC) và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của LHQ về BĐKH vào tháng 9/2015. Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ từ quốc tế.

     Sau khi Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Pari ngày 31/10 /2016, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu do Thỏa thuận quy định. Để triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH. Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH gồm 68 nhiệm vụ, chia làm 2 giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2030, gồm 5 trụ cột chính: Giảm nhẹ phát thải KNK; Thích ứng với BĐKH; Nguồn lực thực hiện; Hệ thống công khai, minh bạch (hệ thống MRV); Thể chế, chính sách.

    Trong quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH tại Việt Nam đã bộc lộ một số khó khăn, trong đó thách thức lớn nhất là về nguồn lực thực hiện; cũng như việc thay đổi nhận thức, tư duy và công cụ quản lý để chuyển từ ứng phó tự nguyện hiện nay sang ứng phó mang tính ràng buộc pháp lý, chịu sự giám sát, kiểm tra quốc tế, cụ thể:

    Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải KNK: Vốn đầu tư ban đầu cho giảm nhẹ phát thải KNK cao, thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính hiện có chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK; Chưa có hệ thống MRV về giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia và cấp ngành, quy định về tiêu chuẩn công nghệ, dán nhãn thiết bị đã có hiệu lực, song việc thực hiện còn chậm; Nhận thức về sử dụng tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các biện pháp canh tác giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế; Việc thực thi các chính sách bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập từ các hoạt động BV&PTR còn thấp; Chưa có cơ chế chính sách cụ thể để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác BV&PTR; Thể chế, chính sách về quản lý và hỗ trợ xử lý chất thải chưa hoàn thiện, còn chồng chéo và chưa được thực thi triệt để. Tổ chức quản lý chất thải chưa thống nhất ở cả cấp Trung ương và địa phương với mô hình mang tính riêng biệt từng đô thị, việc đầu tư cho xử lý chất thải còn ít, chưa cân đối và định mức thấp…

     Nhiệm vụ thích ứng với BĐKH: Nhu cầu cho phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng và ngập lụt đô thị rất lớn, tuy nhiên nguồn lực quốc gia còn hạn chế và cần cân đối cho các mục tiêu khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nghèo, tỷ lệ tái nghèo có nguy cơ tăng ở khu vực nông thôn; Cơ cấu tổ chức của các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH còn chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Cán bộ làm công tác này còn hoạt động kiêm nhiệm, do đó, cần có cơ chế phối hợp hoàn thiện hơn nữa để nâng cao tính hiệu quả; Công tác dự báo, cảnh báo chưa kịp thời; Công tác phòng, chống thiên tai mới chỉ tập trung vào giai đoạn ứng phó sự cố, chưa chú trọng đến hoạt động phòng ngừa; công tác cứu trợ còn chồng chéo. Công tác tìm kiếm cứu nạn còn thiếu trang thiết bị chuyên dùng và lực lượng chuyên nghiệp; Các giải pháp thích ứng với BĐKH phần lớn mới tập trung vào các giải pháp công trình như đắp đê, nâng cao cốt nền... Các giải pháp phi công trình như quy hoạch, trồng rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng… tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đủ. Cùng với đó, việc phát triển đô thị tuy đã có quy hoạch, nhưng quản lý còn nhiều bất cập; Thị trường bảo hiểm đã hình thành trong thời gian gần đây, nhưng chưa thực sự phát triển, đặc biệt là thị trường bảo hiểm thiên tai và BĐKH do tính rủi ro cao; Ý thức cộng đồng trong quản lý thiên tai và thích ứng với BĐKH đã được chú trọng, nhưng vẫn còn hạn chế.

     Để triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH trong thời gian tới, cần huy động nguồn lực thực hiện cả trong, ngoài nước, đặc biệt, chú trọng sự tham gia của doanh nghiệp vào ứng phó với BĐKH để thực hiện đầy đủ 68 nhiệm vụ của Kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác nâng cao nhận thức, tư duy cần được tăng cường để chuyển từ ứng phó tự nguyện hiện nay sang ứng phó mang tính ràng buộc pháp lý, chịu sự giám sát, kiểm tra quốc tế sau này.

 

Chu Thị Thanh Hương

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn