Banner trang chủ

Hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

08/10/2019

     Ngày 16/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nghị định được ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường công tác quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2008. Đồng thời cập nhật, bổ sung các loài nguy cấp, quý, hiếm vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để đáp ứng với tình hình thực tế.

     Sự cần thiết ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP

     Tại Khoản 3 Điều 40 Luật ĐDSH năm 2008 quy định: “Định kỳ 3 năm một lần hoặc khi có nhu cầu, loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải được điều tra, đánh giá quần thể để sửa đổi, bổ sung”. Cũng tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định: “Định kỳ 3 năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ TN&MT”.

     Nghị định số 160/2013/NĐ-CP đã ban hành Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm 83 loài động vật, 17 loài thực vật, 15 giống cây trồng,06 giống vật nuôi và chế độ quản lý các loài thuộc Danh mục này. Nghị định số 160/2013/NĐ-CP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quản lý loài ưu tiên bảo vệ, đặc biệt làm căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 và xây dựng, triển khai các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

     Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức liên quan tiến hành xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022 (Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam (Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Hiện nay, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài rùa nguy cấp ở Việt Nam .     Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, các thông tin về loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã có những thay đổi, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, bổ sung cập nhật như: Một số loài trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP đã có thay đổi về tên khoa học; một số loài đã được giới khoa học công bố tách thành nhiều loài; có loài đã được cơ quan khoa học khẳng định không còn tồn tại ở Việt Nam; một số loài nguy cấp, quý, hiếm đáp ứng tiêu chí để được công nhận là loài ưu tiên bảo vệ...

     Thực hiện Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ trì Dự thảo Nghị định của Chính phủ nhằm điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Do đó, việc ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình hoạt động của các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia bao gồm Công ước ĐDSH (CBD) và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

 

  

Loài Lan hài hằng và Thằn lằn cá sấu được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ

 

     Tại Điều 8, CBD cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai các quy định về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm: "Triển khai hoặc duy trì các quy định pháp luật cần thiết hoặc các điều khoản điều chỉnh khác để bảo vệ các loài nguy cấp và số lượng quần thể đang bị nguy cơ tuyệt chủng”. CITES cũng đã nhấn mạnh: “Các loài động vật và thực vật hoang dã là một phần không thể thay thế của những hệ sinh thái tự nhiên của trái đất với những giá trị to lớn về các mặt thẩm mỹ, khoa học, văn hóa, giải trí và kinh tế. Vì vậy, các dân tộc và các quốc gia phải là những người bảo vệ tốt nhất nguồn động, thực vật hoang dã của mình".

     Theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, số lượng loài đã được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục là 15 loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục I về Danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại của Công ước CITES năm 2017. Một số loài được đề nghị bổ sung trong Danh mục là những loài đang trong tình trạng sắp có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Việc đưa vào Danh mục nhằm cụ thể hóa việc thực thi Công ước và có các hành động thích hợp để bảo tồn, ngăn chặn sự suy giảm các loài bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam.

     Năm 2010, tại Hội nghị lần thứ 10 của các bên tham gia CBD, các nước thành viên đã thông qua và cam kết thực hiện các mục tiêu của Công ước đến năm 2020 (Mục tiêu Aichi), trong đó mục tiêu về bảo tồn các loài bị đe dọa là "Đến năm 2020, ngăn chặn được sự tuyệt chủng của các loài nguy cấp và cải thiện tình trạng bảo tồn của các loài này, đặc biệt là những loài đang bị suy giảm quần thể".

     Nội dung cơ bản của Nghị định số 64/2019/NĐ-CP

     Nghị định số 64/2019/NĐ-CP gồm 2 Điều và 1 Phụ lục. Những nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Phụ lục I Danh mục điều chỉnh, bổ sung loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như sau:

     Về thực vật: Bổ sung 09 loài thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bao gồm: Lan hài chai; Lan hài xanh; Lan hài chân tím; Lan hài trân châu; Lan hài hằng; Lan hài đỏ;Lan hài tam đảo; Lan hài thăng heng; Thông đỏ nam. Các loài nêu trên là các nguồn gen quý, hiếm bị khai thác, buôn bán cạn kiệt, đang bị đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên và đều đáp ứng các tiêu chí là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, điều chỉnh tên Việt Nam 02 loài là Bách vàng thành Bách vàng việt; Hoàng liên trung quốc thành Hoàng liên bắc và tách thành 03 loài nhằm cụ thể hóa các loài thuộc họ Hoàng liên gai trong Danh mục loài ưu tiên bảo vệ là Hoàng liên gai lá dài; Hoàng liên gai lá mốc; Hoàng liên gai lá nhỏ.

     Về động vật, trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định số 64/2019/NĐ-CP đưa loài Trâu rừng ra khỏi Danh mục, bởi trong nhiều năm qua không còn ghi nhận loài này ở Việt Nam. Đồng thời bổ sung 10 loài bao gồm 03 loài thú, 03 loài bò sát và 04 loài chim nguy cấp, quý, hiếm vào Danh mục gồm: Cầy giông đốm; Cầy vằn bắc; Cầy gấm; Tắc kè đuôi vàng; Thằn lằn cá sấu; Rùa đầu to; Rẽ mỏ thìa; Trĩ sao; Công; Choắt mỏ vàng. Hiện các loài này đều đang bị đe dọa và đáp ứng các tiêu chí là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.

     Danh mục điều chỉnh 10 loài bao gồm 06 loài thú, 02 loài bò sát và 02 loài chim. Các loài này được tách thành các loài mới hoặc điều chỉnh tên Việt Nam, tên khoa học cho phù hợp với các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất đã được công bố, cụ thể: Tách loài Vượn siki từ loài Vượn đen má trắng trong Danh mục loài ưu tiên bảo vệ do trong quá trình nghiên cứu về di truyền học phân tử, các chuyên gia phân loại học linh trưởng thấy có sự khác biệt về di truyền; Tách loài Voọc bạc trường sơn từ loài Voọc bạc đông dương; Điều chỉnh tên khoa học của loài Voọc bạc đông dương (Trachypithecus villosus thành Trachypithecus germaini); Tách loài Vượn má vàng trung bộ từ loài Vượn đen má hung; Điều chỉnh tên khoa học của loài Voọc xám (Voọc bạc) (Trachypithecus (phayrei) barbei thành Trachypithecus crepusculus); Điều chỉnh tên khoa học loài Sơn dương; Tách loài Rùa hộp trán vàng miền trung và loài Rùa hộp trán vàng miền nam từ loài Rùa hộp trán vàng miền bắc; Điều chỉnh tên khoa học của loài Hồng hoàng và điều chỉnh tên khoa học loài Niệc nâu.

     Việc ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP là yêu cầu cần thiết, phù hợp với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đồng thời đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

 

Trần Trọng Anh Tuấn

Nguyễn Thị Vân Anh

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn