Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Hiện trạng và các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Phú Yên

20/12/2016

   Qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Phú Yên đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển KT-XH nhanh đã làm phát sinh lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) lớn. Để từng bước cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH trên địa bàn, tỉnh Phú Yên đã đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

   Hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

   Theo thống kê của Sở TN&MT Phú Yên, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 495 tấn/ngày, trong đó CTRSH của TP. Tuy Hòa khoảng 129 tấn/ngày, thị xã Sông Cầu khoảng 83 tấn/ngày, các huyện còn lại khoảng 283 tấn/ngày. Lượng CTRSH phát sinh này được thu gom còn thấp khoảng 270 tấn/ngày (TP. Tuy Hòa là khoảng 120 tấn/ngày, thị xã Sông Cầu khoảng 35 tấn/ngày, các huyện còn lại khoảng 115 tấn/ngày), tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt 55%. Số liệu trên cho thấy, năng lực thu gom CTRSH ở các huyện, thị xã còn thấp (ngoại trừ TP. Tuy Hòa), nguyên nhân là do công tác thu gom và vận chuyển CTRSH còn tồn tại một số hạn chế:

   Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom CTRSH trên địa bàn tỉnh tuy được nhân rộng nhưng hiệu quả chưa cao; Lực lượng chính tham gia thu gom CTRSH chủ yếu là các đơn vị công ích, như: Công ty CP Môi trường và đô thị Phú Yên, Phòng Quản lý đô thị/Kinh tế và hạ tầng… Đối với một số khu vực, xe thu gom rác chuyên dụng không tiếp cận được hoặc đơn vị công ích chưa có điều kiện tổ chức thu gom thì có sự tham gia của các HTX, hộ gia đình và UBND xã/phường/thị trấn.

   Việc thu gom còn phụ thuộc nhiều vào xe chuyên dụng và một lượng nhỏ xe tải hoặc xe công nông tại khu vực nông thôn, chưa chú trọng thành lập các tổ, đội thu gom, bố trí các điểm tập kết để trung chuyển. Do vậy, địa bàn thu gom chỉ tập trung ở các khu trung tâm, thị trấn, thị tứ, thị xã, các tuyến đường chính liên thôn, liên xã, nơi xe có thể vào để thu gom trực tiếp tại hộ gia đình và vận chuyển về bãi rác tập trung.

   Tần suất thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp dẫn đến phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Đối với TP. Tuy Hòa thu gom 7 lần/tuần khu vực nội thành, 3 lần/tuần khu vực ngoại thành; các huyện, thị xã còn lại tần suất chỉ 2-3 lần/tuần tuỳ địa bàn. Chính vì vậy, lượng CTRSH phát sinh tại các huyện, thị xã không được thu gom hết làm tồn đọng rác thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, môi trường xung quanh. Trong khi đó, phương tiện thu gom, vận chuyển tại các địa phương còn thiếu, riêng TP. Tuy Hòa được trang bị 9 xe chuyên dụng, các địa phương còn lại chưa được trang bị đủ (mỗi huyện chỉ từ 1 - 2 xe, riêng thị xã Sông Cầu có 4 xe).

   Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường CTRSH không chỉ do năng lực thu gom thấp, mà còn do vấn đề xử lý CTRSH. Theo thống kê của Sở TN&MT Phú Yên, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 bãi rác nhưng chỉ có 2 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động. Đối với tất cả các bãi rác còn lại, đa phần đều tồn tại trước thời điểm xây dựng quy hoạch quản lý CTR và nghĩa trang nên vẫn tiếp tục được sử dụng, trong đó một số điểm đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh.

   Ngoài ra, các dự án xử lý rác tập trung đã được tỉnh Phú Yên cho phép đầu tư đang triển khai chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch xử lý rác của tỉnh, trong đó các huyện như Phú Hòa, Tuy An không thể chủ động tổ chức xử lý rác thải trên địa bàn do không được quy hoạch bãi tập trung.

Hội nghị “Hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý CTRSH” trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ngày 6/7/2016

   Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

   Để giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Phú Yên, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp:

   Một là, rà soát và xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

   Hai là, củng cố công tác tổ chức hoạt động thu gom, bổ sung nhân lực và phương tiện thu gom (xe chuyên dụng, xe đẩy tay, thùng đựng rác...) nhằm nâng tần suất thu gom và đáp ứng việc thu gom trong các hẻm nhỏ bằng thiết bị và phương tiện hợp lý (hẻm nhỏ dùng phương tiện nhỏ, trục đường lớn dùng xe chuyên dụng).

   Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý và đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn như: ưu tiên kinh phí đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy hoạch được phê duyệt, đẩy nhanh các dự án đầu tư xử lý rác tập trung đã được tỉnh cho phép đầu tư hoặc thu hồi các dự án đầu tư chậm, không hiệu quả.

   Bốn là, xây dựng giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo hình thức giá dịch vụ do nhà nước định giá phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, đặc điểm văn hóa vùng miền và đảm bảo được chi phí cho hoạt động thu gom vận chuyển CTR tại địa phương, giảm bớt phần chi trả của ngân sách nhà nước

   Năm là, triển khai thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định và kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom xử lý rác.

   Sáu là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các xã ven biển, đồng bằng có mật độ dân cao tự nguyện tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường có trả phí. Để đảm bảo công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, ngoài việc đa dạng hình thức tuyên truyền cần phải tăng cường sự hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động tham gia đóng phí vệ sinh, lồng ghép hoạt động vệ sinh môi trường với các nội dung thi đua của địa phương.

Tôn Thất Toản, Huỳnh Huy Việt

Chi cục BVMT Phú Yên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn