Banner trang chủ

Hiện trạng các nguồn thải vào đầm, vịnh tỉnh Phú Yên và giải pháp bảo vệ môi trường

08/08/2018

     Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 4 đầm, vịnh tập trung tại khu vực vùng bờ, cụ thể: thị xã Sông Cầu (vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông), huyện Tuy An (đầm Ô Loan, một phần vịnh Xuân Đài) và huyện Đông Hòa (vịnh Vũng Rô)… đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Phú Yên phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, đầm, vịnh còn là nơi tiếp nhận phần lớn các chất thải từ vùng núi đến đồng bằng do các sông lớn cuốn theo nên môi trường đang chịu nhiều tác động. Để kiểm soát môi trường đầm, vịnh, trong thời gian qua, Sở TN&MT Phú Yên đã tiến hành đánh giá tổng thể các nguồn thải vào đầm, vịnh và triển khai nhiều giải pháp BVMT.

     Đánh giá nguồn thải của các đầm, vịnh tỉnh Phú Yên

     Nguồn thải phát sinh vào các đầm, vịnh tại tỉnh Phú Yên gồm 2 nguồn: Các hoạt động kinh tế (nuôi trồng và khai thác thủy sản, dịch vụ - du lịch, cảng biển) trong đầm, vịnh; Khu vực đất liền vùng ven. Bên trong các đầm, vịnh hoạt động nuôi trồng thủy sản là nguồn phát sinh chất thải chủ yếu, tiếp đến là các hoạt động tàu thuyền, du lịch, dịch vụ. Trên đất liền, ven các đầm, vịnh hoạt động dân sinh, cơ sở ăn uống là nguồn phát sinh chất thải (rác thải, nước thải), sau đó đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (cơ sở sản xuất, làng nghề)… Ngoài ra, còn có chất thải do rửa trôi đất theo sông, kênh, suối đổ vào các đầm, vịnh (đặc biệt khu vực ven biển thường có địa hình dốc từ tây sang đông sẽ làm gia tăng lượng chất thải vào đầm, vịnh).

     Ngoài ra, hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè  trên các đầm, vịnh của tỉnh Phú Yên có tỷ lệ trung bình thức ăn dư thừa thải vào môi trường khoảng 25% (nếu thức ăn là ốc thì tỷ lệ thức ăn dư thừa khoảng 35 - 40 %, nếu là cá tạp thì tỷ lệ thức ăn dư thừa khoảng 15 - 20%); hoạt động nuôi ao đìa lấy nước từ đầm và thải trực tiếp ra ngoài môi trường đầm, không qua xử lý, hiện nay chưa xác định được tỷ lệ thức ăn dư thừa thải vào môi trường. Hoạt động dân sinh của các xã quanh đầm, vịnh đang phát sinh một lượng nước thải và rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực chỉ đạt 60 - 70%, riêng rác thải sinh hoạt thôn Vũng Rô - xã Hòa Xuân Nam (tại vịnh Vũng Rô) chưa được thu gom; nước thải sinh hoạt của hộ dân được thải ra môi trường đầm, vịnh hoặc ngấm xuống đất thông qua bể tự hoại (đối với nước thải từ nhà vệ sinh).

 

Rác thải tại vịnh Xuân Đài

 

     Tùy vào quy mô phát triển KT-XH tại các đầm, vịnh mà mức độ các nguồn thải có khác nhau. Đối với vịnh Xuân Đài, bên cạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản, hoạt động du lịch - dịch vụ rất phát triển, tuy nhiên, đây cũng là một nguồn tác động lớn gây ô nhiễm. Đối với vịnh Vũng Rô, hoạt động cảng biển, cảng xăng dầu đang và sẽ phát triển mạnh trong tương lai nên các chất thải từ hoạt động tàu thuyền tại cảng, sự cố tràn dầu là nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn tại vịnh cần đặc biệt quan tâm.

     Qua theo dõi diễn biến môi trường đầm, vịnh tại các điểm quan trắc cho thấy, chất lượng tầng nước mặt, tầng đáy trong các đầm, vịnh có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, trong đó đáng lưu ý nhất là vịnh Xuân Đài và một số điểm ở đầm Cù Mông, đầm Ô Loan. Về lâu dài, việc tiếp tục nhận lượng chất thải từ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong khi cơ chế trao đổi nước kém và không có các giải pháp xử lý môi trường kèm theo sẽ tiếp tục làm tích tụ một lượng chất thải lớn, tăng nguy cơ xảy ra các tai biến, sự cố môi trường (gây chết các loài thủy sinh trong tự nhiên cũng như các đối tượng nuôi trong khu vực).

     Tăng cường các giải pháp BVMT đầm, vịnh

     Trước thực trạng trên, đặc biệt là sau sự cố tôm hùm chết tại vịnh Xuân Đài vào cuối tháng 5/2017, Sở TN&MT triển khai nhiều giải pháp quản lý môi trường tại đầm, vịnh cụ thể:

     Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT vùng ven biển: Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng ven biển, đặc biệt là tại các vùng nuôi thủy sản tập trung. Tổ chức nhiều đợt công tác làm việc trực tiếp với địa phương có các đầm, vịnh để bàn bạc các giải pháp nhằm quản lý môi trường vùng đầm, vịnh.

     Thứ hai, chủ động phối hợp với địa phương tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn: Để tăng cường cho hoạt động thu gom chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản tại khu vực đầm, vịnh, Sở TN&MT đang phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu xây dựng mô hình điểm về thu gom lượng chất thải rắn phát sinh hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

     Thứ ba, tăng cường công tác quan trắc môi trường đầm, vịnh: Nhằm tăng tần suất và mật độ lấy mẫu nước, tăng cường trao đổi thông tin và kết quả quan trắc chất lượng môi trường đầm, vịnh phục vụ cho công tác cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tại đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Ngoài ra, tại các điểm nhạy cảm khác của đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, Sở TN&MT chủ động chú trọng tăng cường mật độ quan trắc môi trường định kỳ nhằm xây dựng chuỗi số liệu phục vụ công tác đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và cảnh báo kịp thời các nguy cơ ô nhiễm.

 

Sở TN&MT phối hợp với Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Công ty Nippon Koei

và tổ chức JICA (Nhật Bản) khảo sát thực địa tại vịnh Xuân Đài, Phú Yên

 

     Thứ tư, xây dựng Đề án “Thu phí BVMT đối với nước thải nuôi trồng thủy sản tại các đầm, vịnh ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên”: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc BVMT, đồng thời góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước phục vụ cho việc xử lý ô nhiễm môi trường, hiện nay Sở TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Thu phí BVMT đối với nước thải nuôi trồng thủy sản tại các đầm, vịnh ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

     Thứ năm, xây dựng “Quy định tạm thời việc giao, cho thuê khu vực biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên địa bàn tỉnh Phú Yên”: Từng bước quản lý việc giao, cho thuê mặt nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong khi chờ các quy định của Trung ương, Sở TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng “Quy định tạm thời việc giao, cho thuê khu vực biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

     Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học và tổ chức JICA - Nhật Bản để đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài: Được sự cho phép của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các chuyên gia của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Công ty tư vấn môi trường Nhật Bản Nippon Koei, tổ chức JICA tiến hành khảo sát, điều tra các vấn đề ô nhiễm môi trường tại vịnh Xuân Đài. Đồng thời, Sở TN&MT đang làm việc với tổ chức JICA - Nhật Bản để kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ nhằm đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại vịnh Xuân Đài.

 

ThS. Huỳnh Huy Việt

Chi cục BVMT Phú Yên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                    

 

 

 

 

Ý kiến của bạn