Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh

12/01/2017

   Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào kiểm tra và giám sát toàn diện các hoạt động xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS). Đồng thời, Bộ TN&MT yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm các cam kết môi trường và xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết về thực hiện BVMT trong thời gian tới.

   FHS khắc phục các tồn tại, vi phạm

   Trong thời gian qua, FHS đã khẩn trương khắc phục các hậu quả vi phạm và cải thiện các hệ thống xử lý nước thải và khí thải đạt quy chuẩn cho phép; đồng thời phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước, quốc tế xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp và bổ sung một số công trình xử lý chất thải nhằm kiểm soát môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

   Về công trình xử lý nước thải và quan trắc tự động nước thải, FHS đã hoàn thành 9 hệ thống xử lý nước thải cục bộ cho các hạng mục của Tổ hợp gang thép. Hiện nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng tuần hoàn. Bên cạnh đó, FHS có 3 Trạm xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, gồm: Trạm xử lý nước thải sinh hoạt (công suất thiết kế là 2.400m3/ngày, hiện nay là 1.000m3/ngày); Trạm xử lý nước thải sinh hóa từ luyện cốc và cảng Sơn Dương (công suất thiết kế là 4.800m3/ngày, hiện nay là 1.200m3/ngày) và Trạm xử lý nước thải công nghiệp (công suất thiết kế là 36.000 m3/ngày, hiện nay là 13.000 m3/ngày). Trước khi xảy ra sự cố môi trường (tháng 4/2016), nước thải sinh hoạt và sinh hóa chỉ được xử lý sơ bộ tại Trạm sinh hoạt và Trạm sinh hóa, sau đó được nhập chung về Trạm xử lý nước thải công nghiệp để xử lý đạt QCVN 52:2013/BTNMT (12 thông số) trước khi thải ra biển. Sau khi có kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn tại nguồn, cụ thể: Nước thải sinh hoạt sau xử lý phải đạt QCVN 14:2008/BTNMT, nước thải sinh hóa sau xử lý phải đạt QCVN 52:2013/BTNMT, cột B trước khi xả vào Trạm xử lý nước thải công nghiệp. Tại Trạm xử lý nước thải công nghiệp, nước thải tiếp tục được xử lý đạt QCVN 52:2013/BTNMT và 5 thông số (độ màu, Fe, Mn, amonia, sunfua) của QCVN 40:2011/BTNMT, cột B trước khi đưa ra Trạm quan trắc online và ra biển.

   Để thực hiện các yêu cầu nêu trên, FHS đã tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế rà soát quy trình vận hành, công nghệ xử lý của các Trạm xử lý nước thải. Qua đó đã phát hiện một số lỗi trong quy trình vận hành và tỷ lệ hóa chất sử dụng. FHS đã tiến hành hiệu chỉnh, hoàn thiện quy trình vận hành, liều lượng hóa chất sử dụng và bổ sung thêm hóa chất khử màu, khử xyanua; đưa vào vận hành hệ thống tuyển nổi và bể tách dầu của Trạm xử lý nước thải sinh hóa; vận hành hệ thống khử lưu huỳnh và các bể lọc nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải công nghiệp. Đồng thời, từ ngày 26/9/2016, FHS đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, nâng thông số quan trắc được kiểm soát là 12 thông số gồm: lưu lượng, pH, độ màu, TSS, COD, tổng Nitơ, tổng xyanua, tổng phenol, tổng dầu mỡ khoáng, Cr(VI), Cd và Hg. Hàng ngày, các số liệu được chia sẻ và kết nối trực tiếp về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường. Kết quả quan trắc tự động, liên tục nước thải của FHS cho thấy, nước thải trước khi thải ra biển đều đạt quy chuẩn cho phép.

   Về công trình xử lý khí thải và quan trắc tự động khí thải, Dự án giai đoạn 1-1 của FHS (gồm 2 Lò cao và các hạng mục phụ trợ) khi vận hành chính thức sẽ phát sinh khí thải từ 23 ống khói. Đến nay, FHS đã hoàn thành các hạng mục công trình và thiết bị xử lý khí thải đảm bảo đạt QCVN 51:2013/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT và QCVN 22:2009/BTNMT, cột B để vận hành Lò cao số 1; còn các công trình bổ sung phục vụ Lò cao số 2 đang trong giai đoạn hoàn thành lắp đặt thiết bị, đạt khoảng 96,9% tính đến cuối tháng 11/2016.

   Bên cạnh đó, tại Lò cao số 1, FHS đã lắp đặt 8 thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, các dữ liệu này đã được truyền về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh (ống khói Lò cao số 1; Máy thiêu kết số 2; Lò luyện cốc số 1; 5 Tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện). Kết quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải tại các ống khói của nhà máy nhiệt điện, xưởng luyện cốc, xưởng cán nóng, xưởng cán dây đều đạt quy chuẩn cho phép.

   Về quản lý chất thải rắn (CTR) và chất thải nguy hại (CTNH), hiện nay, FHS đã ngừng chuyển giao CTR thông thường (tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao...) và một số loại CTNH (hóa chất thải, bùn thải...) cho các đơn vị không có chức năng xử lý. Đồng thời rà soát, đánh giá năng lực của một số đơn vị có chức năng xử lý chất thải để ký hợp đồng theo quy định. Hiện lượng rác thải sinh hoạt của FHS phát sinh khoảng 185 tấn/tháng (tồn trữ 0,3 tấn) đã được thu gom và định kỳ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý.

   Đối với chất thải công nghiệp thông thường là các loại nhựa phế thải, gỗ phế thải, thủy tinh, bao bì giấy, nilon... phát sinh khoảng 2.811 tấn/tháng (hiện đang tồn trữ 574 tấn) được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh xử lý. Còn thạch cao phát sinh khoảng 1.800 tấn/tháng (tồn trữ 6.835 tấn), tro bay phát sinh khoảng 7.980 tấn/tháng (tồn trữ 41.759 tấn), xỉ đáy lò (tro đáy) phát sinh khoảng 600 tấn/tháng (tồn trữ 4.743 tấn) được lưu giữ an toàn trong kho lưu giữ có mái che. FHS đã làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (Xi măng Thành Công) và Công ty Cổ phần Môi trường Nghi Sơn để xử lý và tái sử dụng làm phụ gia xi măng theo quy định.

   Đối với CTNH (bóng đèn huỳnh quang thải, găng tay, giẻ lau dính dầu, dầu thải, cặn sơn, hộp mực in thải...) phát sinh khoảng 51 tấn/tháng (tồn trữ 96,2 tấn) được FHS thu gom, phân loại và lưu giữ tại 16 kho lưu giữ CTNH ở từng bộ phận. Các loại CTNH này được FHS chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý theo quy định.

   Kế hoạch cải thiện các công trình BVMT

   Để nâng cao hệ số an toàn và khả năng ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành, Bộ TN&MT đã phê duyệt nguyên tắc Kế hoạch, lộ trình khắc phục các tồn tại, vi phạm về BVMT và kế hoạch giám sát môi trường của FHS, trong đó yêu cầu Công ty phối hợp với các cơ quan tư vấn, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế xây dựng và lập kế hoạch cải thiện các công trình BVMT của dự án, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2017 trước khi Lò cao đi vào vận hành chính thức.

Trạm kiểm định môi trường di động giám sát 24/24h nguồn thải được lắp đặt từ ngày 26/7/2016  tại Công ty FHS

   Tại trạm xử lý nước thải sinh hóa, FHS sẽ lắp đặt bổ sung công đoạn tiền xử lý keo tụ, bổ sung chất khử màu, lắp đặt bổ sung công đoạn lọc nước thải sau xử lý và nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải sinh hóa, bảo đảm không để phát tán phenol và các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khác ra môi trường không khí vượt quy chuẩn theo quy định. Tại Trạm xử lý nước thải công nghiệp, FHS sẽ lắp đặt thêm 4 bể lọc với công suất 250 m3/h/bể (hiện tại có 4 bể). Nước thải tại 2 trạm sau xử lý phải được kiểm soát 13 thông số (bổ sung thêm Fe) bằng hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi giám sát trước khi thải vào hồ sinh học, đồng thời phải đạt QCVN 52:2013/BTNMT và 5 thông số theo QCVN 40:2011/BTNMT, cột B. Trường hợp nước thải không đạt quy chuẩn sẽ được bơm hồi lưu về Trạm để xử lý từ Bể sự cố được xây dựng trong hệ thống hồ sinh học.

   Để đảm bảo chất lượng nước thải sinh hóa và nước thải công nghiệp của FHS sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao khả năng kiểm soát khi xảy ra sự cố tại các trạm xử lý nước thải, FHS đang tiến hành xây dựng bổ sung hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học để xử lý riêng biệt 2 dòng nước thải sinh hóa và công nghiệp. Hệ thống hồ này được bố trí ở phía Nam Trạm xử lý nước thải sinh hóa với tổng diện tích đất sử dụng là 10 ha; nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý được kiểm soát bằng các hồ sự cố, hồ hoàn thiện, hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá), sau đó được bơm đến Trạm quan trắc online (quan trắc 13 thông số nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi, giám sát) trước khi xả ra vịnh Sơn Dương. Kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục được truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi, giám sát và công khai với người dân theo quy định.

   Đối với các thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục phục vụ Lò cao số 1, FHS cam kết lắp đặt bổ sung với 8 thông số (lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2, bụi, SO2, NOx và CO) trong khí thải của các nhà máy trước ngày 31/3/2017. Đối với 3 thiết bị xử lý khí thải và 4 thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, FHS đã đặt mua thiết bị của Đức đạt tiêu chuẩn EU và Mỹ và sẽ hoàn thành trước khi Lò cao số 2 vận hành.

   Để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ), FHS đã phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ số 1 trước ngày 31/3/2019 và hệ thống CDQ thứ 2 trước ngày 30/6/2019. Trong thời gian chưa hoàn thành các hệ thống CDQ, FHS sẽ xây dựng Trạm xử lý tuần hoàn nước dập cốc để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi tái sử dụng. Đồng thời, FHS sẽ nghiên cứu thực hiện áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với nhà máy điện.

   Kế hoạch giám sát môi trường của dự án

   Tự giám sát môi trường của FHS

   Trong thời gian qua, FHS đã và đang phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với sự giám sát của Tổng cục Môi trường thực hiện kế hoạch giám sát môi trường tự động, liên tục và định kỳ (nước thải, khí thải, CTR, nước mặt tại các kênh thoát nước, nước biển ven bờ, nước ngầm, không khí xung quanh, tiếng ồn, độ rung...) trong thời gian 3 năm, chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; Giai đoạn sau khi có xác nhận hoàn thành công trình BVMT và Giai đoạn vận hành ổn định của dự án.

   Theo đó, nước thải quan trắc 13 thông số phải đạt QCVN 52:2013/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT, cột B; khí thải quan trắc 8 thông số phải đạt QCVN 51:2013/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT và QCVN 22:2009/BTNMT, cột B. Việc quan trắc chất thải tự động, liên tục có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, FHS phải quan trắc môi trường định kỳ (đo đạc, lấy và phân tích mẫu), trong đó nước thải giám sát với tần suất 3 lần/ngày (sáng, chiều và tối) trong thời gian 3 năm; khí thải tại 20 ống khói với tần suất là 1 lần/ngày giai đoạn vận hành thử nghiệm, các giai đoạn sau là 1 tháng/lần và 3 tháng/lần; bùn thải, CTR, CTNH với tần suất theo QCVN. Ngoài ra, FHS phải thực hiện giám sát môi trường xung quanh (nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước biển ven bờ, trầm tích, thủy sinh vật, nước ngầm và chất lượng không khí xung quanh trong và ngoài khu vực hoạt động của dự án) với tần suất giám sát cho giai đoạn đầu 1 tháng/lần; các giai đoạn sau là 3 tháng/lần và 6 tháng/lần theo quy định.

   Kiểm tra, giám sát môi trường của các cơ quan quản lý

   Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của FHS, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất đối với FHS; đồng thời trưng cầu Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường thực hiện việc đo đạc, lấy, bảo quản và phân tích mẫu môi trường để kiểm chứng.

   Từ ngày 22/7/2016, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung; đồng thời UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập Tổ giám sát việc thực hiện của FHS. Để phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Tổ giám sát sẽ do tỉnh Hà Tĩnh điều phối hoạt động, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật và có sự tham gia, phối hợp của Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, một số cơ quan có liên quan của tỉnh và các chuyên gia khoa học. Hiện tại, Tổ giám sát hàng ngày giám sát chặt chẽ việc xử lý khí thải, nước thải và quản lý CTR của FHS trước khi thải ra môi trường.

   Bộ TN&MT đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát việc xử lý nước thải của FHS, tần suất lấy mẫu nước thải tại các vị trí là 3 lần/ngày (trung bình 13 mẫu/ngày). Các Trạm kiểm định môi trường di động sẽ được vận hành liên tục trong thời gian là 3 năm.

   Từ ngày 13 - 15/9/2016, Tổng cục Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với 16 hạng mục đã hoàn thành của FHS. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu FHS khắc phục một số tồn tại, hạn chế về BVMT và hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện công trình BVMT đối với các hạng mục công trình đã hoàn thành trình Bộ TN&MT xem xét, xác nhận theo quy định. FHS chỉ được xem xét, cho phép vận hành chính thức các công trình sản xuất khi hoàn thành các hạng mục công trình liên quan đến xử lý chất thải và kiểm soát, giám sát chất thải, đặc biệt là hoàn thành hệ thống hồ sinh học, bao gồm: các hồ sự cố, hồ hoàn thiện, hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá) để kiểm soát nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý.

   Từ kết quả giám sát việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của FHS, trong thời gian tới, Bộ TN&MT yêu cầu FHS thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT, đảm bảo chất thải của FHS phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế theo như cam kết.

   Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình BVMT bổ sung, chuyển đổi công nghệ sản xuất của FHS, Bộ TN&MT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, sớm xem xét thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng các hạng mục công trình BVMT cải thiện và bổ sung của FHS trong thời gian ngắn nhất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và BVMT theo quy định. Đồng thời giao Bộ Xây dựng theo thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái chế, tái sử dụng tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao làm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý loại chất thải của các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam nói chung cũng như của FHS nói riêng. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ TN&MT và các cơ quan khoa học liên quan đánh giá công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô của FHS, đảm bảo công nghệ được chuyên đổi là công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về BVMT. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát thiết kế cơ sở của Tổ hợp gang thép đã được thẩm định và yêu cầu FHS thực hiện theo đúng dự án đã được phê duyệtn

                        Nguyễn Hằng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016

Ý kiến của bạn