Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Góp ý cho Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam

17/04/2018

     Sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch.

     Tại phiên họp thứ 23, ngày 12/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.

     Sau hơn 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa của Việt Nam đã từng bước gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị (năm 1999) lên khoảng 37,5% với 813 đô thị (năm 2017) với 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 640 đô thị loại V.

     Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, các đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...).

     Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng sản phẩm quốc nội và một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu khác, có tác động lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng và cả nước.

     Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch.

     Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị được xây dựng gồm 7 chương với 66 điều, quy định về quản lý phát triển đô thị gồm: quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị.

     Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động phát triển đô thị trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Toàn cảnh phiên họp

 

     Mục tiêu xây Dự án Luật nhằm hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và cả nước.

     Thúc đẩy đầu tư phát triển và tăng cường quản lý phát triển hệ thống đô thị theo chiến lược phát triển đô thị, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, chương trình phát triển đô thị.

     Tạo lập các đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án phát triển đô thị có hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển đô thị.

     Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến phát biểu tại thảo luận của các thành viên UBTVQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kết quả rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

     Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn, quy định chi tiết hơn những điều, khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm các điều giao Chính phủ quy định.

     Đề cập đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự án Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đây là một dự án Luật có liên quan đến nhiều đạo luật khác, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án có báo cáo cụ thể về những đạo luật có liên quan; những tác động của Luật khi được ban hành.

     Một số ý kiến nêu rõ quan điểm: việc xây dựng Dự án Luật phải bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị thông qua việc xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đối tượng tham gia trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đến tổ chức thực hiện đầu tư phát triển đô thị; hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư phát triển đô thị. Cùng với đó, tạo điều kiện, tiền đề phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh đáp ứng thực tiễn, xu thế phát triển đô thị bền vững, có bản sắc và hội nhập quốc tế.

     Ngoài ra, nguyên tắc quản lý phát triển đô thị; chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị; các tiêu chí cơ bản để phân loại đô thị và thẩm quyền công nhận loại đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị và quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị… cũng là những nội dung được quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH trong thảo luận.

 

Lưu Huyền Trang (Theo chinhphu.vn)

Ý kiến của bạn