Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Doanh nghiệp với quy định và thực hành quản lý PCB tại Việt Nam

03/06/2014

     Polyclo biphenyl (viết tắt là PCB) là một trong 23 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy được xem là sát thủ vô hình” đối với môi trường và sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PCB đang được đánh giá từ nhóm 2 là nhóm có khả năng gây ung thư lên nhóm 1 là nhóm các chất gây ung thư. Tại Việt Nam, PCB sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028.

     Tại sao PCB bị cấm sử dụng vào năm 2020?

     Vào những năm 30, PCB được xem là phụ gia công nghiệp lý tưởng và được sử dụng rộng rãi trong dầu của các thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, tụ điện, các thiết bị nâng hạ cũng như các ứng dụng dân dụng như sơn, dầu chống cháy, giấy không cácbon... Tuy nhiên, gần đây PCB đã được chứng minh là hoá chất độc hại đến sức khỏe con người và môi trường do có độc tính cao, khả năng tích tụ lâu dài trong môi trường và trong chuỗi thức ăn và khả năng lan truyền rộng.

     Những người phơi nhiễm PCB có biểu hiện nhiễm độc như chán ăn, buồn nôn, đau vùng bụng, phù mặt và tay, thay đổi chức năng gan và hệ thống miễn dịch, suy nhược hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tiêu hoá, hệ miễn dịch, phát sinh cách khối u, các bệnh ngoài da. Nhiều trường hợp ngộ độc PCB đối với các cá nhân và tập thể đã được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới.

     Dựa trên kết quả phát hiện về tác hại nguy hiểm của PCB đến con người và môi trường, Dự thảo đầu tiên về cấm PCB được biên soạn vào năm 1970. Mặc dù PCB không còn được sản xuất trên thế giới, trong giai đoạn 1930-1993, đã có tới 1,3 triệu tấn PCB được sản xuất, sử dụng và thải bỏ một phần vào môi trường. Năm 2001, Công ước Stốc-khôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (bao gồm PCB) đã được 172 quốc gia hưởng ứng và thông qua. Việt Nam là một trong các thành viên của Công ước với cam kết dừng sử dụng PCB vào năm 2020 và thải bỏ an toàn PCB năm 2028.

     Quy định quản lý về PCB tại Việt Nam

     Trong những năm qua, cùng với các luật liên quan đã được ban hành (Luật BVMT năm 2005, Luật Hóa chất năm 2007...), Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý vòng đời của các hóa chất, trong đó có PCB.

     Việc nhập khẩu PCB như một loại sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Thông tư số 01/2006/TT-BCN của Bộ Công nghiệp. Việc nhập khẩu phế liệu có chứa PCB được quy định theo Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCT-BTNMT của Bộ TN&MT và Bộ Công thương. Quy chế số 1/QCLN-TCMT-TCHQ ngày 18/4/2013 về việc phối hợp công tác BVMT giữa Tổng Cục Hải Quan và Tổng Cục Môi trường trong quản lý đối với một số loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng đã được ban hành.

     Liên quan đến việc vận chuyển PCB và các thiết bị chứa PCB như một loại hàng hóa nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định như Nghị định 104/2009/NĐ-CP, Nghị định 109/2006/NĐ-CP, Nghị định 29/2005/NĐ-CP). Việc vận chuyển PCB và các thiết bị có chứa PCB trong trường hợp vận tải hàng hóa quốc tế phải tuân thủ Công ước Basel và Bộ Luật quốc tế về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển trong trường hợp vận chuyển bằng đường biển.

 

Mọi thiết bị và vật liệu liên quan đến dầu cách điện đều có thể nhiễm PCB

 

     Liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, Nghị định 108/2008/NĐ-CP và Nghị định 26/2011/NĐ-CP quy định PCB là một loại hóa chất độc hại phải hạn chế sản xuất, kinh doanh và phải xây dựng phiếu kiểm soát trong quá trình mua bán. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số quy định về sử dụng và quản lý PCB như Chỉ thị số 29/1998/CT-TTg; Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stốc-khôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Sau khi sử dụng và thải loại, PCB là một loại chất thải nguy hại chịu sự quản lý của Nhà nước tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT và các quy chuẩn như QCVN 07:2009 (theo đó, ngưỡng PCB trong chất thải là 5 ppm); Gần đây, một số quy chuẩn quan trọng liên quan đến hàm lượng cho phép của PCB trong môi trường đã được xây dựng như: QCVN 40:2011/BTNMT; QCVN 41:2011/BTNMT; QCVN 43:2012/BTNMT; QCVN 56:2013/BTNMT. Ngoài các văn bản pháp lý nói trên, Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn phân tích PCB và các hướng dẫn kỹ thuật về nhận biết, quản lý, dán nhãn, sử dụng, tiêu hủy, thải loại và đăng ký chủ nguồn thải nguy hại PCB.

     An toàn cho người lao động

     Người lao động tại doanh nghiệp khi thao tác với thiết bị, vật liệu có PCB cũng như người dân khi tiếp xúc với môi trường, thực phẩm nhiễm PCB có thể bị phơi nhiễm PCB qua da (do tiếp xúc trực tiếp với PCB), qua hệ hô hấp (do sử dụng thức ăn nhiễm PCB) và qua hệ hô hấp (do hít phải hơi/khói có PCB). Ngộ độc PCB chỉ được phát hiện khi nồng độ PCB tích tụ trong cơ thể đạt đến một ngưỡng nhất định. Vì vậy, việc phòng ngừa phơi nhiễm, tiếp xúc với thiết bị và vật liệu có PCB là đặc biệt quan trọng.

     Khi nghi ngờ tiếp xúc với các thiết bị, vật liệu có PCB, người lao động cần được trang bị và sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động như khi tiếp xúc với các loại hóa chất nguy hiểm. Cụ thể, nếu tiếp xúc với dầu hoặc thiết bị nghi nhiễm PCB, đặc biệt trong thời gian dài, cần phải sử dụng mặt nạ (tránh tiếp xúc qua hô hấp), găng tay, quần áo bảo hộ, ủng (tránh tiếp xúc qua da). Các thiết bị sau khi sử dụng phải loại bỏ như với chất thải nguy hại, không được tái sử dụng.

     Quy định an toàn PCB tại doanh nghiệp

     Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chưa đưa ra được quy định về an toàn PCB cho người lao động bao gồm phòng ngừa và xử lý sự cố PCB. Dự án quản lý PCB tại Việt Nam đang hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng, bảo dưỡng và tiêu huỷ thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, máy cắt... xác định PCB trong các thiết bị và vật liệu. Trong khi chưa có kết luận về nồng độ PCB trong thiết bị và vật liệu sử dụng, mọi thiết bị và vật liệu liên quan đến dầu cách điện đều có thể nhiễm PCB và cần có các quy định an toàn để đảm bảo sức khoẻ người lao động và cộng đồng.

 

Hương Trần

 

 

Ý kiến của bạn