Banner trang chủ

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có những bước đột phá, toàn diện, mang tính thực tiễn cao

10/08/2020

     Trong thời gian qua, WWF - Việt Nam đã đồng hành với ngành TN&MT trong các lĩnh vực BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, WWF - Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam.

 

TS Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF - Việt Nam

 

Thưa ông, Bộ TN&MT đang hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Dưới góc độ đại diện của một tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam, ông có ý kiến gì về Dự thảo Luật lần này?

TS. Văn Ngọc Thịnh: Việc xây dựng hệ thống luật đầy đủ với sự điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo tính kế thừa, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế là mấu chốt quan trọng cho một nền kinh tế phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời gian qua đòi hỏi những bổ sung kịp thời các quy định về BVMT nói chung, ĐDSH nói riêng với tiêu chí bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng và hội nhập sâu rộng với các tiêu chí phát triển bền vững trên thế giới. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã có những bước đột phá, toàn diện, mang tính thực tiễn cao, tích hợp thống nhất từ các luật khác liên quan theo những phương thức thực hiện mới tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế và những bài học về BVMT, ĐDSH.

    Với tôn chỉ “Ngăn chặn sự xuống cấp môi trường tự nhiên của hành tinh và xây dựng một tương lai - nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên”, WWF - Việt Nam đã nắm bắt được nhu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện hệ thống luật của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực BVMT và ĐDSH. Trong thời gian qua, WWF đã cùng đồng hành với Bộ TN&MT trong việc xây dựng Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), thông qua việc tổng hợp để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ các hội thảo chuyên đề và đóng góp ý kiến cụ thể vào từng chương mục của Dự thảo Luật. Nhiều ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm mới đã được ghi nhận và lồng ghép vào Dự thảo Luật như đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đại đương, trách nhiệm doanh nghiệp, quản lý và quy hoạch cảnh quan, BĐKH, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH.

    Gần đây, WWF - Việt Nam là thành viên của Tổ công tác Tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) được thành lập theo Quyết định số 641/QĐ-BTNMT ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ TN&MT với nhiệm vụ “Thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với các sản phẩm nhựa thải bỏ”. WWF - Việt Nam hy vọng sự cộng tác chặt chẽ và các ý kiến đóng góp của WWF sẽ góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa các điều khoản luật liên quan và mong muốn tiếp tục được tham gia hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các công việc hoàn thiện Dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn thực thi Luật, cũng như thực hiện các hoạt động BVMT và tài nguyên thiên nhiên trong thời gian tiếp theo.

Ông có thể cho biết, một số hoạt động hợp tác giữa Bộ TN&MT với WWF-Việt Nam được triển khai trong thời gian qua?

TS. Văn Ngọc Thịnh: Bộ TN&MT là đối tác chiến lược của WWF trong nhiều năm qua. WWF luôn trân trọng sự hợp tác và hỗ trợ của Bộ TN&MT trong công tác BVMT tại Việt Nam. Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ TN&MT và WWF-Việt Nam diễn ra vào tháng 11/2019 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Bộ TN&MT và WWF-Việt Nam. Việc ký kết MOU hợp tác lâu dài thể hiện sự nâng tầm hợp tác giữa hai bên nhằm tích cực triển khai cam kết mới của toàn cầu về Thiên nhiên và Con người. Ngay sau khi ký kết, WWF-Việt Nam cùng với Bộ TN&MT đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong MOU.  

    Đối với vấn đề giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, WWF - Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT xây dựng Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Đây là nguồn hỗ trợ lớn cho việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển; bảo tồn ĐDSH môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về rác thải nhựa; tăng cường năng lực cán bộ trong quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương. 

    Trong hợp tác ứng phó với BĐKH, WWF-Việt Nam cùng phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức hội thảo thường niên với các tổ chức xã hội, chuyên gia độc lập, học viện và trường đại học về tiến trình rà soát, cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) phục vụ việc tham vấn, thu thập thông tin đảm bảo sự tham gia từ nhiều bên trong tiến trình cập nhật NDC. Hội thảo được tổ chức trước khi Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH (COP). Với vai trò đồng hành cùng Bộ TN&MT trong việc chia sẻ các vấn đề và giải pháp tới cộng đồng quốc tế, WWF-Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn đàm phán của Chính phủ tổ chức các sự kiện bên lề về BĐKH, năng lượng, bình đẳng giới tại COP.

    Với vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về BĐKH (CCWG), WWF - Việt Nam chủ trì các hoạt động điều phối và kêu gọi nguồn lực đóng góp của một số tổ chức phi chính phủ (NGO) trong tiến trình cập nhật, thực hiện NDC, tập trung vào các vấn đề liên quan đến xã hội, cộng đồng dễ bị tổn thương. Hoạt động nổi bật là xây dựng Báo cáo kỹ thuật Lồng ghép bình đẳng giới vào thực hiện NDC và Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP). Ngoài ra, WWF - Việt Nam cùng với Bộ TN&MT thực hiện một số dự án liên quan đến BĐKH với vai trò hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo các hoạt động được thực hiện hiệu quả. Trong đó có Dự án Nâng cao nhận thức của 4 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội về năng lượng và rác thải nhựa với nguồn tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.

    Trong hợp tác về bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững, WWF - Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp triển khai một loạt sáng kiến, dự án hướng đến mục tiêu bảo vệ ĐDSH, các hệ sinh thái. Chương trình “Thỏa thuận mới vì Thiên nhiên và Con người” được triển khai nhằm hưởng ứng, hiện thực hóa ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ đối với một Bản thỏa thuận mới vì Thiên nhiên và Con người trong phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 do WWF và đối tác tổ chức. Các hoạt động tập trung đánh giá tác động toàn diện về việc mất ĐDSH của Việt Nam và những tác động do các ngành kinh tế gây ra; thúc đẩy khối kinh tế tư nhân ký cam kết tự nguyện về ĐDSH. Bên cạnh đó, Dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người” hướng đến mục tiêu giảm mất mát, suy thoái ĐDSH tại Việt Nam, thông qua việc hỗ trợ hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về đấu tranh phòng chống nạn buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã với sự tham gia tích cực và đồng thuận từ cộng đồng, người dân địa phương. Thông qua các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng, Dự án mong muốn phát động phong trào “Nói không với buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã” được lan tỏa trong toàn xã hội.   

 

Tỉnh Phú Yên ký cam kết với Bộ TN&MT và WWF - Việt Nam tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa

       

Để công tác quản lý môi trường nói chung và ĐDSH nói riêng ở Việt Nam đạt hiệu quả và hướng tới sự phát triển bền vững, theo ông cần phải có những giải pháp gì trong thời gian tới?

TS. Văn Ngọc Thịnh: Việt Nam vẫn còn những hệ sinh thái đa dạng quý báu. Giờ đây, chúng ta đã hiểu rõ hơn bao giờ hết những gì mình phải làm để khôi phục thiên nhiên. Có nhiều việc Việt Nam phải làm để giữ gìn nguồn tài nguyên quý báu này.

    Trước tiên, cần nỗ lực hành động để ổn định khí hậu và phục hồi thiên nhiên nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong tương lai khi sự liên kết giữa thiên nhiên, con người bị mất cân bằng. Cần phải có những hành động mạnh mẽ để giải quyết triệt để nguồn gốc của mất mát ĐDSH đang diễn ra với tốc độ chưa từng có trên toàn cầu. Điều này có thể thực hiện bằng cách ngừng chuyển đổi sinh cảnh tự nhiên sang các mục đích phát triển khác và giảm đáng kể tác động của việc sản xuất, tiêu thụ của con người lên thiên nhiên trong các lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, lâm nghiệp, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2030.

    Tiếp theo lập mục tiêu mới về đầu tư tài chính cho ĐDSH. Trong các cải cách kinh tế và tài chính, đặc biệt nhằm phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19, đầu tư tài chính từ lĩnh vực tư và công cần phải được huy động để bảo tồn, phục hồi ĐDSH. Mục tiêu này cần được hỗ trợ bởi những quyết định về kinh tế, trong đó tính tới ĐDSH, chuyển đổi các ngành, hoạt động sản xuất quan trọng gây tác động tiêu cực tới môi trường, ngừng đầu tư cho các hoạt động gây ra hậu quả nghiêm trọng tới tự nhiên.

    Cuối cùng cần có sự gắn kết giữa các công ước, cam kết và trách nhiệm giải trình để đạt được kết quả mong muốn. Để đạt được những mục tiêu cho năm 2030, cần có sự cam kết ở cấp độ chính trị cao nhất và bởi toàn xã hội. Cần phải có một quy trình thực thi và trách nhiệm minh bạch để giám sát các hành động, đảm bảo đạt được mục tiêu toàn cầu. Quy trình này cũng phải cho phép gia tăng tham vọng và hành động theo thời gian, thúc đẩy sự tích hợp các yếu tố tự nhiên vào các chiến lược phát triển quốc gia và lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Trân trọng cảm ơn về cuộc trao đổi! 

Nguyễn Hằng

    (Thực hiện) 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Ý kiến của bạn