Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Dừng khẩn cấp nhận chìm 62.000 m3 bùn, cát xuống biển khu vực hòn Bồng Than, Quảng Ngãi .

04/11/2017

     Ngày 3/11/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh yêu cầu Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc dừng nhận chìm 62.000 m3 bùn, cát xuống biển.

     Theo văn bản, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở TN&MT tỉnh làm việc với Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc tạm dừng việc nhận chìm bùn thải xuống hòn Bồng Than, vùng biển xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi và chỉ được triển khai lại sau khi có ý kiến chính thức của UBND tỉnh.

 

Địa điểm bãi biển Tịnh Khê tạm dừng nhận chìm 62.00 m3 bùn, cát

 

     Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương có liên quan rà soát lại việc đề xuất UBND tỉnh cấp Giấy phép số 68 ngày 27/10/2017 cho phép Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm bùn thải xuống biển, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 10/11/2017.

     Ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc tạm dừng lại việc cho phép nhận chìm 62.000 m3 vật chất từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ xuống vùng biển xã Tịnh Khê xuất phát từ những phản ánh của các cơ quan báo chí.

     Trước khi Sở TN&MT tham mưu và UBND tỉnh quyết định ký giấy phép nhận chìm bùn thải xuống biển, Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản góp ý qua Sở TN&MT với tinh thần không thống nhất dự án nhận chìm ở biển tại vị trí này.

     Cụ thể, ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã ký văn bản phản đối việc nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ và việc nhận chìm bùn thải xuống biển Tịnh Khê.

 

Vị trí nhận chìm bùn, cát ở khu vực hòn Bồng Than cách bãi tắm khu du lịch Mỹ Khê chỉ 7 km

 

     Theo đó, về việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Sa Kỳ, ông Nguyễn Viết Nghĩa - Phó phòng Quản lý du lịch Sở VH&TT&DL Quảng Ngãi cho rằng: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX xác định mục tiêu sớm đưa Lý Sơn - Bình Châu, các vùng phụ cận trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo và đề nghị các Sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương lập hồ sơ đáp ứng các tiêu chí để trình UNESCO công nhận, tiến hành song song với công tác bảo tồn khẩn cấp các giá trị di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa, môi trường cảnh quan, hệ sinh thái khu vực Lý Sơn -Bình Châu và vùng phụ cận. Do vậy, việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Sa Kỳ có nguy cơ xâm hại, phá hủy đến di sản địa chất, địa mạo tại nơi đây; ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn và việc công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

     Về Dự án nhận chìm ở biển, hiện nay, Khu du lịch Mỹ Khê được đánh giá là một trong những khu du lịch tiềm năng, với đặc trưng bãi tắm thoai thoải, sạch đẹp và an toàn. Số liệu thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, khu du lịch Mỹ Khê đã đón khoảng 332.000 lượt khách, chiếm gần 1/2 du khách khi đến Quảng Ngãi. Tuy vị trí nhận chìm bùn, cát ở khu vực hòn Bồng Than nằm phía ngoài nhưng cách bãi tắm khu du lịch Mỹ Khê chỉ 7 km. Theo quy luật tự nhiên, hải triều sẽ mang số bùn đất đó tấp vào bãi tắm Mỹ Khê, gây tác động xấu đến môi trường, du lịch và cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thống nhất dự án nhận chìm ở biển tại vị trí này.

 

Nhật Minh (Theo baotainguyenvamoitruong.vn)

 

     Trước đó, ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được phép nhận chìm 62.000 m3 cát, sạn, sỏi, đá phong hóa và bùn trầm tích thu được từ hoạt động duy tu, nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017. Trong đó có 8,8% là bùn, 91,2% cát, sạn, sỏi, đá phong hóa... Khu vực biển được nhận chìm có diện tích 4,97 ha thuộc xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi.

     UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc có trách nhiệm trước khi tiến hành nhận chìm phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với hoạt động nhận chìm. Đồng thời, phải thực hiện nhận chìm đúng vị trí, khối lượng, thành phần vật chất nhận chìm và một số quy định liên quan trong giấy phép được cấp; Thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp BVMT trong hoạt động nạo vét theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái xung quanh. Thời gian nhận chìm được thực hiện từ tháng 10/2017 đến hết tháng 3/2018.

 

 

 

Ý kiến của bạn