Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long

04/06/2018

     Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng chủng loại, liều lượng, thiếu trang bị bảo hộ hoặc lạm dụng thuốc và thói quen vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang ở mức báo động.

     Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm, nông dân ở ĐBSCL sử dụng hàng nghìn tấn thuốc BVTV, với 56 hoạt chất (119 thương phẩm). Trung bình, nông dân sử dụng 5,71 lít/ha/vụ thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu của Viện BVTV cho thấy, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85 % tỷ trọng bao bì. Tuy nhiên, hiện nay, vỏ bao bì thuốc BVTV hầu như không được thu gom mà vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh, mương khiến cho môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện còn 70-75% nông dân khu vực ĐBSCL không có nơi bảo quản thuốc và dụng cụ phun thuốc chuyên dùng an toàn, hơn 50% nông dân không có hiểu biết cần thiết về thuốc BVTV (sử dụng "4 đúng" - đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp), không có phương tiện bảo hộ lao động. Thêm vào đó, thuốc BVTV chưa được kiểm soát chặt chẽ, thuốc hết hạn sửu dụng bán tràn lan; không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, ngoài danh mục, chưa có giấy phép vẫn còn lưu hành; thuốc cấm vẫn được bày bán. Đặc biệt, nông dân vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong chăm sóc các loại cây ăn trái, ăn lá, không chờ thuốc có thời gian cách ly phân hủy đã thu hoạch nên xảy ra nhiều vụ ngộ độc.

     Trước thực trạng trên, Cục BVTV - Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV 22 tỉnh/TP phía Nam tổ chức Chương trình “Cùng nông dân BVMT” nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về công tác BVMT. Trong đó, ưu tiên thực hiện ở các xã xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm của giai đoạn I (2012 - 2017), Chương trình đã đạt được nhiều thành công. Chương trình đã thành lập được 3 vùng chuyên thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Thanh Bình (Đồng Tháp), Châu Thành (An Giang) và Tân Hiệp (Kiên Giang); liên kết với 5 Hợp tác xã nông nghiệp ở Long An, Đồng Tháp và An Giang xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Qua đó, nông dân đã thu gom hơn 34,876 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng rác thải BVTV này được đem tiêu hủy tại Nhà máy Holcim - Kiên Giang.

 

Nông dân ĐBSCL thu gom bao bì thuốc BVTV đem đi tiêu hủy

 

     Đồng thời, Chương trình đã đào tạo 299 giảng viên là các cán bộ kỹ thuật của các chi cục Trồng trọt và BVTV; tập huấn cho hơn 439.000 nông dân, 2.750 sinh viên các trường Đại học: Cửu Long, Tiền Giang, Đồng Tháp về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và áp dụng chương trình “Công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM trong quản lý dịch hại. Từ đó, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, Chương trình đã thành lập 83 mô hình sản xuất tiêu biểu, với tổng diện tích hơn 3.700 ha của trên 4.300 hộ nông dân trực tiếp áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học. Chương trình cũng thành lập 10 câu lạc bộ, với 100 thành viên là những người nông dân chuyên phun/xịt thuốc thuê trong 5 vùng nguyên liệu trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời, bao gồm các huyện: Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Vĩnh Bình và Thoại Sơn (An Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu).

     Thêm một điểm sáng đáng ghi nhận là lần đầu tiên tại khu vực phía Nam, trong vụ hè thu năm 2016, các doanh nghiệp đã phối hợp với Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) của Liên hợp quốc đưa mô hình “Cánh đồng lớn áp dụng bộ tiêu chuẩn của SRP” vào triển khai cùng với chương trình “Cùng nông dân BVMT”. Qua đó, đem đến hướng đi mới trong việc BVMT gắn với các tiêu chí SRP; nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp lên tầm quốc tế. Trong quá trình thực hiện, Chương trình cũng đã phát hơn 406.000 tờ bướm và 20.000 poster về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, BVMT; Phối hợp với 22 Đài Truyền hình địa phương thông tin xuyên suốt quá trình thực hiện... Từ những kết quả này có thể thấy, Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân về sử dụng thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm an toàn và BVMT. Từ đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh thuốc BVTV đã cam kết đồng hành cùng Chương trình trong thời gian tới.

     Phát huy hiệu quả đạt được, giai đoạn 2 (từ năm 2017 - 2021), Chương trình sẽ gắn kết việc BVMT sinh thái với xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn. Theo đó, Cục BVTV, Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV thực hiện chương trình “Cùng nông dân BVMT” ở 22 tỉnh/TP (từ Ninh Thuận đến Cà Mau). Mỗi tỉnh, TP sẽ xây dựng 3 mô hình tại các xã nông thôn mới ứng dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, áp dụng trên các cây trồng chủ lực như lúa, rau màu và cây ăn trái. Trên các vùng trồng thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm… Cục BVTV sẽ cấp mã số để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Riêng một số mô hình cây trồng đặc sản địa phương như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Cục BVTV sẽ có mô hình và giải pháp về BVTV riêng, sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, mỗi mô hình sẽ xây dựng hố thu gom rác thải vỏ chai, bao bì thuốc BVTV để đem đi tiêu hủy; tổ chức khám sức khỏe cho nông dân và kết hợp các phương tiện truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng...

     Với chủ đề “Nông sản an toàn”, giai đoạn 2 của Chương trình “Cùng nông dân BVMT” sẽ ngày càng phát triển về quy mô và đóng góp quan trọng trong công tác BVMT, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.

 

Hoàng Thị Hồng

Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

Ý kiến của bạn