Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Chú trọng phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

25/01/2018

     Ngày 15/1/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

 

 

     Theo Quyết định, phạm vi vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2.

     ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo, trong đó, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...

     Các đô thị Cần Thơ, Phú Quốc và Mỹ Tho là trung tâm du lịch của toàn vùng, trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm của không gian du lịch phía Tây, gồm các tỉnh, TP: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Phát triển du lịch tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch sinh thái; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội.

     TP Mỹ Tho là trung tâm của không gian du lịch phía Đông gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Theo Quyết định, chú trọng phát triển du lịch sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, di tích lịch sử, cách mạng; du lịch cộng đồng. Đồng thời, thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đảm bảo liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng...; hoàn thiện các trung tâm dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành kết nối với các vùng, khu, điểm du lịch trong vùng và các vùng lân cận khác, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của vùng.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn