Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

20/07/2016

TS. Dương Duy Hoạt
Ủy viên Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học Năng lượng

   Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh), với quan điểm phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là khâu đột phá giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Duy Hoạt, Ủy viên Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học Năng lượng về vấn đề này.

   Xin ông cho biết nội dung ưu tiên phát triển NLTT trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh?

   TS. Dương Duy Hoạt: Quy hoạch điện VII là quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1.208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011. Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế thì Quy hoạch cũng bộc lộ nhiều tồn tại, không phù hợp với thực tế của Việt Nam và thế giới. Mặt khác, Quy hoạch không tính đến xu hướng chống phát thải khí nhà kính, làm nóng khí quyển Trái đất, do đó, Quy hoạch điện VII cần phải được điều chỉnh để phù hợp thực tế. Sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu cung cấp nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2030, Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện; từng bước gia tăng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn NLTT (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) trong cơ cấu nguồn điện, đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030. Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện); nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành. Tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, 24.600 MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200 MW) và khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400 MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5% vào năm 2020, 20,5% vào năm 2025 và 15,5% vào năm 2030.

   Quy hoạch cũng nêu rõ, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020 (điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng0,8%), 2.000 MW (1%) vào năm 2025 và 6.000 MW (2,1%) vào năm 2030.

   Mặt khác, phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối tại các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn... Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, 1,2% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2030.

   Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW (chiếm tỷ trọng 0,5%) vào năm 2020, 4.000 MW (1,6%) vào năm 2025 và 12.000 MW (3,3 %) vào năm 2030.

   Trong quá trình thực hiện chính sách tăng nhanh tỷ trọng nguồn điện từ NLTT, Việt Nam đối mặt với cơ hội, thách thức gì thưa ông?

   TS. Dương Duy Hoạt: Về những cơ hội phát triển NLTT, nước ta là một quốc gia có nhiều nguồn NLTT, trong đó một số nguồn như năng lượng gió, mặt trời và sinh khối có tiềm năng lớn. Việt Nam cũng đã có các cam kết quốc tế phát triển nguồn NLTT để giảm khí phát thải và có đủ các điều kiện để tiếp thu kinh nghiệm, áp dụng công nghệ NLTT tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính trong phát triển NLTT.

   Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với các thách thức như: Việc đầu tư phát triển NLTT chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Mặc dù, các nguồn NLTT là nguồn năng lượng sạch, nhưng vẫn có những tác động tiêu cực về môi trường, do đó, trong quá trình phát triển NLTT, cần phải có đầu tư nghiên cứu, giảm thiểu những yếu tố tiêu cực, cụ thể như tác động của thủy điện tới môi trường.

   Ngoài ra, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển NLTT; Chưa có nguồn nhân lực khoa học được đào tạo chính quy, có trình độ cao về NLTT…

Sử dụng và phát triển góp phần bảo vệ môi trường

   Ông có đề xuất gì để khuyến khích phát triển các nguồn NLTT?

   TS. Dương Duy Hoạt: Để phát triển NLTT của Việt Nam một cách bền vững và hiệu quả, cần có sự thống nhất về quan điểm phát triển NLTT. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương lập quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn NLTT.Trên cơ sở dự báo nhu cầu năng lượng và khả năng cung cấp của nguồn NLTT trong cả nước, xây dựng quy hoạch phát triển các nguồn NLTT.

   Bên cạnh đó, cần xây dựng Luật NLTT.Hiện nay, nước ta đã có Luật Điện lực, Luật Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, do đócần xây dựng Luật NLTT. Từ kinh nghiệm thành công của nước ngoài cho thấy, xây dựng Luật NLTT sẽ là giải pháp có tính then chốt, tiên quyết cho việc phát triển NLTT. Nên giao cho Bộ KH&CN chủ trì, xây dựng Luật NLTT.

   Ngoài ra, công tác xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về NLTT là cần thiết; Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm về NLTT.

   Đồng thời, thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển NLTT trên phạm vi toàn quốc. Có thể dùng nguồn vốn của Quỹ này để hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng NLTT, thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình ngôi nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn (làng, xã) xanh.

   Mặt khác, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường này.Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị như bình đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió, hầm bioga khí sinh học…; Ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về lĩnh vực NLTT; Công khai danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

   Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và BVMT của việc phát triển và sử dụng NLTT trong quá trình phát triển bền vững, từ đó có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng này.

                Châu Loan

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn