Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

13/01/2017

   Thực hiện Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao, thời gian qua, công tác BVMT tại các KCN đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo quyết liệt cùng sự phối hợp của các Sở, ngành và địa phương nên đạt được những kết quả tích cực.

   Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 7 KCN, trong đó 3 KCN đã đi vào hoạt động bao gồm: Mỹ Tho (diện tích 79,14 ha, với 27 doanh nghiệp (DN)); Tân Hương (diện tích 197,33 ha, 26 dự án); Long Giang (diện tích 540 ha, 23 dự án). Phần lớn các DN thứ cấp tại KCN đều đấu nối nước thải với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN (trừ một số trường hợp được miễn trừ đấu nối theo quy định), theo tiêu chuẩn đấu nối nội bộ. Đồng thời, 3 KCN này đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung (Mỹ Tho công suất hệ thống xử lý nước thải là 3.500 m3/ngày, đêm; Tân Hương 4.500 m3/ngày, đêm; Long Giang 5.000 m3/ngày, đêm).

KCN Tân Hương, tỉnh Tiền Giang

   Mặt khác, việc thực hiện các quy định về xử lý khí thải, chất thải rắn được hầu hết các DN nghiêm túc chấp hành. Đa số các DN trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom, xử lý. Một số KCN (Tân Hương, Long Giang) đã tổ chức thu gom chất thải tập trung và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý. Ngoài ra, các DN đã đăng ký nguồn thải nguy hại, bố trí khu vực lưu chứa, hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom xử lý… và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Theo báo cáo kết quả giám sát môi trường do chủ đầu tư hạ tầng các KCN thực hiện, phần lớn các chỉ tiêu giám sát đều nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định và diễn biến chất lượng môi trường qua các đợt giám sát ổn định.

   Tuy nhiên, công tác BVMT tại các KCN cũng có những hạn chế nhất định: Hoạt động giám sát chất lượng nước thải và xả thải của các DN thứ cấp chưa được chủ đầu tư hạ tầng KCN quan tâm đúng mức; còn một số DN phát sinh khí thải hay mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cụ thể đối với loại hình sản xuất thức ăn thủy sản, bột cá; một số DN chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc phân loại chất thải tại nguồn phát sinh, giám sát khối lượng chất thải phát sinh, lưu giữ các chứng từ chuyển giao chất thải…

Công tác BVMT tại các KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có chuyển biến tích cực

   Để đảm bảo hiệu quả công tác BVMT KCN, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp sau:

   Thứ nhất, phát huy vai trò của chủ đầu tư hạ tầng KCN trong việc kiểm soát các vấn đề môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là việc giám sát và kiểm soát các nguồn phát sinh và xử lý chất thải; thực hiện đầy đủ các cam kết về BVMT trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN.

   Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư lắp đạt biết bị quan trắc tự động liên tục của các chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Tho, Tân Hương; đầu tư, lắp đặt thiết bị tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động từ để kiểm soát, giám sát liên tục việc xả thải của các chủ đầu tư hạ tầng KCN.

   Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các DN trong KCN để giúp các DN ý thức rõ và đầy đủ trách nhiệm đối với vấn đề BVMT trong và ngoài KCN. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về BVMT trong KCN. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với DN trong KCN và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đối với các DN cố tình vi phạm.

   Thứ tư, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng tại các KCN: Việc tiếp nhận các dự án đầu tư cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhằm đảm bảo tính pháp lý và khoa học trong việc phân khu sản xuất để kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động.

   Thứ năm, thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của KCN.

   Thứ sáu, có cơ chế, chính sách khuyến khích DN thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN, nghiên cứu phát triển mô hình sản xuất thân thiện với môi trường.

   Thứ bảy, các cơ quan Trung ương tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật BVMT đối với KCN, đặc biệt là việc ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đặc thù theo ngành nghề sản xuất (sản xuất thức ăn thủy sản, bột cá…).

Nguyễn Thành Tâm

Phó Chi cục trưởng - Chi cục BVMT tỉnh Tiền Giang

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn