Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Các quy định về tội phạm môi trường liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong Bộ luật Hình sự năm 2015

04/05/2016

   Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là văn bản có tính pháp lý cao nhất, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

   Chương XVII BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) gồm có 11 điều (từ Điều 182 - Điều 191a) quy định các tội phạm về môi trường. Qua thực tiễn thi hành các quy định đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, trong đó chủ yếu là do các quy định về cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng như quy định cấu thành vật chất, chưa quy định chủ thể của tội phạm là các pháp nhân.

   BLHS năm 2015 gồm 26 chương với 426 điều, so với BLHS năm 1999 đã tăng 2 chương với 72 điều. Trong đó, tại Chương XIX: Các tội phạm về môi trường gồm có 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246). Để khắc phục các bất cập liên quan đến tội phạm môi trường nói chung và đa dạng sinh học (ĐDSH) nói riêng, BLHS năm 2015 có những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường; bổ sung 2 tội danh mới; mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội phạm môi trường.

BLHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội hủy hoại rừng

   1. Một số điểm mới về tội phạm môi trường

   Sửa đổi cấu thành các tội phạm về ĐDSH theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm nhằm đảm bảo tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã bổ sung 2 tội danh mới là tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai và tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238).

   Do tính chất nghiêm trọng của các tội phạm môi trường và xét mục đích chủ yếu của các hành vi phạm tội là nhằm vào lợi ích kinh tế nên phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được mở rộng, mức phạt tiền được nâng lên đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đây cũng là một trong những điểm đáng lưu ý của BLHS sửa đổi lần này.

   Mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền: Hình phạt tiền đã được BLHS năm 2015 quy định tại khung tăng nặng của một số tội như gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

   Nâng mức phạt tiền tại các điều luật: Các điều luật đã có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, mức phạt tiền được quy định ở mức rất cao, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

   2. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về tội phạm môi trường liên quan đến ĐDSH

   Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 241): Điều này đã bổ sung hành vi “cho phép đưa vào, mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh” để quy định rõ chủ thể của tội phạm là những người có chức vụ, quyền hạn.

   Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242): Để ngăn chặn tình trạng hủy hoại nguồn lợi thủy sản, các chế tài cũng có sự điều chỉnh cơ bản. Mức phạt tiền tối đa tại khoản 1 được nâng lên gấp ba, từ 100 triệu lên 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt tiền ở khung tăng nặng đối với các cá nhân phạm tội được quy định lên đến 400 triệu đồng. Hình phạt tù tối đa cũng được nâng từ 5 năm lên đến 10 năm.

   Điều luật cũng đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo đó nếu pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 242 thì bị phạt tiền gấp từ 1 đến 3 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân; nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 242 thì bị phạt tiền gấp từ 3 đến 5 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

   Tội hủy hoại rừng (Điều 243): Về cấu thành tội phạm, quy định chung tại Điều 189 BLHS năm 2009 “người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng”, “hủy hoại diện tích rừng rất lớn”, “hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn” đã được thay bằng những định lượng cụ thể như: hủy hoại cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 30.000 m2 đến dưới 50.000 m2; rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2; rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 m2 đến dưới 7.000 m2; rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 m2 đến dưới 3.000 m2, phạm tội liên quan đến các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài thực vật khác thuộc nhóm IA.

   Điều 243 BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội này, theo đó pháp nhân phạm tội sẽ bị phạt với số tiền gấp một số lần so với thể nhân phạm tội. Phạt tù theo các khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm; 3 năm đến 7 năm; 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

   Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 244): BLHS năm 2015 đã quy định các tình tiết tại khung tăng nặng “buôn bán, vận chuyển qua biên giới”, “hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính lớn” nhằm điều chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời bổ sung và cụ thể hóa mức độ, khung hình phạt đối với các vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Khoản 3 cũng quy định trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc một trong các trường hợp: hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; thu lợi bất chính rất lớn, đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt quy định tại khoản 3 được quy định khá nghiêm khắc, từ 10 đến 15 năm tù.

   Điều luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với chế tài phạt tiền từ 1 tỷ đến 15 tỷ đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm, bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

   Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245): Tương tự như Điều 243, Điều 245 cũng đã thay thế các quy định chung chung bằng những định lượng cụ thể như: gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đến 200 triệu đồng; từ 200 triệu đồng trở lên… Mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm mà quy định phạt tù theo 3 mức: 6 tháng đến 3 năm; 3 năm đến 7 năm, bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

   Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246): Điều 246 BLHS năm 2015 đã quy định các hành vi vi phạm cụ thể như “nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá từ 250 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, “phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái phép gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều 246 đã có sự phân biệt trong chính sách xử lý đối với các hành vi nhập khẩu và phát tán các loài ngoại lai xâm hại, theo đó hành vi phát tán chỉ bị xử lý về hình sự khi có hậu quả. Mức phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, mức phạt tù cao nhất từ 3 năm đến 7 năm.

   BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi phạm tội, quy định chế tài nghiêm khắc đối với các tội phạm về môi trường. BLHS năm 2015 cũng đã quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 9 tội danh gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại các loài động vật, thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐDSH và cân bằng sinh thái. Với những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, BLHS năm 2015 sẽ là công cụ hữu ích góp phần trấn át hiệu quả các tội phạm về môi trường và ĐDSH.

ThS. Mai Hồng Quân

ThS. Trần Trọng Anh Tuấn

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn