Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Bức tranh sáng về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình

29/03/2018

     Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với mục tiêu BVMT ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tuy nhiên đây là một tiêu chí khó thực hiện. Với quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (Chương trình XDNTM) tại Quảng Bình, đặc biệt là các chỉ tiêu về môi trường, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường (TCMT) đã đạt được những kết quả tích cực.

     Tập trung tuyên truyền, vận động

     Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình luôn coi công tác BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai việc thực hiện TCMT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM và đạt được một số kết quả quan trọng: Công tác chỉ đạo, điều hành được tập trung từ việc ban hành các văn bản đến phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM (cấp tỉnh đến cấp huyện), trong đó, Sở TN&MT đã ban hành Văn bản số 869/HD-STNMT hướng dẫn thực hiện TCMT trong XDNTM đến các địa phương; Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa nguồn lực BVMT đã được quan tâm tại nhiều địa phương; một số xã đã xây dựng Đề án thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ thu gom rác; việc thu gom, xử lý rác được giao cho hợp tác xã, doanh nghiệp có năng lực, điển hình như mô hình xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), hay đội vệ sinh môi trường tại các thôn trong huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

     Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình XDNTM, tỉnh đã xác định, công tác tuyên truyền cần được quan tâm hàng đầu. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Văn phòng điều phối, Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, ngành và nhân dân về BVMT trong XDNTM; phát động các phong trào thi đua XDNTM ở địa phương. Việc tuyên truyền được triển khai rộng khắp, dưới nhiều hình thức, với nội dung đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng như tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, loa truyền thanh xã...). Ngoài ra, Văn phòng điều phối đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể lồng ghép các hoạt động tuyên truyền vào các chương trình như “Thanh niên chung tay XDNTM” của huyện Đoàn; “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; “Kế hoạch tuyên truyền nông thôn mới” của Hội Nông dân; các phong trào của Hội Người cao tuổi”. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về BVMT, nhận thức của hầu hết người dân đã được nâng lên; các phong tục, tập quán lạc hậu của bà con đồng bào dân tộc dần được xóa bỏ; một số nơi đã xây dựng mô hình bể chứa rác công cộng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nông thôn. Các doanh nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT đã được di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất, hạn chế tác động tới môi trường nông thôn. Từ đó, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, các hộ dân tích cực trồng nhiều cây xanh và không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi. 

     Tính đến tháng 6/2017, tỉnh Quảng Bình đã có 80/136 xã hoàn thành TCMT (chiếm 58,8%), phấn đấu đến năm 2018, có thêm 17 xã đạt được tiêu chí này.

     Khó khăn và giải pháp để thực hiện TCMT trong XDNTM

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn tại Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp, nên việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số khu vực nông thôn gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các gia đình ở vùng sâu, vùng xa tự xử lý rác thải bằng các biện pháp đơn giản như đốt, chôn lấp. Không ít nơi, người dân tùy tiện xả rác thải bừa bãi, hoặc làm chuồng trại gia súc gần nơi sinh hoạt... gây ÔNMT, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Tại nhiều địa phương, tình trạng phát sinh rác thải ngày càng tăng, dẫn đến quá tải tại các bãi rác thải. Bên cạnh đó, máy móc và thiết bị thu gom, xử lý rác thải còn lạc hậu, chưa có phương tiện chuyên dụng để thu gom rác thải, bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh không đảm bảo qui chuẩn quy định. Các công ty, hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường còn thiếu về nhân lực, chế độ lao động thấp; công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện. Phí dịch vụ thu gom rác thấp, không đảm bảo cho chi phí vận chuyển chôn lấp, công tác thu phí vệ sinh gặp khó khăn. Ngoài ra, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở nông thôn còn hạn chế, nguồn nước mặt trong khu dân cư, một số đoạn sông, kênh, nương bị ô nhiễm…

 

Mô hình tổ tự quản thu gom rác hoạt động hiệu quả tại xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình)

 

     Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân như ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về BVMT chưa nghiêm; sự phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan liên quan, các cấp, ngành chưa được chặt chẽ; bộ máy quản lý nhà nước về BVMT chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, đặc biệt là cán bộ xã, nên chưa theo kịp với những diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường; nguồn lực đầu tư cho BVMT còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng để đầu tư trở lại cho công tác BVMT. Cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm về BVMT, đồng thời, việc phát hiện xử lý còn chậm…

     Cùng với quá trình phát triển, sức ép về môi trường ngày càng lớn và phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Để đạt được TCMT trong XDNTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Vì thế, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền và các đoàn thể về BVMT; lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đạt chuẩn; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT (làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

     Đặc biệt, cần tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản, cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu quy hoạch, kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện đánh giá kết quả và điều chỉnh kịp thời. Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề BVMT trên các địa bàn nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phải chấp hành đầy đủ các quy định về BVMT. Các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

 

Nguyễn Ngọc Hoạt

Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Bình

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

Ý kiến của bạn