Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội: Thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm

29/06/2018

     Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 4/6/2018 và sáng ngày 5/6/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nội dung tập trung vào nhóm vấn đề: Công tác quản lý đất đai; tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. 

     Tại Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đã có 59 ĐBQH đặt câu hỏi, 18 ĐBQH tranh luận. Trong đó, vấn đề môi trường được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, với hơn 30 câu hỏi. Bộ trưởng đã trả lời, làm rõ các vấn đề: Quản lý, xử lý rác thải; công tác kiểm soát, giảm thiểu tình hình ô nhiễm đất, nguồn nước; tình trạng vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN)… Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến quản lý đất đai, tình hình ứng phó với BĐKH, tài nguyên nước, khoáng sản… đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rõ ràng, cụ thể.

     Rà soát các loại hình sản xuất gây ô nhiễm

     Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ĐB Hoàng Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi về tình trạng ÔNMT tại các lưu vực sông (LVS). Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, trách nhiệm trong công tác BVMT LVS của các địa phương đã có quy định cụ thể. Đối với các nguồn thải từ nhà máy, KCN thải ra các LVS về cơ bản đã được kiểm soát. Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hoạt động giám sát, đồng thời yêu cầu các KCN xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số KCN, nước thải và nước mưa chưa được tách riêng để xử lý.

     Liên quan đến nội dung này, ĐB Phạm Tất Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nhiều cụm công nghiệp (CCN) và KCN trên cả nước chưa có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng thừa nhận, các khu, CCN chủ yếu do cấp huyện quản lý, thiếu vốn nên hạ tầng không đồng bộ. Trong CCN, việc sắp xếp, bố trí các loại hình công nghiệp không theo quy hoạch và tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là bố trí dân cư, dẫn đến tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các CCN. Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT, cơ quan chuyên môn cấp huyện cần phải nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với các KCN, CCN; tăng cường kiểm soát về đầu tư hạ tầng; rà soát lại các loại hình sản xuất gây ô nhiễm, nếu cơ sở nào có nguy cơ gây ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân phải đình chỉ hoạt động; huy động nguồn lực xã hội đầu tư các công trình, nhà máy thu gom, xử lý nước thải, rác thải với công nghệ thích hợp; thu hút sự tham gia của người dân vào xử lý ÔNMT…

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Phiên chất vấn ngày 4 - 5/6/2018

 

     Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm đặt câu hỏi, đó là xử lý rác thải. Theo Bộ trưởng, xử lý rác thải là vấn đề khó khăn hiện nay, vì liên quan đến nhiều Bộ, ngành như: Bộ TN&MT có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật và tiến hành thanh tra, kiểm tra; Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong quản lý hạ tầng, quy hoạch, xử lý chất thải rắn (CTR), phê duyệt thiết kế đối với nhà máy xử lý rác; Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý. Trong số những công nghệ của Việt Nam đang thí điểm chưa có công nghệ nào đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật, vận hành, cũng như các chỉ tiêu môi trường. Vì thế, các Bộ cần thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý CTR, đặc biệt chú trọng đến công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Đặc biệt, phải xem rác thải là tài nguyên và huy động sự tham gia của toàn xã hội, người dân vào công tác xử lý rác thải, đẩy mạnh phong trào phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải. Hiện nay, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đang triển khai thí điểm một số mô hình xử lý rác thông qua khí hóa, chuyển rác thành năng lượng điện, biến chất thải thành phân hữu cơ. Thời gian tới, Bộ TN&MT cùng với Bộ KH&CN tiến hành đánh giá hiệu quả mô hình, đồng thời, công bố để các địa phương biết và thực hiện.

     Đề cập đến tình trạng ô nhiễm không khí (ÔNKK) tại các TP lớn, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) và ĐB Trịnh Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) bày tỏ quan ngại về chất lượng môi trường không khí ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Giải đáp những băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, ÔNKK ở các đô thị lớn chủ yếu do nguồn thải từ hoạt động giao thông và xây dựng. Bộ TN&MT đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Kế hoạch kiểm soát ÔNKK, trong đó yêu cầu các địa phương đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí. Căn cứ vào đó, sẽ xác định nguồn ô nhiễm chính và công bố cho nhân dân biết. Về phía Bộ Y tế sẽ có đánh giá ảnh hưởng của ÔNKK đến sức khỏe người dân. Theo Bộ trưởng, để cải thiện chất lượng môi trường không khí, cần kiểm soát các nguồn thải từ giao thông, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; tuyên truyền để người dân không đốt rơm rạ và sử dụng than tổ ong…

     Về ÔNMT nông thôn, làng nghề, Bộ trưởng nhấn mạnh, môi trường nông thôn cần phải được quan tâm đặc biệt, cụ thể là chất thải chăn nuôi, chất thải trong sản xuất nông nghiệp (bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chai lọ…). Mặc dù, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, có những xã, huyện đạt được tiêu chí 17 về môi trường. Tuy nhiên, việc giảm thiểu ÔNMT nông thôn vẫn chưa có giải pháp căn cơ, nhất là khu vực làng nghề, CCN. Riêng với làng nghề, thời gian qua, có sự nhầm lẫn giữa làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Những làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làng nghề sản xuất hạt nhựa, giấy, luyện kim, tái chế chì... phải đưa vào CCN. Mặc dù, đã có quy định quản lý môi trường tại các làng nghề, nhưng hiệu quả thực thi chưa cao, trong khi, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các địa phương phải tham khảo kinh nghiệm, tìm kiếm những mô hình công nghệ sản xuất sạch hơn như làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội). Các làng nghề phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt. Về CTR, các làng nghề phải tiến hành thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

     Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

     Trả lời câu hỏi của một số ĐBQH về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, trong khi quy định, tiêu chuẩn về môi trường ngày càng cao, nên đã tiến hành xả trộm ra môi trường. Vì thế, thời gian tới, cần phân loại dự án, ưu tiên lựa chọn những dự án thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần khoanh vùng những dự án, loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT cao phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, giám sát chặt chẽ. Đồng thời, đổi mới phương thức thanh tra, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là tăng chế tài xử phạt vi phạm, nếu doanh nghiệp vi phạm xả thải vượt quá quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thì phải đình chỉ hoạt động; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động ở những khu vực khó giám sát, kết nối và truyền dữ liệu về Sở TN&MT; thu hút xã hội hóa tham gia đầu tư vào lĩnh vực môi trường…

     Trước những lo ngại của ĐB Đinh Duy Vượt (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) về vấn đề môi trường tại 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Tân Rai (Lâm Đồng), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, tại đây, có xảy ra sự cố, nhưng ở phạm vi nhỏ, không gây khủng hoảng lớn về môi trường. Bộ TN&MT đã chấn chỉnh và hiện đang tiến hành giám sát thường xuyên. Riêng hồ bùn đỏ, Nhà máy đã xây dựng 3 lớp với thiết kế độ bền chắc chắn đã được Bộ Xây dựng kiểm định. Tuy nhiên, về vấn đề môi trường, Tập đoàn TKV phải thường xuyên giám sát kỹ lưỡng, không thể chủ quan.

     Đối với việc nhận chìm ở biển đối với gần 1 triệu m³ vật chất nạo vét vũng quay tàu của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống vùng biển Hòn Cau (Bình Thuận), Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với doanh nghiệp, lựa chọn và phê duyệt các phương án liên quan đến việc thay đổi phương án nhận chìm bằng lấn biển, chống những khu vực bị sạt lở, hoặc lấn biển.

     Giải đáp những băn khoăn của ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) về việc xử lý môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh (Formosa), Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đã yêu cầu Công ty Formosa đầu tư công nghệ sản xuất, xây dựng, bổ sung các công trình xử lý môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Việc giám sát, kiểm soát môi trường được duy trì liên tục thông qua hệ thống quan trắc tự động kết nối với Sở TN&MT Hà Tĩnh và có 3 nấc đề phòng sự cố (tại nơi sản xuất, trong và ngoài phạm vi nhà máy). Hiện nay, nước thải trong hồ sinh học đạt loại A trước khi xả ra môi trường và hoàn toàn có thể tái sử dụng.

     Làm rõ một số nội dung chất vấn của các ĐBQH liên quan đến nhóm vấn đề TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời chất vấn, báo cáo giải trình trước Quốc hội.

     Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, nhận trách nhiệm đối với những mặt còn tồn tại và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới. Theo Chủ tịch Quốc hội, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống của nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các ĐBQH, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

     Bên cạnh những thành quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, công tác quản lý nhà nước về đất đai, BVMT, thích ứng với BĐKH còn không ít tồn tại, hạn chế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra, cụ thể:

     Rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đất đai trên phạm vi cả nước.

     Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT, triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các TP lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường.

     Đồng thời, triển khai quy hoạch xử lý rác thải, xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải; theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, KCN ven sông, ven biển có nguy cơ tác động tới môi trường; giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải và ÔNKK tại các địa phương, nhất là ở các CCN, làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường; Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu và nhất định không nhập khẩu chất thải; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT.

     Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách về BĐKH, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thích ứng với BĐKH; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả…

 

Ý kiến của các ĐBQH:

 ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai): Vấn đề môi trường đặc biệt phức tạp

     “Theo tôi, trả lời chất vấn không chỉ để Bộ trưởng báo cáo những hoạt động quản lý của ngành, mà còn là cơ hội để các ĐBQH hiểu thêm về công tác quản lý TN&MT. Bộ trưởng Trần Hồng Hà không phải “bị chất vấn" mà “được chất vấn", vì đây là diễn đàn để Bộ trưởng chia sẻ với đại biểu và cử tri cả nước những giải pháp tốt nhất, khắc phục những hạn chế, phát huy những mặt đã làm được trong công tác quản lý. Phiên chất vấn Bộ trưởng cho thấy, vấn đề môi trường đặc biệt phức tạp, có tác động rộng rãi đến xã hội và đây cũng là xu thế của thế giới”.

 

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Bộ trưởng nắm chắc vấn đề TN&MT

     Có thể nói, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nắm chắc vấn đề TN&NT, trả lời rất thẳng thắn và luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm với tư cách là “Tư lệnh ngành”. Tôi mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục quan tâm đến công tác quản lý đất đai, BVMT.  

 

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội): Đưa ra những giải pháp căn cơ

     Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có những câu trả lời đi vào vấn đề cơ bản mà các đại biểu đặt ra. Qua đó cho thấy, Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là những giải pháp căn cơ trong việc giải quyết các vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

                                                                                      

Giáng Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

Ý kiến của bạn