Banner trang chủ

Bộ Quốc phòng tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

05/09/2018

     Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết số 24-NQ/TW), thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Qua đó, phát huy sức mạnh của Quân đội tham gia tích cực vào các hoạt động BVMT, chủ động ứng phó, giảm thiểu các tác động của BĐKH, đảm bảo an toàn cho người dân.

     Kết quả triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW

     Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Nhận thức rõ điều đó, Quân ủy Trung ương đã ban hành Chương trình hành động số 251-CTr/QU ngày 14/4/2014 (Chương trình hành động 251) thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chương trình đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên, đồng thời, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Cục Khoa học quân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, quán triệt và tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, nhằm phát huy sức mạnh toàn quân trong ứng phó với BĐKH, BVMT, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

     Nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Quốc phòng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành để các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện, bao gồm: Kế hoạch hành động về BĐKH giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 2262/QĐ-BQP ngày 29/6/2013); Chiến lược BVMT đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Quyết định số 2887/QĐ-BQP ngày 28/7/2014); Kế hoạch hành động đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Quyết định số 3490/QĐ-BQP ngày 6/9/2013); Quy chế phối hợp hoạt động giữa Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT số 8403/QC-BQP-BTNMT ngày 22/7/2017... Trên cơ sở đó, công tác chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT trong toàn quân đã góp phần khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.

     Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT, ứng phó với BĐKH cho cán bộ, chiến sỹ được Bộ Quốc phòng giao Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức 4 hội thi Quân đội với nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH, thi ảnh, vẽ tranh cổ động; xây dựng các phóng sự, điều tra về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn… Từ đó, hình thành ý thức chủ động trong các chiến sĩ về ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.

 

Các chiến sĩ tham gia thu gom rác tại bãi biển huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)

 

     Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực BVMT, ứng phó với BĐKH và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2013 - 2018, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH đến một số lĩnh vực, công trình và hoạt động quân sự của các quân khu, quân đoàn, binh chủng, cơ sở công nghiệp quốc phòng... Nhiều mô hình ứng phó với BĐKH được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả như chống sạt lở công sự, trận địa vùng đồng bằng sông Cửu Long (Sư đoàn bộ binh 330 - Quân khu 9); kiểm soát, giảm thiểu tác động của BĐKH đến kho vũ khí, đạn dược của Tổng cục Kỹ thuật; mô hình phát triển rừng phòng hộ ven biển, đảo nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH đến công trình và hoạt động quân sự của Lữ đoàn 242 - Quân khu 3...

     Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp, chỉ đạo thực hiện 52 dự án (giai đoạn từ năm 2011 - 2017), trên tuyến biên giới (dài 7.710 km, chiều rộng khoảng 1 km) tại 417 xã biên giới thuộc 25 tỉnh, giúp hạn chế lũ lụt, đảm bảo cuộc sống của người dân. Đặc biệt, lĩnh vực BVMT đã được Bộ Quốc phòng rất chú trọng và triển khai nhiều hoạt động tích cực. Bên cạnh việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trong Quân đội (khoảng 30 - 40 dự án/năm), Bộ còn tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường trong các hoạt động quân sự; tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đến nay, 15/19 cơ sở sản xuất quốc phòng, bệnh viện quân y đã hoàn thành biện pháp xử lý; 4/19 cơ sở đang được thực hiện các dự án xử lý môi trường theo quy định)...

     Căn cứ vào những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong Chiến lược BVMT, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá, xử lý môi trường. Nhiều đề tài, nhiệm vụ, nghiên cứu đã được ứng dụng để xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (CTNH) tại các cơ sở sản xuất quốc phòng, kho tàng; xử lý nước sinh hoạt; chất thải sinh hoạt, chất thải y tế tại các bệnh viện đem lại hiệu quả cao. Về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng đã triển khai Dự án hợp tác với Mỹ để xử lý triệt để 90.000 m3 đất nhiễm dioxin, xử lý an toàn 60.000 m3 đất chứa dioxin ở sân bay Đà Nẵng; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án tổng thể xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Mỹ và một số nước, tổ chức quốc tế; ký kết Bản ghi nhớ giữa Cục Khoa học quân sự và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ về xử lý chất độc dioxin sân bay Biên Hòa...

     Những khó khăn, thách thức và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW thời gian tới

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT, ứng phó với BĐKH trong Quân đội còn một số hạn chế, bất cập như: Công tác quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm, cải thiện điều kiện môi trường ở một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện các nhiệm vụ công ích; chưa xác định được cơ chế cụ thể trong việc huy động nguồn lực thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh chưa chặt chẽ; công tác đánh giá, xác định và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng còn hạn chế...

      Để thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, BVMT; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện; lồng ghép hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH trong thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của các cơ quan, đơn vị; tăng cường trang thiết bị, đào tạo cán bộ chuyên môn để có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ BVMT trong Quân đội; tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường trong các hoạt động quân sự. Mặt khác, Bộ cũng sẽ chủ động, tích cực tham gia vào thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ quan trắc, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, BĐKH. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.

 

 

Đại tá, TS. Thân Thành Công - Phó Cục trưởng

Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

Ý kiến của bạn