Banner trang chủ

Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

04/12/2018

     Hà Tĩnh nằm trong khu vực Trung Trường Sơn, có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với các hệ sinh thái (HST) điển hình và nhiều loài quý, hiếm, đặc hữu có giá trị sinh thái, kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang phải đối mặt với những thách thức như sự phát triển công nghiệp làm phát thải chất ô nhiễm; tình trạng khai thác, đánh bắt và buôn bán trái phép các loài động, thực vật quý, hiếm trên địa bàn tỉnh vẫn đang xảy ra... Xuất phát từ thực tế đó, ngày 18/7/2018, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH trên địa bàn.

        Hiện trạng và tổng quan ĐDSH

Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung bộ, diện tích đất tự nhiên 599.066,74 ha, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam tiếp giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây tiếp giáp tỉnh Bôlikhămxay và Khămmuộn của Lào (với gần 150 km biên giới quốc gia), phía Đông là biển Đông với chiều dài bờ biển hơn 137 km. Với vị trí như vậy, Hà Tĩnh được xác định là nơi kết hợp sự giao thoa giữa vùng núi, đồng bằng và biển, giữa các tỉnh lân cận và các nước láng giềng.

Hà Tĩnh có diện tích rừng tự nhiên gần 218.259 ha và 95.175 ha diện tích rừng trồng. Căn cứ trên kết quả phân tích từ bản đồ hiện trạng thảm thực vật, bản đồ sử dụng đất và kết quả các đợt khảo sát cho thấy, Hà Tĩnh có các HST cơ bản như: rừng kín thường xanh cây lá rộng; rừng thường xanh nửa rụng lá; rừng tre nứa; trảng cỏ, cây bụi; sông, suối và hành lang sông, rạch; đồng ruộng; hồ, ao; rừng ngập mặn; vùng cửa sông và biển ven bờ...

Với  nhiều HST đặc thù, độ che phủ cao (52,32%), nằm trong các vùng rừng đặc dụng ở Vũ Quang, Kẻ Gỗ, Giăng Màn, các dải rừng xanh Vũ Quang - Khe Nét, Vũ Quang - Pù Mát, các vùng đất ngập nước cửa sông ven biển, nên tính ĐDSH loài, nguồn gen quý, hiếm cao. Đến nay, đã thống kê được 5.339 loài sinh vật, trong đó có 2.993 loài thực vật bậc cao (1.067 chi, 228 họ thuộc 6 ngành); 1.095 loài động vật có xương sống (thuộc 621 giống, 205 họ, 55 bộ của 6 lớp: Thú (145 loài), chim (417 loài), bò sát (98 loài), lưỡng cư (77 loài), cá xương (352 loài) và cá sụn (6 loài); 850 loài côn trùng; 101 loài động vật nổi; 87 loài động vật đáy và 213 loài thực vật nổi.

Trên cơ sở đó đã thống kê có 345 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2016); Sách đỏ Việt Nam (2007); Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Trong đó có 163 loài thực vật bậc cao, 55 loài thú, 38 loài chim, 35 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư, 29 loài cá và 11 loài côn trùng. Đặc biệt theo IUCN (2016) ghi nhận 120 loài nguy cấp (14 loài CR, 34 loài EN, 72 loài VU); Sách đỏ Việt Nam (2007) có 231 loài nguy cấp (18 loài CR, 74 loài EN và 139 loài VU); Nghị định số 32/2006/NĐ-CP có 112 loài nguy cấp (trong đó, thực vật ở phụ lục IA có 4 loài và phụ lục IIA 28 loài; còn động vật phụ lục IB có 37 loài và phụ lục IIB có 43 loài). Ngoài ra, Hà Tĩnh còn là nơi phát hiện được nhiều loài mới cho khoa học như sao la, mang lớn, gà lôi Hà Tĩnh (đuôi trắng), cá sao Vũ Quang…

        Quy hoạch bảo tồn ĐDSH

        Thực hiện Luật ĐDSH năm 2008, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH, ngày 18/7/2018, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH về các nguồn gen, loài sinh vật và HST phong phú trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2020 là duy trì, phát triển ổn định VQG Vũ Quang; thành lập Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Kẻ Gỗ; 2 Vườn thực vật và Nhà bảo tàng mẫu vật tại VQG Vũ Quang và KDTTN Kẻ Gỗ; 1 Trung tâm cứu hộ động vật tại VQG Vũ Quang.

 

Rừng nguyên sinh tại VQG Vũ Quang

 

Tầm nhìn đến năm 2030 duy trì và phát triển ổn định VQG Vũ Quang; KDTTN Kẻ Gỗ; 2 Vườn thực vật và và Nhà bảo tàng mẫu vật tại VQG Vũ Quang và KDTTN Kẻ Gỗ; 1 Trung tâm cứu hộ động vật tại VQG Vũ Quang đã có từ giai đoạn trước; thành lập mới 1 Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh (Khu bảo vệ cảnh quan núi Hồng Lĩnh); 1 Vườn thực vật tại KDTTN Giăng Màn; 1 Trung tâm dược liệu tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông; tôn tạo và phát triển vườn sưu tập cây thuốc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Xác định phần ranh giới trên địa bàn tỉnh HLĐDSH Vũ Quang - Pù Mát và HLĐDSH Vũ Quang - Khe Nét; xác định phần ranh giới thuộc địa bàn tỉnh phục vụ thành lập mới KDTTN cấp quốc gia núi Giăng Màn.

Quy hoạch HLĐDSH

HLĐDSHVũ Quang - Khe Nét với diện tích khoảng 58.786 ha, ranh giới thuộc địa phận các xã Hòa Hải, Hương Bình, Hương Long, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Liên, Phú Gia thuộc huyện Hương Khê. HLĐDSH Khe Nét – Vũ Quang có vai trò hỗ trợ quá trình di cư trong tương lai của các loài sinh vật dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là nhóm gà lôi đặc hữu có biên độ sinh thái hẹp; Mở rộng vùng sống và sinh cảnh được ưu tiên bảo vệ cho quần thể voi á đi qua vùng núi Giăng Màn có tính ĐDSH cao.

        HLĐDSH Vũ Quang - Pù Mát quy hoạch phần ranh giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang thuộc huyện Vũ Quang và các xã Sơn Kim I, Sơn Tây, Sơn Hồng thuộc huyện Hương Sơn với diện tích 30.000 ha. HLĐDSH Vũ Quang - Pù Mát có vai trò hỗ trợ di chuyển của các loài có vùng sống rộng; Hỗ trợ quá trình di cư trong tương lai của các loài sinh vật dưới tác động của BĐKH.

        Quy hoạch bảo tồn và phát triển HST rừng tự nhiên đặc thù

        Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên với tổng diện tích 218.390 ha, gồm các HST rừng nguyên sinh, các kiểu rừng đặc thù, các loài động vật, thực vật quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được đưa vào quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, vùng lõi của VQG Vũ Quang, KBTTN Kẻ Gỗ và các Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn.

        Quy hoạch các kiểu rừng cần bảo vệ và phát triển bền vững gồm: Rừng đặc dụng tại VQG Vũ Quang và KBTTN Kẻ Gỗ với tổng diện tích 74.510 ha, trong đó VQG Vũ Quang là 52.742 ha và KBTTN Kẻ Gỗ là 21.768 ha. Rừng phòng hộ với tổng diện tích là 113.218 ha, trong đó rừng tự nhiên 80.806 ha, rừng trồng 22.015 ha, đất chưa có rừng 9.658 ha và đất khác 739 ha. Rừng phòng hộ tập trung chủ yếu tại các khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, Hồng Lĩnh, Sông Tiêm, Ngàn Sâu, Nam Hà Tĩnh và Hương Sơn quản lý.

        Bảo tồn và phát triển bền vững HST biển ven bờ gồm 4 khu vực: Vùng Cửa Hội và biển ven bờ Nghi Xuân, vùng Cửa Sót và biển ven bờ Lộc Hà - Thạch Hà, vùng Cửa Nhượng và biển ven bờ Thạch Hà - Cẩm Xuyên, vùng Cửa Khẩu và biển ven bờ Kỳ Anh.

        Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn

        Khu bảo tồn cấp quốc gia: Giữ nguyên và phát triển ổn định VQG Vũ Quang với diện tích quản lý là 57.038 ha, diện tích rừng đặc dụng là 52.742 ha để bảo tồn các loài động thực vật, HST đặc thù. Phạm vi, ranh giới gồm: Phía Đông giáp với xã Hòa Hải và Phú Gia, huyện Hương Khê; phía Tây giáp với xã Sơn Kim II, huyện Hương Sơn; phía Nam giáp với biên giới Việt - Lào; phía Bắc giáp với xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, các xã Hương Quang, Hương Minh, Hương Thọ và thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang.

        KDTTN cấp quốc gia theo định hướng đến năm 2030: Quy hoạch phần diện tích tự nhiên phòng hộ thuộc 4 xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình thuộc huyện Hương Khê với diện tích khoảng 16.000 ha, là khu vực dự kiến thành lập mới KDTTN cấp quốc gia (vùng núi Giăng Màn).

        KDTTN cấp tỉnh: Duy trì, bảo vệ và chuyển tiếp KBTTN Kẻ Gỗ thành KDTTN Kẻ Gỗ với diện tích quy hoạch là 42.062 ha, trong đó đất có rừng là 38.977 ha gồm rừng tự nhiên 31.496 ha và rừng trồng 7.481 ha; đất chưa có rừng là 3.036 ha; đất khác 49 ha.

        Quy hoạch khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh: Quy hoạch toàn bộ dãy núi Hồng Lĩnh thành khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh thuộc địa phận thị xã Hồng Lĩnh và ba huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà có tổng diện tích khoảng 9.707 ha. Trong đó diện tích có rừng là 6.778 ha và diện tích chưa có rừng là 2.929 ha.

        Giải pháp thực hiện

        Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền, thông tin về quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của HST, loài động vật quý hiếm.

        Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH. Ban hành các văn bản quy định về cơ chế phối hợp, hợp tác trong và ngoài nước về bảo tồn ĐDSH; có cơ chế chính sách về tài chính thúc đẩy phát triển hiệu quả bảo tồn ĐDSH, nhất là đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị quản lý vườn quốc gia, KDTTN phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH...

        Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ các cấp, nhất là hỗ trợ cấp huyện, xã về chuyên môn quản lý nhà nước về ĐDSH, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ nòng cốt trong các cơ quan quản lý.

        Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về ĐDSH; cập nhật cơ sở dữ liệu cho mỗi giai đoạn. Ứng dụng các tiến bộ mới trong công tác điều tra ĐDSH. Tăng cường nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào HST thích ứng với BĐKH trong công tác quản lý ĐDSH.

        Tăng cường huy động nguồn vốn của Trung ương và địa phương, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện quy hoạch bảo tồn sau khi được phê duyệt; sử dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường và tăng thu nguồn vốn phục vụ bảo tồn và phát triển tài nguyên ĐDSH.

        Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho khu vực vùng đệm, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước về nghiên cứu, duy trì và phát triển rừng tại khu vực vùng đệm; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ vùng đệm như tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp... để khuyến khích phát triển kinh tế dân cư vùng đệm...

                                                   

Ngô Xuân Quý

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

         

 

Ý kiến của bạn