Banner trang chủ

Bình Phước chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

04/12/2018

     Nhận thức được những tác động to lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH), những năm qua, tỉnh Bình Phước đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh.

     Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 6.856 km² , với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào; hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, đặc biệt có Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bù Gia Mập và Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.

     Trong những năm qua, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với cả nước (bình quân hàng năm tăng trên 12%); quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp được đẩy mạnh; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, Bình Phước đang phải đối mặt với một số vấn đề môi trường tại một số khu vực, đặc biệt là các khu dân cư, khu công nghiệp, tác động xấu đến quá trình phát triển KT - XH của tỉnh.

     Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (gọi tắt là Nghị quyết 24-NQ/TW), Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết cho lãnh đạo và cán bộ ngành Tuyên giáo, ngành TN&MT các cấp. Đồng thời, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 14/10/2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Ngay sau khi Nghị quyết được phổ biến, quán triệt đến các cấp, ngành đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

     Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi và tổ chức các hoạt động tuyên truyền về BĐKH, BVMT dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, để cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc chủ động ứng phó với BĐKH như Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2012 - 2020; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020; Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và BĐKH trên địa bàn tỉnh…

 

Nhà mày xử lý nước thải tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước

 

     Trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Công tác cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị khai thác khoáng sản đã chú trọng và có trách nhiệm trong đầu tư, xây dựng, bảo trì, sửa chữa hạ tầng giao thông, bảo vệ, phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 55 đơn vị với tổng số tiền 195,763 tỷ đồng.

     Nhận thấy công tác BVMT là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển bền vững, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BVMT. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng nhiều sự kiện môi trường như Ngày Môi trường thế giới (5/6), Đất ngập nước (22/2), Ngày Đa dạng sinh học (22/5)... Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản có liên quan như: Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND ngày 10/2/2009 phê duyệt Quy hoạch BVMT tỉnh Bình Phước năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1469/2011/QĐ-UBND ngày 21/6/2011  về Phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định số 1587/2011/QĐ-UBND ngày 8/7/2011 về Kế hoạch triển khai thực hiện đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh năm 2011 và giai đoạn 20011 - 2015. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BVMT, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho khoảng hơn 300 Dự án đầu tư; duy trì hệ thống mạng lưới quan trắc đảm bảo ổn định; quan tâm chấn chỉnh công tác quản lý chất thải rắn. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt trên 90% tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; 50% tại các khu vực nông thôn; tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp đạt khoảng 95%; chất thải rắn nguy hại đạt khoảng 99% (các chỉ tiêu này đều đạt theo Chương trình hành động 32-CTr/TU của Tỉnh ủy).

     Hàng năm, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh... Qua đó, đã phát hiện những vi phạm và xử phạt theo đúng quy định pháp luật. Từ năm 2014 - 2017, Sở đã ban hành 87 quyết định xử phạt, với tổng số tiền 1.792.690.000 đồng; trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 19 quyết định xử phạt, với tổng số tiền 5.654.100.000 đồng. UBND các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất có nguồn nước thải lớn, mức độ ô nhiễm cao; giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực môi trường. Đến nay, 5 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành việc xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm môi trường.

     Trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Sở TN&MT đã phối hợp các ngành nghiên cứu, bảo vệ động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn và phát triển các vùng đa dạng sinh học, đất ngập nước quan trọng trên sông Đồng Nai, lòng hồ Thác Mơ, Trảng cỏ Bù Lạch; bảo tồn và phục hồi các loại giống thủy sản nước ngọt quan trọng có giá trị kinh tế; đẩy mạnh sinh sản nhân tạo các loài cá có giá trị kinh tế cao: cá lóc, cá lăng, cá bống tượng... Tỉnh tiếp tục kiểm soát an toàn sinh học và đa dạng sinh học theo quy  trình, chú trọng vấn đề môi trường đối với hệ sinh thái nông nghiệp và phát huy các mô hình  tận dụng đất đai, tận dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo tiêu chí môi trường.

     Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng, công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm của các cấp Ủy, chính quyền, sự tham gia đông đảo của các cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Công tác phối hợp giữa các ban, sở, ngành, đoàn thể được chú trọng quan tâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ động ứng phó BVMT, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước trongthời gian qua, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cấp Ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác quản lý tài nguyên và BVMT; Chức năng quản lý tài nguyên còn chồng chéo giữa các ngành, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm; các quy định về sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản được quy định trong Luật Đất đai và Luật Khoáng sản chưa thống nhất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có nhận thức đầy đủ về công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chưa có ý thức tốt trong việc chấp hành pháp luật BVMT. Lực lượng cán bộ thanh tra môi trường còn mỏng, dẫn đến các hoạt động thanh tra chưa được chủ động. Tình hình ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp và khu dân cư gần các khu công nghiệp vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT ở các đô thị không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý rác…

     Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết; Chương trình hành động 32 - Ctr/TU của Tỉnh ủy đến toàn thể cán bộ, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trên địa bàn, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT tại cấp cơ sở; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý tài nguyên và BVMT; Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường và tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm đáp ứng yêu được cầu phát triển KT - XH bền vững trên địa bàn tỉnh.

 

Trần Kim Yến

          Sở NN&PTNT Bình Phước

(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

Ý kiến của bạn