Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Bình Định: Tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

02/07/2018

      Trong những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh về môi trường được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), tỉnh vẫn còn những thách thức về BVMT. Để hạn chế những tác động đến môi trường, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách về BVMT. Nhân dịp Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 được tổ chức tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về công tác quản lý môi trường thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.

 

Ông Trần Châu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

 

     PV: Sau khi Lễ phát động Ngày Môi trường thế giới 5/6 được tổ chức, Tỉnh Bình Định đã triển khai nhữnghoạt động gì v BVMT, thưa ông?

     Ông Trần Châu: Vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường”, với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilông”. Có thể nói, sự kiện này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thay đổi thói quen trong tiêu dùng để giảm ô nhiễm chất thải nhựa.

     Nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác BVMT đã được tỉnh tổ chức như cuộc thi tìm hiểu về môi trường, vẽ tranh, tái chế chất thải, sáng tạo xanh, biên soạn các sổ tay, tờ rơi… về các  nội dung giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, trong đó, truyền tải thông điệp hạn chế đồ dùng một lần, nhằm giảm chất thải nhựa và ni lông. Trước đó, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng túi ni lông. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai mô hình Phụ nữ không sử dụng túi ni lông tại huyện Phù Cát. Các cơ quan chức năng cũng kiểm tra, hướng dẫn việc xử lý chất thải tại các cơ sở tái chế nhựa đúng quy định, nhằm khuyến khích tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên.

     Hưởng ứng Chương trình "Tháng hành động vì môi trường" năm 2018, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Vệ sinh môi trường; tăng cường hoạt động thu gom, tái chế rác thải; tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa với môi trường; vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông...

     Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT như chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa...

     PV: Xin ôngcho biết một số nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn tỉnh hiện nay?

     Ông Trần Châu: Hàng năm, tỉnh Bình Định đều tiến hành quan trắc chất lượng môi trường với hơn 150 điểm, bao gồm đất, nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ, không khí. Qua theo dõi kết quả đo đạc cho thấy, chất lượng môi trường ở một số khu vực đáng báo động như hạ lưu sông Hà Thanh, Kôn, Lại Giang; một số hồ, đầm đã bị ô nhiễm hữu cơ, nhất là vào mùa mưa. Trong đó, nước ngầm tại một số khu vực đã bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh, chủ yếu do nguồn ô nhiễm từ hoạt động sinh hoạt và chăn nuôi của người dân.

     Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có thể xảy ra một số nguy cơ ÔNMT như từ hoạt động khai thác đá tại các khu vực đầu nguồn. Mặt khác, việc phát triển du lịch trong những năm gần đây cũng đem lại những thách thức cho công tác quản lý môi trường tại các khu du lịch, vấn đề sử dụng năng lượng và gia tăng lượng chất thải tại các nhà hàng, khách sạn… đặc biệt là các loại chất thải nhựa dùng một lần. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và năng lực trong thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn hạn chế.

     PV: Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên và BVMT, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành những chính sách gì, thưa ông?

     Ông Trần Châu: Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về  BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học, các nghị định, thông tư… liên quan đến công tác BVMT, UBND tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành, nhằm hướng dẫn triểnkhai, cũng như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường. Điển hình như triển khaiKế hoạch hành động thực hiệnNghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.Theo đó, Kế hoạch đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 80% các cơ sở trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về BVMT; 80% chất thải nguy hại trong công nghiệp, dịch vụ được thu gom, xử lý; 100% cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm; 100% khu công nghiệp(KCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành thường xuyên; 100% số trang trại, 50% gia trại có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đạt yêu cầu…

 

Cán bộ, đoàn viên, thanh niêntỉnh Bình Định thu gom rác, vệ sinh môi trường hưởng ứng Lễ phát động“Tháng hành động vì môi trường” năm 2018

 

     Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải, đảm bảo hoạt động thu gom, đặc biệt là vận chuyển và xử lý chất thải y tếnguy hại trên địa bàn, tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 6/4/2016 về Quy định phân vùng phát thải khí thải và xả nước thải trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1047/2016/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 về Ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025...

     Đồng thời, tỉnh đã ban hành Chỉ thị số12/CT-UBND ngày 20/7/2017 về việc tăng cường công tác BVMT nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung giải quyết các vấn đề ÔNMT nông thôn, đặc biệt là tình trạng ÔNMT do chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn, nhất là khu dân cư, ven các tuyến tỉnh lộ, các làng nghề truyền thống, khu vực ven biển…; ngăn ngừa việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…

     PV: Theo ông, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh?

     Ông Trần Châu: Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường, Bình Định gặp nhiều thuận lợi, do có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ, đây là cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thực hiện công tác BVMT. Cùng với đó, hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác BVMT ở địa phương cũng dần được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng quan tâmđến công tác BVMT; ý thức cộng đồng về BVMT đã có những chuyển biến tích cực; từ đó huy động nhiều nguồn lực xã hội cho công tác ứng phó BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

     Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, như: nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT chưa kịp thời, cụ thể trong một số một số lĩnh vực thiếuvăn bản quy định và hướng dẫn chưa thống nhất, chồng chéo nên triển khai còn một số hạn chế. Nguồn lực của địa phương còn khó khăn, nên kinh phí dành chocông tác BVMT còn thiếu, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhận thức về  BVMT của cộng đồng tuy đã được nâng lên, nhưng ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, BVMT chưa trở thành thói quen, ý thức tự giác của mỗi người dân.

     PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những giải pháp nào để giảm thiểu ÔNMT, thưa ông?

     Ông Trần Châu: Các giải pháp về BVMT mà tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là:Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác  BVMT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

     Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT, đa dạng sinh học; phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về BVMT đến các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhân thức và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia BVMT.

     Lồng ghép yêu cầu BVMT, đánh giá môi trường chiến lược đối với Quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2025,định hướng đến 2030;triển khai công tác quản lý đa dạng sinh học theo Quy hoạch đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2020 và định hướng năm 2030.

     Nâng cao năng lực quan trắc môi trường, đầu tư 2 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt sông Kôn, sông Hà Thanh; đầu tư các trạm quan trắc tự động nước thải ở các KCN; tăng cường điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ công tác quản lý.

     Đảm bảo kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh đạt 1% trở lên so với tổng chi ngân sách của tỉnh; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề và các bãi chôn lấp chất thải; hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị;tăng cường kinh phí để điều tra cơ bản môi trường, nghiên cứu, áp dụng mô hình giảm thiểu ô nhiễm, BVMT.

      Đểđạt được những mục tiêu về BVMT, ngoài những nỗ lực của địa phương, tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương:Cần rà soát, ban hành các văn bản pháp luật khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa một số ngành, lĩnh vực; ban hành đồng bộ hệ thống Quy chuẩn Việt Nam đối với các ngành,lĩnh vực; chính sách khuyến khích sử dụng hiệu quả  và khai thác bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản;hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhất là nghiệp vụ chuyên môn về đánh giá, dự báo và cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực BVMT; hỗ trợ đầu tư xử lý môi trường.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Trần Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

  

Ý kiến của bạn