Banner trang chủ

Đề xuất sửa đổi quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

30/09/2019

     Sự cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP

     Trên cơ sở Luật BVMT năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2014/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển tại Việt Nam.Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 114/2014/NĐ-CP. Trong đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT quy định về thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam; ban hành Quyết định số 4711/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phá dỡ tàu biển, qua đó chọn được 4 đơn vị (Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bến Thủy) có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ, nguồn nhân lực theo quy định liên quan đến hoạt động phá dỡ tàu biển.

     Tuy nhiên, quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc nên đến nay chưa có doanh nghiệp, cơ sở phá dỡ tàu biển nào được công bố, cấp phép để thực hiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển theo quy định của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP.

     Trong quá trình thực thi Nghị định số 114/2014/NĐ-CP, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có điều khoản bãi bỏ, sửa đổi nhiều quy định liên quan đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, như: Luật số 35/2018/QH14 năm 2018 bãi bỏ quy định về quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở phá dỡ tàu biển; Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về doanh nghiệp phá dỡ tàu biển và quy định về điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động tại khoản 1 Điều 7 và Điều 12 của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết tại Chương V các điều kiện, yêu cầu về BVMT đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thủ tục, thời điểm xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành;  Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, trong đó có sửa đổi quy định về BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

     Bên cạnh đó, việc quy định thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hiện tại Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT ngày 28/7/2015 là chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

     Theo quy định của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP để đưa vào hoạt động, cơ sở phá dỡ phải có Giấy xác nhận các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành; Giấy đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Giấy phép xả thải vào nguồn nước; Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường. Nhưng theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP thì cơ sở phá dỡ phải vận hành một khoảng thời gian nhất định (từ 6 đến 12 tháng) mới đáp ứng yêu cầu để hoàn thành các thủ tục về môi trường và được cấp các giấy tờ pháp lý nêu trên.

 

Hoạt động trục vớt tàu biển tại Quy Nhơn

 

     Qua rà soát cần sửa đổi, bổ sung nội dung 19/22 Điều của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP (chiếm khoảng 86%) và bổ sung 1 Điều mới. Như vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu hiện nay nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các Bộ/ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

     Dự thảo Nghị định được biên soạn trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 114/2014/NĐ-CP; phù hợp với thực tiễn phá dỡ tàu biển theo Công ước quốc tế Hồng công về tái chế tàu biển năm 2009. Theo đó, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được phép hoạt động theo quy định. Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại; Tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải. Doanh nghiệp nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Vận dụng quy định của các điều ước quốc tế liên quan phù hợp với nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

     Nội dung chính của dự thảo Nghị định 

     Chương I (Quy định chung), gồm 5 Điều: Từ Điều 1 đến Điều 5: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Quy định phá dỡ tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài bị chìm đắm tại Việt Nam.

     Chương II (Nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ) gồm 8 Điều: Từ Điều 6 đến Điều 9: Điều kiện của doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Thủ tục cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Thủ tục thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Trong đó, bổ sung vào dự thảo Nghị định các nội dung về thủ tục nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo quy định của Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT ngày 28/7/2015 của Bộ GTVT quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ (Bộ GTVT quy định chi tiết theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 114/2014/NĐ-CP).

     Từ Điều 10 đến Điều 13: Các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ; Trình tự thực hiện việc mua tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng để phá dỡ; Thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quyết định mua tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng để phá dỡ; Thủ tục nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

     Chương III (Hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển), gồm 7 Điều: Từ Điều 14 đến Điều 20: Điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Thẩm quyền quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Thủ tục cấp lại quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển; Nội dung phương án phá dỡ tàu biển; Trách nhiệm thực hiện phương án phá dỡ tàu biển.

     Trong đó, đề nghị bãi bỏ Điều 18 của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển để thực hiện được việc cắt giảm thủ tục hành chính và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, quy định để chuyển cho doanh nghiệp tự phê duyệt và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm tra, giám sát; sửa đổi, bổ sung, cắt giảm thủ tục hành chính cho phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch (bãi bỏ Điều 44, Điều 46 và khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hàng hải Việt Nam).

     Chương IV (Điều khoản thi hành) gồm 3 Điều: Từ Điều 21 đến Điều 23: Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành; Tổ chức thực hiện.

     Ngoài ra, Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định bao gồm 6 Mẫu: Đơn đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Đơn đề nghị quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Đơn đề nghị cấp lại quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Bảng kê danh mục chất nguy hại trên tàu.

 

ThS. Nguyễn Trung Thành

 Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

     Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 23 Điều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ các quy định của Nghị định với các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật BVMT năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng như các luật, pháp lệnh khác có liên quan.

 

     

 

 

Ý kiến của bạn