Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Đẩy mạnh công tác triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông

31/01/2018

   Thời gian qua, việc triển khai 3 Đề án BVMT lưu vực (LV) sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm tại các LV. Tiếp nối kết quả đạt được trong các năm trước, năm 2017, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với 3 Ủy ban BVMT LV sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án này.

Kênh Ba Bò (đoạn chảy qua tỉnh Bình Dương) đã được cải tạo và xây dựng bờ kè 

   Kết quả triển khai 3 Đề án BVMT LV SÔNG

   Công tác chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật

   Trong năm 2017, một số văn bản có liên quan đến BVMT tài nguyên nước đã được ban hành như Nghị định của Chính phủ về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản...; các Thông tư của Bộ TN&MT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải các ngành chăn nuôi, chế biến tinh bột sắn. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý và chính sách, góp phần thúc đẩy công tác BVMT nói chung và BVMT LV sông nói riêng. Các tỉnh, TP trên 3 LV sông cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan như Quy hoạch tài nguyên nước, phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải, danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quy định về phí BVMT đối với nước thải, chất thải rắn...

   Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, Ủy ban BVMT 3 LV sông đã phối hợp với Bộ TN&MT triển khai thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày, đêm trở lên; nghiên cứu, lập danh mục các khu/cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần giám sát đặc biệt trên toàn quốc; xây dựng Đề án tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; tăng cường trách nhiệm, có cơ chế phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban BVMT LV sông...

   Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật BVMT; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập các Ủy ban LV sông (theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012), trong đó có đề xuất việc tái cấu trúc 3 Ủy ban BVMT LV sông; hoàn thiện Dự thảo Thông tư về đánh giá sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của sông, hồ; Thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông...

   Duy trì và cải thiện chất lượng nước các LV sông

   Tổng cục Môi trường tiếp tục triển khai Chương trình quan trắc môi trường nước trên 3 LV sông, với tần suất 5 đợt/năm, gồm 42 điểm trên LV sông Cầu, 42 điểm trên LV sông Nhuệ - sông Đáy, 49 điểm trên LV hệ thống sông Đồng Nai và một số điểm giáp ranh giữa các tỉnh, TP. Tại các địa phương cũng tiến hành các chương trình quan trắc. Kết quả quan trắc năm 2017 cho thấy, trên LV sông Cầu, đoạn từ thượng nguồn ở tỉnh Bắc Cạn đến đoạn chảy qua TP. Thái Nguyên, chất lượng ở mức tốt; tại điểm Chợ Mới (Bắc Cạn), chất lượng nước đã có sự cải thiện so với năm 2016. Tuy nhiên, đoạn qua Thái Nguyên vào tháng 7 - 8/2017, chất lượng nước suy giảm, hàm lượng COD, BOD5 và độ đục gia tăng. Đoạn chảy qua Bắc Giang và Bắc Ninh, chất lượng nước có sự suy giảm khá mạnh và ở mức trung bình, do tiếp nhận nước của sông Cà Lồ tại Bắc Giang và sông Ngũ Huyện Khê tại Bắc Ninh, chỉ sử dụng cho tưới tiêu, hoặc mục đích giao thông thủy.

   Chất lượng nước sông Nhuệ và sông Đáy (đoạn chảy qua Hà Nội, Hà Nam) trong tháng 7 - 8/2017 có sự cải thiện. Giá trị WQI dao động trong khoảng 52 - 74, chất lượng nước tại tất cả các điểm đều ở mức trung bình, có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Hạ nguồn sông Đáy đoạn chảy qua Nam Định và Ninh Bình, chất lượng nước có sự suy giảm tại hầu hết các điểm. Chất lượng nước sông Bôi, sông Hoàng Long (Ninh Bình) và sông Đào tại điểm Lộc Hạ (Nam Định) có sự suy giảm nhẹ. Tất cả các sông nội thành Hà Nội có chất lượng nước suy giảm, tại hầu hết các điểm, nước bị ô nhiễm nặng (WQI dao động từ 16 - 27).

   Chất lượng nước các sông trên LV hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạt mức trung bình, chất lượng nước sông Sài Gòn tiếp tục có sự thay đổi rõ rệt từ thượng nguồn tới hạ nguồn và duy trì ổn định so với năm 2016. Đoạn thượng nguồn từ cầu Tha La (Tây Ninh) đến cầu Bến Súc (TP. Hồ Chí Minh) đạt mức tốt, phục vụ cấp nước sinh hoạt. Bắt đầu từ hợp lưu sông Thị Tính qua khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước (Bình Dương) đến hạ nguồn tại cảng Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh), chất lượng nước chỉ đạt mức trung bình, sử dụng cho tưới tiêu và các mục đích khác. Trong khi đó, chất lượng nước sông Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi các thông số độ đục và TSS do đặc trưng dòng chảy (đặc biệt vào mùa mưa).

   Triển khai các nhiệm vụ, dự án BVMT LV sông

   Ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện và vận hành Cổng thông tin môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai; Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn triển khai Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) khu vực dân cư, KCN thuộc 3 LV sông đến năm 2030, Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) 3 LV sông đến năm 2030; Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong giao thông thủy nội địa và hàng hải, thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải và khu neo đậu tránh bão tại LV sông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các dự án đầu tư theo lộ trình tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 1/7/2009 về việc Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ. Các Bộ, ngành khác (Bộ Y tế, Công Thương, Công an…) đã tiến hành xây dựng các nhiệm vụ chuyên ngành lồng ghép với BVMT.

   Tại các địa phương, 3 Ủy ban BVMT LV sông tiếp tục đôn đốc thực hiện Đề án BVMT LV sông theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, trong đó tập trung vào thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải ra LV sông. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án xử lý CTR, XLNT… được đầu tư xây dựng, hoặc triển khai thực hiện với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên 3 LV sông cũng đã chủ động triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước, nâng cấp các hệ thống bơm tiêu thoát nước, đồng thời, phối hợp giải quyết một số vấn đề liên địa phương. Ngoài ra, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LV sông tại Việt Nam do JICA hỗ trợ, năm 2017, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho 4 tỉnh trên LV hệ thống sông Đồng Nai (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu), 3 tỉnh trên LV sông Cầu (Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên); triển khai Dự án quản lý ô nhiễm các KCN thuộc LV sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời, đầu tư các trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường nước do các KCN trên LV sông gây ra. Đến nay, 17 điểm quan trắc nước mặt tự động đã và đang được thi công, lắp đặt và vận hành thử nghiệm, bao gồm 9 trạm trên hệ thống sông Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai 6 trạm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 3 trạm) và 8 trạm trên LV sông Nhuệ - sông Đáy (tỉnh Nam Định 4 trạm, tỉnh Hà Nam 4 trạm).

   Mặt khác, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và XLNT đô thị cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống XLNT tập trung, góp phần cải thiện chất lượng nước trên các LV sông như Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và XLNT TP. Biên Hòa giai đoạn 1, công suất 9.000 m3/ngày đêm (tỉnh Đồng Nai); xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước và XLNT thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), Nhà máy XLNT đô thị Thuận An (Bình Dương), công suất giai đoạn 1 là 17.000 m3/ngày đêm, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT Yên Xá (TP. Hà Nội), công suất 270.000 m3/ngày, đêm, giúp làm “sống lại” các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

   Tăng cường công tác quản lý môi trường và thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên LV sông

   Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm được chú trọng. Trên 3 LV sông, trong các năm 2016 - 2017, thanh tra ngành TN&MT, lực lượng Cảnh sát môi trường và các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng trăm cơ sở, xử phạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Các Bộ, ngành cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép xả thải vào nguồn nước các LV sông tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. UBND các tỉnh, TP trên 3 LV sông đã quan tâm đầu tư cho công tác BVMT, đảm bảo đạt và vượt kinh phí 1% chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm trên địa bàn.

   Bên cạnh đó, thông tin, dữ liệu về các cơ sở sản xuất/kinh doanh chính đang hoạt động trên 3 LV sông được điều tra thống kê chi tiết và cập nhật trên cổng thông tin LV sông, qua đó, phục vụ tốt cho công tác quản lý môi trường. Theo thống kê năm 2017, trên địa bàn LV sông Cầu có 48 KCN, 84 cụm công nghiệp (CCN), 141 làng nghề, 246 cơ sở y tế và hơn 3.500 doanh nghiệp; LV sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, gồm 1.672 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, 126 nguồn thải là KCN, CCN, 137 cơ sở y tế, 586 làng nghề; LV hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 5.217 nguồn thải, gồm 125 KCN, 32 CCN, 3 khu chế xuất, 200 cơ sở y tế và 4.297 cơ sở sản xuất, nhà máy.

    Phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương và môi trường liên vùng, liên tỉnh

   Trong thời gian qua, trên LV sông Cầu, với sự nỗ lực của 6 tỉnh, các vấn đề môi trường đã từng bước được giải quyết. Tại LV sông Nhuệ - sông Đáy, vấn đề môi trường liên tỉnh tồn tại trong nhiều năm qua là nước thải sinh hoạt, công nghiệp và làng nghề của TP. Hà Nội vào sông Nhuệ - sông Đáy, ảnh hưởng lớn đến các tỉnh hạ lưu, đặc biệt là Hà Nam. Trước thách thức trên, các tỉnh, TP trên LV đã tăng cường phối hợp giám sát các nguồn thải, nhằm giảm thiểu ô nhiễm cho khu vực hạ lưu.

   Riêng LV hệ thống sông Đồng Nai, các tỉnh, TP đã ký kết và triển khai Quy chế số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐ ngày 6/1/2017 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đồng thời, các địa phương đã chủ động phối hợp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm tại một số điểm nóng như giữa Đồng Nai và Bình Thuận đối với vấn đề ô nhiễm sông Giêng; TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trong giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò, với tỉnh Long An giải quyết ô nhiễm tại kênh Thầy Cai - An Hạ; chú trọng quản lý môi trường tại các khu vực giáp ranh; phối hợp trong vận hành các hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện; xây dựng chương trình quan trắc môi trường liên tỉnh...

   Một số khó khăn, vướng mắc và kế hoạch triển khai các Đề án BVMT LV sông

   Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai 3 Đề án BVMT vẫn còn những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, cụ thể: Nguồn kinh phí không được bố trí riêng, các cơ chế tài chính đặc thù chưa được xây dựng; Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 chưa được phê duyệt; Tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường của các địa phương còn chậm; Công tác thống kê, quản lý các nguồn thải chưa được thực hiện thường xuyên; Việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng còn chậm; Số biên chế và năng lực của các cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

   Để việc triển khai 3 Đề án đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Ủy ban BVMT LV sông, các địa phương cần tập trung vào 2 nhiệm vụ đột phá là xây dựng, triển khai quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các nhiệm vụ, dự án tổng thể toàn LV sông; đồng thời, tăng cường cơ chế điều phối, giám sát giữa các tỉnh, TP giải quyết các vấn đề liên tỉnh. Trong cả 2 nhiệm vụ trên thì vai trò chủ trì của Bộ TN&MT là đặc biệt quan trọng.

   Ngoài ra, tại các phiên họp của Ủy ban BVMT LV sông trong năm 2017, Ủy ban BVMT LV sông, các Bộ, ngành và địa phương đã thống nhất một số định hướng lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số chính sách, cơ chế đặc thù của công tác BVMT tài nguyên nước trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trên toàn LV, không chia cắt theo địa giới hành chính. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Đề án thành lập Ủy ban LV sông trên cả nước trên cơ sở kiện toàn và điều chỉnh mô hình tổ chức các Ủy ban BVMT LV sông hiện nay; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc và hạ tầng kỹ thuật môi trường...; Triển khai các quy hoạch, chương trình, dự án liên ngành, liên vùng, xây dựng và thực hiện các dự án, công trình BVMT trên LV sông; Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải và kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải thuộc 3 LV sông, công bố thông tin các nguồn thải chính (>200 m3/ngày, đêm); Tăng cường công tác phối hợp liên tỉnh trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường tại một số điểm nóng ô nhiễm tại các sông, suối chảy qua địa bàn nhiều tỉnh, đặc biệt ở các điểm giáp ranh... Mỗi địa phương tùy vị trí trên LV và nguồn lực của mình lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên và cấp thiết để triển khai. Các địa phương thượng nguồn tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn thủy sinh cho LV, kiểm soát các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản; các địa phương phía hạ lưu tăng cường quản lý và xử lý chất thải, quy hoạch phát triển đô thị hợp lý, kiểm soát chặt chẽ những nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

   Nhìn chung, qua 10 năm triển khai 3 Đề án BVMT LV sông, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm BVMT trên toàn lưu vực đã được nâng lên rõ rệt. Hy vọng trong thời gian tới, khi các Ủy ban LV sông được thành lập và đi vào hoạt động, cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước sẽ được triển khai rộng rãi, với sự quyết tâm cao của các tỉnh, TP trên các LV sông và sự tham gia hiệu quả của các Bộ, ngành.

ThS. Nguyễn Thượng Hiền
Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường 
Tổng cục Môi trường 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn