Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Đà Nẵng đẩy mạnh phong trào thi đua góp phần xây dựng thành phố môi trường

10/05/2016

   Xác định tầm nhìn chiến lược đưa Đà Nẵng trở thành thành phố (TP) thân thiện môi trường, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường”. Đề án được xây dựng với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước và không khí trên toàn TP được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe, môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, sự tin tưởng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; xử lý, khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp TP.

   Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh phong trào thi đua góp phần xây dựng TP. môi trường. Sau hơn 6 năm tổ chức thực hiện Đề án, Đà Nẵng đã có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc về chất lượng môi trường. Liên tục nhận được các Giải thưởng quốc tế về môi trường như: TP bền vững về môi trường ASEAN năm 2011, TP phát thải các bon thấp năm 2012; năm 2013 đạt danh hiệu là một trong 20 TP Xanh - Sạch - Đẹp; năm 2014 là thành viên “Chương trình 100 TP có khả năng chống chịu”...

Đà Nẵng quyết tâm trở thành TP môi trường đầu tiên của cả nước vào năm 2020

   Cùng với sự tham mưu trực tiếp của Sở TN&MT và phối hợp các ban ngành, đoàn thể, nhân dân TP, nhiều chỉ tiêu cơ bản của TP môi trường được hoàn thành như: Tập trung giải quyết triệt để 12/13 điểm nóng môi trường. Nước thải 6 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp được thu gom, xử lý tại 5 trạm xử lý nước thải tập trung. Chất lượng nước thải tại 4/5 trạm xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải. Hệ thống cấp nước toàn TP đạt được công suất 210.000 m3/ngày, đêm; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch toàn TP đạt 67,19%. Đến năm 2014, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt 6,1m2/người, độ che phủ của rừng đạt 41,6%; Tỷ lệ thu gom rác thải toàn TP đạt 93%, chất thải nguy hại y tế được thu gom, xử lý đạt yêu cầu 100%. Chỉ số chất lượng không khí đáp ứng tiêu chí của Đề án TP môi trường. Đặc biệt, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trên toàn TP chung tay thực hiện Đề án với ý thức trách nhiệm cao; nhiều mô hình BVMT tại cộng đồng dân cư được hình thành và nhân rộng.

   Ngành TN&MT Đà Nẵng được xác định ngành chủ lực, có vai trò chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, UBND các quận/huyện, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành trong lộ trình xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường, Sở TN&MT Đà Nẵng đã quán triệt, phát động phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, công chức. Tham mưu các nhiệm vụ quan trọng như: Lồng ghép các vấn đề môi trường vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Tại Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP. Đà Nẵng đến năm 2020, mục tiêu và các tiêu chí xây dựng Đà Nẵng trở thành TP môi trường trở thành một trong những nội dung chính của Quy hoạch. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển KT-XH TP, các Sở, ban ngành, các hội, đoàn thể, địa phương đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch, hoạt động triển khai và lồng ghép thực hiện Đề án theo từng nội dung cụ thể tại các cấp, các ngành, trong đó quan tâm đến tiêu chí BVMT, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

   Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT; huy động sự tham gia từ các Sở, ban ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, nhiệm vụ BVMT nói chung, thực hiện thành công Đề án TP môi trường nói riêng đã và đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của TP. Ngay sau khi ban hành Đề án, Sở TN&MT đã tham mưu TP phát động các chương trình hành động BVMT. Phong trào được tổ chức thường xuyên và hiệu quả như: Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp thông qua việc phân công 263 tuyến đường, khu vực cho 225 cơ quan, đơn vị phụ trách thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật Xanh. Tổ chức Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước. Các mô hình BVMT như: Câu lạc bộ môi trường của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ với mô hình xanh nhà sạch phố và Sống xanh; Cộng đồng doanh nghiệp với mô hình Xanh - Sạch - Đẹp; Tổ dân phố không rác, phường thân thiện môi trường... góp phần tích cực cải thiện môi trường sống cho người dân và được nhân rộng cả TP.

   Hiện nay có 7 quận, huyện đã xây dựng đề án Quận/huyện môi trường theo phối hợp hướng dẫn của Sở TN&MT. Phối hợp với 7 tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều hoạt động BVMT qua nhiều hình thức truyền thông, đào tạo, xã hội hóa công tác BVMT, ra quân, thành lập các Câu lạc bộ BVMT, xây dựng các mô hình BVMT… Các hoạt động này còn kết hợp với việc thực hiện Đề án Nếp sống văn minh đô thị và Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng xây dựng chuyên mục “TP Môi trường” phát sóng 12 chuyên đề/năm nhằm nâng cao nhận thức về môi trường, cung cấp thông tin về BVMT, cổ động các phong trào toàn dân BVMT, nêu gương điển hình trong hoạt động BVMT.

   Đặc biệt, tăng cường giáo dục môi trường trong các trường học. Sở TN&MT, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng tiêu chí mô hình “Trường học xanh” lồng ghép các kiến thức môi trường một cách khoa học vào việc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác BVMT, thấm sâu tình yêu thiên nhiên, đất nước của học sinh tại các trường học.

   Xây dựng thể chế chính sách nhằm triển khai thực hiện thành công TP môi trường. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Sở TN&MT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều chủ trương chính sách BVMT. Các văn bản được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Thành đoàn Đà Nẵng phát động đoàn viên, thanh niên thu gom rác ở bãi biển 

   Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT trên toàn TP. Xác định xây dựng TP môi trường không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quản quản lý nhà nước của địa phương mà còn cần có sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội. Chính vì thế, Sở TN&MT quan tâm đến việc tham mưu cho TP các chủ trương về xã hội hóa công tác BVMT nhằm huy động ở mức cao nhất sự tham gia của xã hội vào công tác BVMT và giảm áp lực về nguồn vốn cho ngân sách TP. Vì vậy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư. Nhiều công trình thu gom, xử lý chất thải, tái chế rác thải…do các cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, góp phần không nhỏ trong việc BVMT, tận dụng được nguồn tài nguyên và giải quyết việc làm tại địa phương. Tham mưu cho TP ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các công trình BVMT; miễn thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hướng dẫn các thủ tục nhanh cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, các hoạt động tái chế, chôn lấp rác thải…

   Năm 2012 là năm đầu tiên Sở TN&MT triển khai Đề án “Thu gom rác theo giờ trên địa bàn TP. Đà Nẵng”. Việc thu gom rác theo giờ bằng hình thức đặt thùng đối với các tuyến đường phố chính hay thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép ở khu vực khác đã được người dân đồng tình ủng hộ và dư luận đánh giá cao. Qua việc triển khai Đề án, bước đầu đã hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, nơi quy định trong nhân dân, bảo đảm mỹ quan đô thị, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ tại các vị trí trọng điểm và giảm thời gian các xe vận chuyển rác phải ra vào các tuyến đường trung tâm TP.

   Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn quan trọng để TP phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của TP môi trường vào năm 2020. Do đó, ngành TN&MT Đà Nẵng tập trung thực hiện các giải pháp:

   Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT cho người dân TP. Phát triển các mô hình BVMT, phong trào Ngày Chủ nhật Xanh; hưởng ứng sâu rộng các sự kiện môi trường. Vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh giáo dục môi trường, BĐKH trong các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo.

   Hai là, hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về BVMT đáp ứng xây dựng TP môi trường. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BVMT, đồng thời ban hành kịp thời các chế sách phù hợp, đặc thù để triển khai xây dựng TP môi trường.

   Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT trên địa bàn. Xây dựng các cơ chế khuyến khích, xử phạt nghiêm và thực hiện một cách công bằng, hợp lý đối với cả các đối tác thuộc Nhà nước cũng như các đối tác tư nhân khi tham gia hoạt động BVMT. Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn chính trị - xã hội trong công tác BVMT, giám sát việc môi trường. Đưa nội dung BVMT vào hoạt động của các khu dân cư, cộng đồng dân cư và phát huy vai trò của các tổ chức này trong công tác BVMT. Đồng thời đánh giá, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu về công tác BVMT để tôn vinh, khen thưởng.

   Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế về BVMT. Tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.

   Năm là, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn TP quyết tâm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đặt ra của đề án, đưa Đà Nẵng trở thành TP môi trường đầu tiên của cả nước vào năm 2020.

Nguyễn Đình Anh
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn