Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Ðánh giá hiện trạng công tác quản lý chất thải y tế nguy hại và đề xuất các giải pháp

06/11/2017

   Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác quản lý môi trường y tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lượng chất thải y tế phát sinh từ các hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày một gia tăng, đòi hỏi phải nâng cao công tác quản lý. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 80% chất thải từ các cơ sở y tế là chất thải thông thường và 20% còn lại là chất thải y tế nguy hại. Do vậy, việc đánh giá tình hình phát sinh, thu gom và xử lý chất thải y tế là một yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải y tế nói riêng và bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung.

Rác thải y tế nguy hại phải được bảo quản và bố trí riêng biệt trước khi đưa đi xử lý

   Các quy định pháp lý về quản lý chất thải y tế

   Ngay sau khi Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó chất thải y tế được quy định là chất thải đặc thù với những quy định riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), đồng thời Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế, trong đó quy định cụ thể việc phân loại, thu gom, phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại và các vấn đề pháp lý cho cơ sở y tế thực hiện việc xử lý, tự xử lý chất thải y tế nguy hại, sử dụng chứng từ CTNH (hoặc Sổ giao nhận), quản lý hồ sơ môi trường của cơ sở y tế...

   Theo quy định tại Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, hiện có 3 hình thức xử lý chất thải y tế đang được áp dụng, gồm:

   Xử lý tập trung: Tại các thành phố, khu đô thị lớn hoặc những nơi có các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý tập trung tại cơ sở xử lý có đủ điều kiện, đảm bảo xử lý một cách triệt để, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình đang được nhiều địa phương triển khai và phát huy hiệu quả. Với mô hình này, các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT để được Bộ TN&MT xem xét, cấp phép xử lý CTNH trước khi đi vào hoạt động.

   Xử lý theo cụm là một cơ sở y tế ở trung tâm cụm thực hiện thu gom và xử lý chất thải y tế cho một số cơ sở y tế lân cận xung quanh. Hình thức này đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương, đặc biệt phù hợp cho việc xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế quy mô nhỏ và có khoảng cách gần nhau. Mô hình xử lý này theo đó sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp phép xử lý CTNH, tuy nhiên phải được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn.

   Xử lý tại chỗ: Đối với những nơi chưa có cơ sở xử lý tập trung hoặc xử lý theo cụm hoặc tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, hiện đang áp dụng hình thức xử lý chất thải y tế tại chỗ bằng các phương pháp phù hợp với điều kiện của cơ sở. Về mặt pháp lý, hình thức xử lý tại chỗ của cơ sở y tế phải được Sở TN&MT cho phép trong quá trình cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.

   Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn đặc thù của từng địa phương, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT (Điều 23) và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT (Điều 22) đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về BVMT. Đến nay đã có 14/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập trong việc quản lý chất thải y tế nguy hại tại mỗi địa phương.

   Ngoài các quy định chung nêu trên, hiện nay, một số các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới hoạt động quản lý chất thải y tế đã được ban hành như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế QCVN 02:2012/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm QCVN 55:2013/BTNMT... góp phần chuẩn hóa công tác quản lý chất thải y tế tại Việt Nam.

   Tình hình xử lý chất thải y tế nguy hại bên ngoài cơ sở y tế

   Tính đến tháng 10/2017, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép xử lý CTNH cho 107 cơ sở, trong đó có 7 cơ sở thực hiện việc xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình tập trung (chỉ xử lý riêng chất thải y tế) tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, An Giang. Các cơ sở này đa phần chỉ thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh trong nội bộ tỉnh, thành phố và có công suất xử lý phổ biến ở mức từ 600 - 2.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có các đơn vị xử lý CTNH cũng thực hiện việc thu gom chất thải y tế phát sinh và xử lý tại lò đốt CTNH đã được cấp phép như tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ngãi, Nam Định… với công suất xử lý của lò đốt từ 100 kg/h đến 2.000 kg/h. Trong năm 2016, các đơn vị đã được Bộ TN&MT cấp phép đã xử lý hơn 11.600 tấn chất thải y tế nguy hại do các bệnh viện, cơ sở y tế chuyển giao. Lượng chất thải y tế nguy hại còn lại được các cơ sở y tế xử lý tại chỗ hoặc xử lý theo mô hình cụm. Hình thức này có ưu điểm là xử lý chất thải y tế nguy hại ngay tại nơi phát sinh, nhưng cũng có nhược điểm là nếu không được quản lý chặt chẽ thì sẽ phát sinh chất thải thứ cấp gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng (không đốt) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

   Để xử lý chất thải y tế nguy hại, các cơ sở xử lý thường áp dụng công nghệ lò đốt hai cấp (sơ cấp và thứ cấp). Theo đó, chất thải y tế nguy hại được thiêu đốt triệt để ở nhiệt độ cao từ 650oC - 1.050oC, khí thải được giải nhiệt, qua cyclon lắng bụi, và qua tháp hấp thụ để hấp thụ các chất ô nhiễm có trong khí thải. Một số thiết bị có bổ sung tháp hấp phụ bằng than hoạt tính trước khi thải ra môi trường qua ống khói. Các lò đốt này đều phải đáp ứng các quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT về lò đốt chất thải rắn y tế.

   Ngoài ra, một số cơ sở y tế hoặc cơ sở xử lý chất thải có sử dụng công nghệ không đốt để xử lý chất thải y tế lây nhiễm như hấp khử khuẩn hoặc công nghệ vi sóng. Đây là công nghệ thân thiện với môi trường đang được khuyến khích áp dụng nhằm làm giảm nguy cơ phát sinh khí thải độc hại không mong muốn trong phương pháp thiêu đốt như dioxin/furan. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ khử khuẩn sẽ làm giảm chi phí đầu tư và vận hành so với phương pháp thiêu đốt, chất thải sau khi khử khuẩn được xử lý như chất thải thông thường. Do các bệnh viện lớn đều có khoa vi sinh nên việc kiểm soát chất lượng khử khuẩn thuận tiện và có tính khả thi cao hơn so với việc kiểm soát khí thải lò đốt chất thải rắn y tế. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 55:2013/BTNMT về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm để kiểm soát về kỹ thuật cũng như chất lượng khử khuẩn đối với phương pháp xử lý này. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chất thải y tế không được xử lý triệt để, chất thải rắn sau khi khử khuẩn vẫn cần tiếp tục được xử lý theo quy định về quản lý chất thải thông thường. Hiện đã có một số cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung tại Hà Nội áp dụng công nghệ này và đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý CTNH.

   Mặc dù công tác quản lý chất thải y tế đã được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng hiện vẫn còn một số khó khăn tồn tại, cụ thể:

   - Việc quản lý chất thải rắn y tế thông thường, đặc biệt là quy định về sản phẩm có thể tái chế sau xử lý bằng thiết bị khử khuẩn đang còn nhiều lúng túng và không thống nhất ở các cơ sở y tế. Ngoài ra, việc hướng dẫn về thủ tục pháp lý đối với xử lý chất thải theo mô hình cụm cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung hay không? hay việc thực hiện hồ sơ môi trường khi bổ sung, thêm mới các công trình BVMT phục vụ quá trình xử lý chất thải phát sinh của cơ sở y tế hiện vẫn chưa rõ ràng.

   - Kinh phí chi cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế còn thiếu trong khi nhu cầu đầu tư để xây dựng/cải tạo các hệ thống xử lý chất thải y tế là rất lớn. Ngoài ra, kinh phí chi cho vận hành thường xuyên và bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải y tế của nhiều cơ sở y tế vẫn còn thiếu; chưa có cơ chế và định mức chi cho xử lý chất thải tại các cơ sở y tế và chưa được đưa vào quy định trong ngân sách chi thường xuyên của đơn vị.

   - Công tác quản lý, chỉ đạo về quản lý chất thải y tế còn gặp khó khăn do phạm vi quản lý rộng và đa dạng các loại hình cơ sở y tế (hơn 13.000 cơ sở y tế các tuyến, các loại hình). Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế ở nhiều nơi còn mang tính kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các quy định về quản lý chất thải y tế còn chưa đến được với đối tượng áp dụng do hạn chế trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật.

   - Ý thức tham gia vệ sinh, thu gom chất thải y tế của người bệnh, người nhà người bệnh và một số cơ sở y tế còn chưa cao, trong một số trường hợp còn thải chung chất thải y tế nguy hại với chất thải y tế thông thường, một số cơ sở y tế còn chuyển giao chất thải y tế cho đơn vị không có chức năng xử lý.

   Đề xuất giải pháp quản lý chất thải y tế trong thời gian tới

   Để tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

   - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là xây dựng quy định về xử lý chất thải y tế thông thường, quy định về sử dụng, tái chế chất thải y tế sau quá trình hấp khử khuẩn, các quy định về hồ sơ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật khác như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng lò vi sóng…;

   - Xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải đầu tư các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ đầu tư xử lý chất thải y tế theo hình thức hợp tác công tư để đầu tư, xây dựng các công trình, hạng mục BVMT tại cơ sở y tế nhằm phát triển năng lực xử lý chất thải y tế tại Việt Nam cả về chất lượng và số lượng;

   - Các địa phương, căn cứ vào quy hoạch, điều kiện địa lý kinh tế và môi trường địa phương nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn;

   - Tăng cường các biện pháp giảm thiểu việc phát sinh chất thải y tế, phân loại chất thải tại nguồn, đảm bảo chất thải y tế nguy hại được phân loại và quản lý riêng với chất thải y tế thông thường;

   - Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với các hành vi xả thải chất thải y tế chưa qua xử lý ra môi trường.

   - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, các cơ sở y tế, nhân dân về quản lý chất thải y tế.

ThS. Nguyễn Thượng Hiền, ThS. Đỗ Tiến Đoàn

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn