Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 05/11/2024

Kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước bền vững tại Ôxtrâylia và bài học cho Việt Nam

30/10/2024

    Nước đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh; 173 sông suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm đạt khoảng 844,4 tỷ m3; trong đó tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 310 - 315 tỷ m3/năm, chủ yếu thuộc các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Vũ Gia - Thu Bồn. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung. Để tăng cường quản lý tài nguyên nước, Việt Nam đang hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Qua kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước bền vững tại Ôxtrâylia sẽ là bài học giúp Việt Nam quản lý tài nguyên nước hiệu quả.

 1. Kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tại Ôxtrâylia

    Là quốc gia khan hiếm nguồn nước cùng với sự gia tăng dân số, Chính phủ Ôxtrâylia rất quan tâm đến công tác quản lý nguồn tài nguyên nước. Trong nhiều năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước nơi đây đang gặp những khó khăn, thách thức như: Áp lực từ việc gia tăng dân số, sự di cư, sử dụng nước mặt và nước dưới đất không bền vững, quản lý nước xuyên biên giới chưa có sự phối hợp hiệu quả. Đặc biệt, những thách thức về khan hiếm nước ở Ôxtrâylia, trước hết là do liên quan đến khí hậu, rủi ro; nhận thức chưa đầy đủ các giá trị của nước. Do vậy, mục tiêu của Ôxtrâylia hiện nay là quản lý hiệu quả tài nguyên nước để đáp ứng nhu cầu đô thị, nông thôn và môi trường. Từ đó, cải thiện hiệu quả cung cấp, sử dụng nước ở các thành phố và thị trấn; cơ sở hạ tầng thủy lợi; tạo điều kiện cho đường thủy, hỗ trợ nhu cầu của cộng đồng; thúc đẩy cơ chế quản lý cho ngành nước có hiệu suất cao và hiệu quả; nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu...

    Ôxtrâylia sử dụng cả phương pháp tiếp cận thị trường và phương pháp tiếp cận lập kế hoạch trong quản lý nước.

    Giao dịch nước: Thị trường nước ở Ôxtrâylia tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán quyền sử dụng nước và phân bổ cho các mục đích sử dụng nông nghiệp, đô thị và môi trường. Trong năm 2019 - 2020, giá trị doanh thu của thị trường nước Ôxtrâylia ước tính vào khoảng 7 tỷ đô la, tăng từ 5 tỷ đô la của năm trước. Giao dịch nước chủ yếu diễn ra giữa những người sử dụng nông nghiệp tại nhiều địa phương trên khắp nước Ôxtrâylia. Những người tham gia thị trường nước gồm cả các nhà quản lý nước, môi trường, công ty cung cấp nước và nhà đầu tư, đặc biệt là ở lưu vực sông Murray–Darling. Giá giao dịch nước được xác định bởi giá trị mà người mua và người bán đặt ra cho nước, chẳng hạn như mục đích sử dụng nước, mô hình thời tiết, khối lượng lưu trữ, các thỏa thuận pháp lý theo thẩm quyền và điều kiện thị trường hàng hóa. Khi điều kiện khí hậu khô sẽ đẩy giá nước lên cao đối với cả giao dịch phân bổ và quyền sở hữu.

    Quy hoạch tài nguyên nước: Quản lý nước ở Ôxtrâylia là trách nhiệm của các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Luật Tài nguyên nước tại Ôxtrâylia chủ yếu được quản lý ở cấp địa phương (tiểu bang và vùng lãnh thổ), ngoại trừ lưu vực sông Murray - Darling, được quản lý bởi cả 2 cấp chính quyền (Trung ương, địa phương), từ đó tạo nên các thỏa thuận pháp lý đa dạng trong một quốc gia. Khuôn khổ pháp lý về quản lý nước ở Ôxtrâylia dựa trên sự kiểm soát tương đối mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc sử dụng nước thông qua việc lập kế hoạch và cấp phép. Bên cạnh đó, luật pháp cũng cho phép sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích nhất định (sử dụng cho hộ gia đình, chăn nuôi…) mà không cần giấy phép. Các quyền về nước mặt được coi là tài sản, vì vậy, các chủ sở hữu khai thác, sử dụng nước có thể tiếp cận với nguồn tài chính ngân hàng dành cho các dự án phát triển khai thác, sử dụng nước. Đối với lưu vực sông Murray-Darling, Chính phủ đặt ra yêu cầu đối với kế hoạch quản lý mà các bang trong lưu vực sông phải tuân thủ, với những quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý. Các quy tắc này đảm bảo an ninh cho người sử dụng nước, đồng thời đảm bảo nguồn nước không bị phân bổ vượt quá khả năng của nó, từ đó, bảo vệ lưu vực khỏi tình trạng thiếu nước.

    Bên cạnh đó, Đạo Luật Tài nguyên nước năm 2007  (ACT) quy định về quản lý tài nguyên nước mặt và nước ngầm trong lãnh thổ Thủ đô. Theo đó, Kế hoạch lãnh thổ năm 2008 cũng được ban hành nhằm cung cấp khuôn khổ chính sách để quản lý quy hoạch tại ACT. ACT được chia thành 14 khu vực quản lý nước (WMA), với 32 khu vực lưu vực phụ trong WMA. WMA tại ACT phù hợp với khuôn khổ quy hoạch của Kế hoạch Lãnh thổ 2008. Chính quyền ACT quản lý các WMA nằm trong ranh giới ACT; Chính quyền New South Wales quản lý các phần bên ngoài ranh giới ACT. Các lưu vực phụ trong ranh giới ACT nằm 1 trong 4 giá trị môi trường chính gồm: Bảo tồn, cấp nước, thoát nước và không gian mở.

    Các quy định về nước môi trường là trách nhiệm của Bộ trưởng ACT và được quản lý, điều hành thông qua Cơ quan BVMT ACT. Ôxtrâylia cũng ban hành hướng dẫn về dòng chảy môi trường năm 2013, đây là tài liệu chính nêu rõ các quy định về nước môi trường trong ACT. Mục đích của hướng dẫn này là xác định các thành phần của dòng chảy từ chế độ dòng chảy thay đổi cần thiết để duy trì sức khỏe của dòng suối.

Bảng. Khối lượng phân bổ và quyền được giao dịch nước ở Ôxtrâylia, từ năm 2016 - 2020

Năm

Giao dịch phân bổ nước mặt (GL)

Quyền sử dụng nước mặt (GL)

Giao dịch phân bổ nước ngầm (GL)

Quyền sử dụng nước ngầm (GL)

2016-2017

6.840

1.732

197

341

2017-2018

7.290

1.229

236

369

2018-2019

5.518

1.317

281

414

2019-2020

5.956

1.553

319

408

GL = gigalitre

Nguồn: HĐQT (2018a), HĐQT (2019e), HĐQT (2020c), HĐQT (2021a)

2. Bài học cho Việt Nam

    Trong những năm qua, tại Việt Nam, các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên nước đã được Nhà nước xây dựng, hoàn thiện, ban hành đáp ứng yêu cầu cấp thiết bảo vệ hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Trong khi đó, hệ thống quản lý, thể chế, chính sách chưa đồng bộ; các nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... còn hạn chế. Từ kinh nghiệm của Ôxtrâylia, Việt Nam có thể rút ra những bài học hữu ích trong công tác quản lý tài nguyên nước, cụ thể:

    Thứ nhất, cần hoàn thiện công cụ chính sách về nguồn lực cho tài nguyên nước, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc bảo vệ nguồn nước, khai thác, xử lý nước cho sinh hoạt, công nghiệp và bổ cập cho nước ngầm; các quy định liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, trường hợp miễn, giảm, các ưu đãi hỗ trợ... Ngoài ra, cần có sự tham gia, trao đổi giữa các bên liên quan như: Kinh nghiệm về tài chính, khung pháp lý tài nguyên nước và hoạt động tổ chức ủy ban lưu vực sông.

    Thứ hai, tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý tài nguyên nước và các nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ tham gia giải quyết, ứng phó với thách thức về tài nguyên nước.

    Thứ ba, hiểu được giá trị đầy đủ của nước và có sự cam kết đối với việc quản lý tài nguyên nước; lộ trình thực hiện rõ ràng.

    Thứ tư, cần hoàn thiện các quy hoạch tài nguyên nước, vì từ các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung trong quy hoạch về tài nguyên nước sẽ đưa ra định hướng khai thác, sử dụng nước cho các ngành sử dụng nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Thứ năm, phát huy văn hóa, truyền thống liên quan đến bảo vệ nguồn nước; ứng dụng các công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp để thu gom và sử dụng nước mưa như: Công nghệ thu hoạch sương mù giúp thu thập giọt nước từ sương mù và ngưng tụ thành nước sạch, ATM nước.

    Thứ sáu, tăng cường đầu tư tài chính, khoa học công nghệ trong việc tìm ra các sáng kiến/giải pháp tốt hơn trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

    Thứ bảy, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn.

    Thứ tám, cần có chế độ giám sát, báo cáo đầy đủ nhằm thúc đẩy sự minh bạch.

    Thứ chín, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu…

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Bộ TN&MT, (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.

3. https://soe.dcceew.gov.au/inland-water/management/management-approaches.

Ý kiến của bạn