Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Huy động 12 tỷ USD để bảo vệ các rạn san hô

09/10/2023

    Ngày 3/10/2023, các quốc gia thành viên Sáng kiến Rạn san hô quốc tế (ICRI) thông báo sẽ huy động 12 tỷ USD phục vụ việc bảo vệ các rạn san hô trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy sản quá mức. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khoản quỹ trên chỉ như “muối bỏ bể” nếu các nguy cơ về khí hậu không được giải quyết. 

    Theo đó, ICIR sẽ huy động nguồn quỹ từ lĩnh vực đầu tư công và tư nhân để hỗ trợ bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái san hô, vốn là môi trường sống của 1/4 loài sinh vật biển và của hơn 1 tỷ người trên Trái đất. Mục tiêu của ICRI là đảm bảo tương lai cho diện tích 125.000 km2 rạn san hô nhiệt đới vùng nước nông và tăng gấp đôi diện tích san hô được bảo vệ hiệu quả vào cuối thập kỷ này. ICRI cũng cam kết sẽ gia tăng sự phục hồi các rạn san hô bị hư hại bằng các giải pháp sáng tạo mới.

    Các rạn san hô đang chịu áp lực ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm biển gia tăng, sự phát triển khu vực duyên hải và tần suất hoạt động gia tăng của các đội tàu đánh cá. Không chỉ vậy, các rạn san hô cũng đang phải chịu đựng nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô bị “tẩy trắng”.

Ảnh minh họa

    Bà Marian Wong, giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Trái đất, khí quyển và sự sống tại Đại học Wollongong của Australia đánh giá việc có thêm có thêm nguồn tài trợ để bảo vệ và phục hồi san hộ là một thông tin đáng mừng, nhưng nhiệt độ tăng cao vẫn là nguy cơ lớn đối với sự sống của các rạn san hô, đặc biệt khi hiện tượng El Nino hoành hành và nhiệt độ tăng cao hơn.

    Trong khi đó, nhà sinh thái biển tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia) David Booth lại cảnh báo việc phục hồi các rạn san hô không phải là giải pháp tối ưu và vô cùng tốn kém nếu triển khai trên diện rộng.

    Các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng khí hậu, đặc biệt tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao mang lại rủi ro lớn hơn đối với công tác bảo tồn các rạn san hô. Do đó, các quốc gia thành viên ICRI nên tập trung trực tiếp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

    Theo TS. Hoàng Thị Thùy Dương (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), không chỉ là “bãi đẻ” của các loài cá, rạn san hô còn là “nhà” của nhiều loài sinh vật biển khác, như: Bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giáp xác, động vật thân mềm hai mảnh vỏ, động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển… Bên cạnh đó, san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh. Các rạn san hô là nơi cung cấp thức ăn, môi trường sống, trưởng thành và cả nơi trú ẩn, tránh khỏi kẻ thù cho cá và động vật khác.

    Về giá trị kinh tế và tác động đến con người, các rạn san hô là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho con người. Rạn san hô có thể coi là những “khu rừng” dưới biển bảo vệ con người khỏi các cơn bão khi tham gia phá vỡ năng lượng sóng. Đặc biệt, các rạn san hô từ bao đời nay là những “cung điện” kỳ ảo dưới lòng đại dương để con người thưởng ngoạn và khám phá. Theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học California (Mỹ) đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam khẳng định, các rạn san hô có giá trị rất lớn với con người, giúp bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy du lịch sinh thái biển và mang về giá trị kinh tế toàn cầu ước tính 375 tỉ USD/năm.

    Từ giá trị đa dạng sinh học cũng như kinh tế của các rạn san hô, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp nhằm bảo vệ các rạn san hô trong vùng biển của mình.

    ICRI do liên minh các nước Australia, Pháp, Nhật Bản, Jamaica, Philippines, Thụy Điển, Anh và Mỹ đưa ra năm 1994. Hiện sáng kiến này có 45 nước thành viên, tham gia quản lý 3/4 diện tích các rạn san hô trên thế giới.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn