Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Tuyên bố Hà Nội về 3R - Hướng tới phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

15/09/2015

     Tuyên bố 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải) nhận định việc sử dụng tài nguyên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ba thập kỷ qua đang tăng nhanh, cụ thể như tổng năng lượng sử dụng trong khu vực đã chiếm hơn 35% tổng năng lượng toàn cầu và dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự đa dạng hóa của các dòng chất thải, trong đó có một số loại chất thải mới nổi lên, như chất thải điện tử, chất thải nhựa trên biển và dầu, mỡ bôi trơn…      Đồng thời, Tuyên bố cũng nhấn mạnh các khuyến nghị của báo cáo của Hội nghị Rio+20 về thúc đẩy nền Kinh tế xanh thông qua xây dựng và thực hiện các chính sách sử dụng hiệu quả tài nguyên, quản lý chất thải đạt yêu cầu về môi trường, trong đó 3R là những giải pháp hữu hiệu.      Trong bối cảnh đó, các nước tham dự Diễn đàn khẳng định sự cần thiết phải hạn chế sự phát sinh, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hướng tới xã hội không chất thải. Các giải pháp 3R có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các biện pháp và công cụ nhằm sử dụng các vật liệu tái chế, khai thác năng lượng và các lợi ích kinh tế từ chất thải. Thực hiện 3R cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên phải được sử dụng hiệu quả từ điểm khai thác đến nơi thải bỏ cuối cùng, qua đó tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm các tác động tiêu cực lên môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.      Tuyên bố Hà Nội về 3R thể hiện sự cam kết của 30 quốc gia tham dự Diễn đàn trong việc thúc đẩy thực hiện các hành động 3R, nhằm xây dựng một xã hội sử dụng hiệu quả tài nguyên và một nền Kinh tế xanh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 10 năm tới (2013 - 2023). Tuyên bố đã đưa ra một khung các mục tiêu định hướng cho việc thực hiện 3R trong khu vực. Dựa trên các mục tiêu khung này, các quốc gia có thể xây dựng các mục tiêu chi tiết, cụ thể, định lượng cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình nhằm thúc đẩy thực hiện 3R.      Tuyên bố đã đưa ra 33 mục tiêu, trong đó có 9 mục tiêu 3R cho khu đô thị/khu công nghiệp, 1 mục tiêu 3R cho khu vực nông thôn, 6 mục tiêu 3R cho các loại chất thải mới nổi và 17 mục tiêu 3R cho các vấn đề xuyên suốt, cụ thể như sau:      Các mục tiêu 3R cho đô thị, khu công nghiệp      Đối với chất thải rắn đô thị:      Mục tiêu 1: Giảm thiểu đáng kể lượng chất thải rắn đô thị phát sinh.      Mục tiêu 2: Sử dụng triệt để các loại chất thải đô thị hữu cơ, bao gồm cả chất thải thực phẩm (food waste) như một nguồn tài nguyên giá trị.      Mục tiêu 3: Tăng đáng kể tỷ lệ tái chế chất thải.     Mục tiêu 4: Xây dựng các thành phố/đô thị bền vững hướng tới “không chất thải” với mục tiêu chính là giảm thiểu phát sinh chất thải.      Đối với chất thải công nghiệp:      Mục tiêu 5: Khuyến khích khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên.      Mục tiêu 6: Thúc đẩy quá trình xanh hóa chuỗi giá trị thông qua khuyến khích các cơ sở công nghiệp, các nhà cung cấp, bán hàng thực hiện các trách nhiệm xã hội.      Mục tiêu 7: Thúc đẩy sự cộng sinh trong công nghiệp (chất thải của cơ sở này là đầu vào của cơ sở sản xuất khác) thông qua các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ.      Mục tiêu 8: Xây dựng năng lực của những người thực hiện để hỗ trợ khu vực tư nhân về tri thức, kỹ thuật thúc đẩy công nghiệp xanh.      Mục tiêu 9: Thực hiện việc phân loại và kiểm kê chất thải nguy hại một cách hợp lý để quản lý chúng một cách tốt nhất.      Các mục tiêu 3R cho khu vực nông thôn      Mục tiêu 10: Giảm thiểu mất mát trong chuỗi cung ứng thực phẩm (sản xuất, sau thu hoạch và bảo quản, chế biến và đóng gói, phân phối), từ đó giảm chất thải, đồng thời tăng số lượng và cải thiện chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.      Các mục tiêu 3R đối với các loại chất thải mới      Mục tiêu 11: Thúc đẩy việc sử dụng triệt để chất thải sinh khối nông nghiệp và chất thải chăn nuôi.      Mục tiêu 12: Tăng cường các nỗ lực của khu vực, quốc gia và địa phương trong giải quyết các vấn đề về chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển.      Mục tiêu 13: Đảm bảo quản lý chất thải điện tử một cách thân thiện với môi trường ở tất cả các giai đoạn từ thu gom, lưu giữ, vận chuyển, thu hồi, xử lý và thải bỏ, trong đó xem xét đầy đủ các khía cạnh về an toàn, sức khỏe.      Mục tiêu 14: Thực thi hiệu quả các cơ chế phòng ngừa việc xuất nhập khẩu chất thải bất hợp pháp, đặc biệt là chất thải nguy hại và chất thải điện tử.      Mục tiêu 15: Đẩy mạnh thực hiện cơ chế “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” thông qua việc yêu cầu các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, bán lẻ và các bên liên quan thực hiện trách nhiệm thu hồi, tái chế và thải bỏ các loại chất thải mới, gồm cả chất thải điện tử.      Mục tiêu 16: Đẩy mạnh 3R trong quản lý chất thải y tế.      Các mục tiêu 3R cho các vấn đề liên ngành      Mục tiêu 17: Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua việc xanh hóa việc làm trong tất cả các ngành, lĩnh vực.      Mục tiêu 18: Tối đa hóa đồng lợi ích từ công nghệ quản lý chất thải đối với ô nhiễm không khí, nước, đại dương, đất ở cấp độ quốc gia và biến đổi khí hậu trên toàn cầu.      Mục tiêu 19: Nâng cao cơ sở tri thức của quốc gia và địa phương cũng như các mạng lưới nghiên cứu về 3Rs và sử dụng hiệu quả  tài nguyên.      Mục tiêu 20: Tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác giữa các bên liên quan, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về 3R, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên để thay đổi hành vi của công dân và thay đổi phương thức sản xuất.      Mục tiêu 21: Lồng ghép 3Rs vào các cấp bậc giáo dục chính thức như tiểu học, phổ thông cơ sở và trung học cũng như trong các hình thức giáo dục không chính quy.      Mục tiêu 22: Lồng ghép khái niệm 3R vào các chính sách và chương trình có liên quan của các bộ, ngành chính như môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương nghiệp, năng lượng, tài nguyên nước, giao thông vận tải, y tế, xây dựng, tài chính, lao động, đất đai và phát triển đô thị, giáo dục và các cơ quan khác để hướng tới một xã hội hiệu quả tài nguyên và không chất thải.      Mục tiêu 23: Đẩy mạnh mua sắm xanh, mua sắm gắn với trách nhiệm xã hội ở tất cả các cấp.      Mục tiêu 24: Xóa bỏ các khoản trợ cấp không hợp lý cho việc khuyến khích sử dụng không bên vững các tài nguyên (vật liệu liệu thô và nước) và năng lượng.      Mục tiêu 25: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các hệ sinh thái, bao gồm cả tài nguyên nước ngọt và biển, thông qua việc loại bỏ các hành động chôn lấp rác lộ thiên, vứt rác xuống biển và kiểm soát việc đốt rác ở cả đô thị và nông thôn.      Mục tiêu 26: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu thông quốc tế của các loại tài nguyên có thể tái sử dụng và tái chế cũng như các sản phẩm được tái sản xuất phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Basel.      Mục tiêu 27: Thu thập, biên soạn, công bố rộng rãi và ứng dụng các cơ sở dữ liệu, thống kê về chất thải và 3R.      Mục tiêu 28: Thúc đẩy các hoạt động thu hồi nhiệt, năng lượng từ chất thải trong những trường hợp chất thải không thể tái chế hoặc tái sử dụng và đảm bảo việc quản lý bền vững.      Mục tiêu 29: Thúc đẩy hợp tác khu vực và quan hệ đối tác đa phương ở các cấp độ. Khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 3R từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.      Mục tiêu 30: Đặc biệt chú ý đến các vấn đề và thách thức trong việc đạt được sự phát triển bền vững đối với các nước đang phát triển, bao gồm cả các quốc đảo nhỏ.      Mục tiêu 31: Đẩy mạnh thực hiện “3R+ Trả lại" (3R+Return), nghĩa là “giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và trả lại”, ở những nơi hoạt động tái chế khó thực hiện do sự thiếu vắng của các ngành công nghiệp tái chế cũng như quy mô hạn chế của thị trường ở các quốc đảo nhỏ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương.      Mục tiêu 32: Hoàn thành việc xóa bỏ sự tham gia bất hợp pháp của trẻ em trong quản lý chất thải phi chính thức và cải thiện điều kiện làm việc, sinh kế cho người lao động, bao gồm cung cấp bảo hiểm y tế bắt buộc.      Mục tiêu 33: Cân nhắc vấn đề giới trong việc thúc đẩy các hoạt động 3R.      Bên cạnh các mục tiêu 3R bền vững nêu trên, Tuyên bố cũng đưa ra hệ thống các tiêu chí/chỉ thị 3R về giám sát, đánh giá quá trình thực hiện của các quốc gia. Mục đích của hệ thống tiêu chí tổng hợp này là để hướng dẫn cho việc đo lường và giám sát một cách khách quan quá trình thực hiện 3R ở các nước.      Việc tổ chức thành công Diễn đàn 3R khu vực châu Á lần thứ IV có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Từ nay về sau, các hội nghị, diễn đàn quốc tế sẽ còn nhắc đến Tuyên bố Hà Nội 2013 như một định hướng các mục tiêu 3R để hướng tới phát triển bền vững trong khu vực. Tuyên bố cũng sẽ là văn bản quan trọng để chúng ta rà soát, xem xét, đánh giá, xây dựng các mục tiêu về 3R và quản lý chất thải trong công cuộc BVMT thời gian tới.   Nguyễn Trung Thắng, Dương Thị Phương Anh Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Tạp chí Môi trường, số 12/2013
Ý kiến của bạn