Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Số vụ bắt giữ hổ nuôi sinh sản ngày càng gia tăng: Châu Á nên đóng cửa tất cả các trại hổ vào năm 2019

07/02/2017

   Việc nuôi nhốt hổ với mục đích thương mại tại châu Á hiện đang đe dọa tương lai sống còn của những cá thể hổ còn lại ngoài tự nhiên. Vì vậy, Chính phủ các nước được khuyến nghị thông báo lộ trình cụ thể nhằm đóng cửa tất cả các trang trại hổ ở châu lục này trong vòng ba năm tới tại Hội nghị Quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17-18/11/2016.

Việc nuôi nhốt hổ với mục đích thương mại tại châu Á đang đe dọa tương lai sống còn của những cá thể hổ còn lại ngoài tự nhiên

   Theo báo cáo về buôn bán hổ của Mạng lưới Giám sát Buôn bán ĐVHD (TRAFFIC) xuất bản vào tháng 9/2016, khoảng 30% số lượng hổ bị bắt giữ từ năm 2012 - 2015 có nguồn gốc từ các trại nuôi sinh sản. Số lượng hổ có nguồn gốc từ các trại nuôi sinh sản ngày càng gia tăng cho thấy, các trại nuôi sinh sản đang lách luật gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Các trại hổ đã hợp pháp hóa việc buôn bán trái phép bộ phận và sản phẩm làm từ hổ, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với loại hàng này. Phần lớn, các hoạt động này tập trung tại Lào, Thái Lan và Việt Nam.

   Ông Michael Baltzer, người đứng đầu Sáng kiến vì Sự sống của loài hổ của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, các trại nuôi nhốt hổ đang tiếp tay và mở rộng việc buôn bán hổ trái phép, do đó cần đóng cửa tất cả các trại hổ. Bất chấp những nỗ lực trong khu vực để ngăn chặn nạn săn bắt và buôn lậu, báo cáo cập nhật Chỉ còn Da và Xương cho thấy, từ năm 2000 trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 109 cá thể hổ bị giết và buôn bán.

   Tại châu Á hiện có hơn 7.000 trại nuôi hổ, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Lào đã đưa ra thông báo sẽ đóng cửa các trại nuôi hổ. Trong khi đó, Thái Lan bắt đầu điều tra tất cả các trại hổ trên toàn quốc sau khi phát giác vụ việc về xác 40 cá thể hổ con bị cất giữ trong bình tại Đền Hổ đầu năm nay. Thái Lan và Lào đã có dấu hiệu dừng hoạt động nuôi nhốt hổ. Việt Nam cũng cần hành động tương tự và đi đầu trong những nỗ lực cấm nuôi nhốt hổ với mục đích thương mại tại châu Á.

   Ngày 23/11/2016, thế giới đã kỷ niệm 6 năm sự kiện quan trọng mang tính đột phá - Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ tại TP. Xanh-pê-téc-bua (Nga) và đánh dấu nửa chặng đường của chiến dịch Tx2 nhằm nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên vào năm 2022. Khoảng 100 năm trước, thế giới có khoảng 100.000 cá thể hổ trong tự nhiên; năm 2010, con số này chỉ còn là 3.200. Do đó, năm 2010, Chính phủ các nước có hổ hoang dã đã cùng cam kết nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên vào năm 2022, (năm Hổ theo lịch âm). Đây là chương trình tham vọng và quyết đoán nhất từ trước đến nay để phục hồi một loài đơn lẻ.

   Lần đầu tiên trong một thế kỷ, tổng số lượng cá thể hổ trong tự nhiên đã gia tăng thành 3.890 cá thể. Đây là con số được WWF và Diễn đàn Hổ Toàn cầu (GTF) công bố tại cuộc họp về bảo tồn hổ diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 4/2016. Số liệu gia tăng này là do nỗ lực của quốc gia như Ấn Độ, Nga, Nêpan, Bhutan và sự tiến bộ trong việc khảo sát, bảo vệ hổ hiệu quả hơn.

   Hàng thập kỷ truyền thông và hành động để ngăn chặn nạn săn bắt hổ đã thu được một số thành công nhưng nguy cơ chính vẫn hiện hữu,” ông Baltzer nói. “Việc chấm dứt hoạt động nuôi sinh sản hổ có thể giảm sức ép và giúp các cơ quan thực thi pháp luật tập trung xử lý những đối tượng săn bắt và buôn bán hổ hoang dã”. Cùng với kế hoạch đóng cửa các trại hổ, Chính phủ các nước châu Á cũng có thể tiến hành ngay những hành động cụ thể để đảm bảo hổ đang nuôi nhốt không bị buôn bán trái phép trước khi lệnh cấm nuôi nhốt có hiệu lực.

   Tất cả các nước nên hỗ trợ đề xuất của Chính phủ Ấn Độ về việc xây dựng một cơ sở dữ liệu cấp khu vực về các mẫu vân lông hổ để có thể so sánh hình ảnh những cá thể hổ bị bắt giữ với hình ảnh từ máy ảnh cảm biến chụp hổ ngoài tự nhiên và hình ảnh hổ nuôi; tổng hợp bộ chỉ thị phân tử ADN của quần thể hổ tự nhiên và hổ nuôi nhốt tại nước sở tại; thực hiện các chương trình thay đổi hành vi nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ các bộ phận và sản phẩm từ hổn

Phương Ngân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016 

Ý kiến của bạn