Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Nỗi lo từ rác thải nhựa trên đại dương

13/09/2016

   Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Ðại dương, hơn một nửa số rác thải nhựa trong các đại dương trên thế giới đến từ 5 quốc gia châu Á, Trung Quốc, Inđônêxia, Philípin, Việt Nam và Sri Lanka. Có thể thấy, quy mô kinh tế và mức độ tiêu dùng chỉ là một phần yếu tố quyết định mức độ gây ô nhiễm biển. Ðiểm quan trọng nhất ở đây chính là việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải. Dự đoán, lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á sẽ tăng tới 80% trong vòng 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Nếu các quốc gia bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025, giúp giảm tới 45% tổng lượng rác thải toàn cầu.

Rác thải nhựa gây tổn hại cho các hệ sinh thái biển

   Lượng rác thải nhựa trên biển đang ngày càng gia tăng, gây tác hại cho môi trường biển và các loài động vật biển. Do đặc điểm cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo (polystyrene, polyester, polyethylene...), nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm. Những mảnh rác thải nhựa lớn sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm và phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

   Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi. Do các dòng hải lưu, các mảnh (hạt) nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Khi các động vật nuốt phải các mảnh (hạt) nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong. Nhưng đáng lo ngại là những hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ 2 nguồn do rác thải nhựa phân hủy và từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng... có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển. Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và PCB (Polychlorinated biphenyl - trong nhóm các hóa chất hữu cơ khó phân hủy gây ung thư).

   Mới đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) và Đại học Inđônêxia đã thu gom những con cá được bán ở các chợ thuộc vịnh Half Moon và Princeton (bang California, Mỹ) và biển Makassar (Inđônêxia) về để phân tích. Họ phát hiện ra rằng, ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển được lấy mẫu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài động vật biển được lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…).

   Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các loại rác được lấy từ cá ở Inđônêxia là nhựa, trong khi ở Mỹ là các sợi tổng hợp được sử dụng trong ngành dệt may. Sở dĩ có sự khác biệt ở 2 vùng biển trên là do đặc trưng của khu vực và công tác quản lý chất thải nhựa tại mỗi quốc gia.

   Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học California đã tập trung phân tích các loại sợi được sử dụng trong ngành dệt may tại Mỹ và tác động của các loại sợi đó đối với hệ sinh thái biển. Theo đó, mỗi một chiếc áo khoác làm bằng sợi tổng hợp được giặt sạch thì trung bình sẽ sản sinh ra 1,7 gam vi sợi tổng hợp. Những vi sợi tổng hợp theo hệ thống xử lý nước thải của nhà máy dệt thải ra môi trường và trong số đó, khoảng 40% hòa lẫn vào dòng nước thải ra các sông, hồ, đại dương.

   Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường biển khác khi các hải sản biển ăn vào sẽ bị nhiễm độc và chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các hải sản biển đó. Vấn đề cần quan tâm hiện nay đó là việc tích lũy sinh học và khuếch đại sinh học của các hóa chất, hậu quả của chúng đối với sức khỏe con người như thế nào?

   Theo UNEP, tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa ra đại dương gây thiệt hại kinh tế lên đến 13 tỷ USD, đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật biển, làm giảm sút lượng khách du lịch và nhất là tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Vì thế, các nước cần sớm tìm ra giải pháp để quản lý, tái chế rác thải nhựa hiệu quả và người dân cần hiểu rõ những tác hại để tránh vứt rác thải nhựa ra biển.

H. Trần (Theo Mongabay.com)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn