Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Mô hình thành phố không khói: Giải pháp hiệu quả phát triển du lịch bền vững

06/03/2019

     Để phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã xây dựng mô hình “TP không khói” và xem đây là giải pháp hiệu quả vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao vị thế, hình ảnh của TP, cũng như quốc gia, góp phần thu hút khách du lịch.

     London (Anh) là TP đi đầu trên thế giới trong nỗ lực kiến tạo “TP không khói”, với nhiều chính sách quyết liệt. Năm 2008, TP đã trang bị hệ thống camera trên các tuyến đường giao thông để chụp hình các xe tải, xe buýt nhằm kiểm tra các xe này có đạt tiêu tiêu chuẩn phát thải châu Âu hay không, bất kỳ phương tiện nào mà phát hiện vi phạm phải chịu phạt 200 bảng Anh (tương đương 331 USD). Đến năm 2015, TP đã xác định và khoanh vùng 2 “khu vực phát thải thấp” ở trung tâm TP nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. TP quy định xe chạy nhiên liệu diesel trong 2 khu vực trên phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải và trả phí hàng ngày; các công trình xây dựng trong khu vực phải sử dụng thiết bị hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; công ty xây dựng phải kiểm soát bụi và chất thải chặt chẽ trong quá trình xây dựng.

 

Hệ thống xe đạp dành cho khách du lịch tại các cửa nhà ga của TP. Barcelona (Tây Ban Nha)

 

     Để tăng cường giảm ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông ở khu vực trung tâm TP, tháng 10/2017, chính quyền TP. London đã áp dụng một loại thuế mới là T-charge (thuế độc hại) đối với tất cả xe chạy động cơ chạy bằng dầu diesel và xăng đăng ký trước năm 2006. Theo đó, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu là dầu diesel và xăng, được sản xuất trước năm 2006, không đáp ứng tiêu chuẩn “Euro 4” của châu Âu bị áp thuế T-charge, với mức 10 bảng Anh/ngày/1 lần vào nội đô. Để thu phí, khu vực nội đô được khoanh vùng và đặt camera ở cửa ngõ Thủ đô nhằm kiểm soát lưu lượng giao thông từ 7h - 18h của các ngày trong tuần. Camera sẽ tự động theo dõi, chụp biển xe, sau đó, lái xe, chủ xe phải trả tiền trong ngày.

     Cũng giống như London, Pari - Thủ đô hoa lệ của nước Pháp, nơi được mệnh danh là kinh đô ánh sáng đã có nhiều giải pháp nhằm BVMT, thu hút du khách. Tháng 8/2015, Chính phủ Pháp đưa ra quy định về vùng môi trường, trong đó tập trung ưu tiên vào việc hạn chế khí thải từ các phương tiện giao thông. TP đã lắp đặt hệ thống đo lường độ ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trong nội đô, qua đó, điều chỉnh lưu lượng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, TP còn áp dụng hệ thống phân loại phương tiện giao thông với 5 cấp độ khác nhau về tác động môi trường; ban hành lệnh cấm xe ô tô đi vào các quận trung tâm dịp cuối tuần, cấm xe theo ngày chẵn, lẻ và tăng cường xe bus, đặc biệt là xe đạp điện tự phục vụ. Để khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Pari đã thực hiện chương trình trợ giá, hoặc miễn phí đối với các đối tượng trong gia đình đông con, sinh viên, người hưu trí sử dụng phương tiện công cộng.

     Với nỗ lực đem lại môi trường trong lành cho người dân và khách du lịch, một số TP trên thế giới đã sửa chữa, biến các tuyến đường giao thông thành công viên công cộng, để giảm thiểu lưu lượng phương tiện giao thông và cải thiện chất lượng không khí, trong đó có TP. Seoul (Hàn Quốc). Năm 1976, tại Seoul, tuyến cao tốc trên cao dài 6 km đã được xây dựng, với hy vọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhưng đến năm 2003, Thị trưởng TP. Seoul đã quyết định phá bỏ đường cao tốc trên để xây dựng một công viên xanh, thân thiện với môi trường và khôi phục dòng sông Cheonggyecheon từng bị vùi lấp trong quá trình xây dựng đường. Dự án này đã cung cấp thêm không gian xanh và đường thủy nội đô nhân tạo, cải thiện luồng giao thông, góp phần nâng cao hình ảnh của Seoul và giúp quảng bá du lịch. Không chỉ Seoul, chính quyền TP. New York (Mỹ) cũng đã có hành động tương tự trong nỗ lực kiến tạo một “TP khói” khi khôi phục thành công nhiều con sông tại Seattle.

     Để cải thiện tình trạng các dịch vụ du lịch gây tác động xấu đến môi trường, nhiều TP như Stốckhôm (Thụy Điển), Barcelona (Tây Ba Nha), Rio de Janeiro (Braxin)… đã nỗ lực xây dựng hình ảnh TP thân thiện với môi trường thông qua việc sử dụng xe đạp là loại phương tiện chính dành cho khách du lịch. Với chính sách rõ ràng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe đạp, Barcelona được đánh giá là một trong những TP thực hiện thành công phong trào du lịch xanh bằng xe đạp. Từ năm 2007 đến nay, TP đã bắt đầu đầu tư hệ thống xe đạp chung với tên gọi là “Bicing”, cung cấp 6.000 xe đạp đồng nhất 2 màu trắng, đỏ tại 420 nhà ga trên khắp TP. Barcelona giờ đây đã trở nên sạch, đẹp hơn bởi người dân và du khách đều lựa chọn xe đạp làm phương tiện chính đi quanh TP.

 

Công viên xanh bao quanh dòng sông Cheonggyecheon ở TP. Seoul (Hàn Quốc) 

 

     Tại Rio de Janeiro (Braxin), xe đạp cũng là loại hình di chuyển chính của người dân và du khách dạo chơi quanh TP biển xinh đẹp này. Du khách sẽ tìm thấy làn đường dành riêng cho xe đạp quanh những bãi biển và có thể thuê tại các cửa hàng trong TP. Rio de Janeiro, có khoảng 60 cửa hàng cho thuê xe đạp để thuận tiện cho du khách sử dụng.

     Cũng là một TP ở Braxin, nhưng tại Curitiba, phương tiện vận chuyển chủ yếu trong TP lại là hệ thống xe bus siêu nhanh. Curitiba là một trong những TP xanh nhất trên thế giới, với 16 công viên, 14 khu rừng, hơn 1.000 khu vực trồng cây và thảm thực vật. Trung tâm TP hoàn toàn cấm xe ô tô đi lại và TP còn phát triển mạng lưới giao thông dưới lòng đất. Mặc dù được đánh giá là một TP giàu có với tỷ lệ người sở hữu ô tô riêng cao nhất tại Braxin, nhưng số người sử dụng giao thông công cộng tại Curitiba lại chiếm tới 70%. Nhờ đó, tắc nghẽn giao thông ở TP được hạn chế, giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và cải thiện chất lượng không khí. Nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, Curitiba đã phát triển các mảng xanh và cơ sở hạ tầng, tiện nghi vui chơi giải trí trong TP, gồm công viên, một số tuyến đường dành cho người sử dụng xe đạp. Mặt khác, do địa hình Curitiba được bao bọc bởi nhiều con sông nên TP đã kiểm soát lũ lụt bằng hệ thống thoát nước tự nhiên. Các khu vực bờ sông được chuyển đổi thành công viên, các hồ chứa được xây dựng làm nơi chứa nước. Sông và nước mưa được giữ lại trong các hồ, công viên bao quanh hồ. Nhờ những giải pháp trên, hình ảnh TP. Curitiba ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp trong mắt khách du lịch, tạo sức hấp dẫn riêng cho du khách đến khu vực châu Mỹ.

     Nhìn chung, việc phát triển du lịch bền vững song hành với BVMT đang là bài toán đặt ra cho nhiều TP trên thế giới. Lựa chọn một hướng đi mới như mô hình “TP không khói” của các TP trên là một giải pháp thiết thực, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết được bài toán này, kèm theo đó là các chính sách phát triển dịch vụ du lịch hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hút du khách đến với TP và quảng bá hình ảnh của các TP ra thế giới.

 

Nguyễn Thanh Nga

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

Ý kiến của bạn