Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Mô hình làng nông nghiệp xanh của Rwanda

26/07/2016

     Trong bối cảnh tài nguyên dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế xanh (KTX) là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn đề trên. Để xây dựng KTX, Rwanda đã có nhiều giải pháp và bước đầu đã đạt được hiệu quả. Minh chứng rõ nét nhất là việc đưa ngôi làng Rubaya thoát nghèo bền vững bằng cách ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp.

     Tại Rwanda, nông nghiệp đóng vai trò lớn trong nền kinh tế của đất nước, tạo ra 80% việc làm, đáp ứng 90% nhu cầu lương thực quốc gia và đóng góp trên 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, nền nông nghiệp của Rwanda đang phải gánh chịu những áp lực lớn do tình trạng thiếu nước; suy thoái, ô nhiễm đất, dân số gia tăng, khai thác, sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên và hiện tượng biến đổi khí hậu phức tạp, đe dọa đến cuộc sống người dân. Những thách thức đó đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Rwanda, ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân nghèo, dễ tổn thương và gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

 

Dân làng Rubaya thoát khỏi đói nghèo nhờ thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch

 

     Từ năm 2005, Chương trình Sáng kiến ​​Đói nghèo - Môi trường (PEI) của UNEP và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Chính phủ Rwanda giải quyết những thách thức trên và tăng cường các biện pháp quản lý môi trường hiệu quả nhằm giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Bước đầu tiên trong Kế hoạch giảm nghèo và cải thiện môi trường của Rwanda là tiến hành nghiên cứu "phân tích kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường ở Rwanda", để đưa ra được số liệu cụ thể về chi phí do suy thoái môi trường. Các phân tích cho thấy, tình trạng môi trường xấu đi đã làm cho hiện tượng nghèo đói gia tăng, sinh kế của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và ngân sách y tế của địa phương được “thổi phồng” lên. Ước tính, mỗi năm, lượng đất bị xói mòn là 15 triệu tấn, ngân sách nhà nước dành cho việc xử lý chiếm đến 2% GDP, tương đương với số tiền dùng để nuôi 40, 000 người/năm.

     Dựa vào nghiên cứu đó, Chính phủ Rwanda đã đưa ra chính sách thích hợp, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, giảm đói nghèo, vừa giải quyết được tình trạng thoái hóa đất, thúc đẩy hoạt động nông nghiệp bền vững, trong đó vai trò chủ chốt là người dân địa phương. Điều này được thể hiện qua câu chuyện của ngôi làng Rubaya dưới đây.

     Nằm ở phía Bắc của Rwanda, làng Rubaya cũng từng xảy ra tình trạng thoái hóa đất nghiêm trọng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng địa phương, đẩy họ vào cảnh đói nghèo. Nhưng nhờ Chiến lược giảm nghèo và cải thiện môi trường của đất nước, làng Rubaya đã có sự thay đổi tích cực, sinh kế người dân được ổn định. Từ một ngôi làng nghèo đói, đời sống người dân cơ cực đến nay, Rubaya đã trở thành một mô hình thành công về xóa đói giảm nghèo cho các địa phương khác học theo. Vậy làng Rubaya đã làm như thế nào?

     Năm 2009, Cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda (REMA) có sáng kiến đưa làng Rubaya trở thành một mô hình phát triển bền vững vì người nghèo, thông qua việc áp dụng công nghệ “sạch” vào sản xuất nông nghiệp bao gồm: hệ thống thu nước mưa; sử dụng dư lượng khí sinh học làm phân bón; trồng cây để chống biến đổi khí hậu; làm ruộng bậc thang… Nhờ những giải pháp đó, năng suất nông nghiệp của dân làng Rubaya gia tăng, không những đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương, mà còn cung cấp được lương thực cho các nơi khác, tạo thêm nguồn thu cho các xã viên trong làng đến 26.000 USD/năm. Ngoài ra, hoạt động thu gom nước mưa và áp dụng khí sinh học cũng giúp dân làng có thêm nước sạch, năng lượng, phục vụ cho cuộc sống. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, phụ nữ và trẻ em trong làng không phải đi xa để lấy nước và kiếm củi, trẻ em có thêm thời gian để đi học.

     Mới đây, mô hình làng Rubaya đã được giới thiệu tại Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) diễn ra ở Nairobi (Kenya). Theo đó, việc triển khai các dự án KTX như mô hình làng Rubaya sẽ giúp tìm ra được phương pháp tiếp cận tích hợp được các yếu tố như giải quyết vấn đề môi trường, kinh tế, y tế và bất bình đẳng (Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030). Theo bà Muhawenimana Solange, Chủ tịch Hợp tác xã Rubaya, kể từ khi làng Rubaya tiến hành sản xuất nông nghiệp theo cách thức bền vững trên, người dân làng được tiếp nhận các loại cây trồng có năng suất hơn, cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Bà Muhawenimana Solange hào hứng chia sẻ, trước đây, dân làng Rubaya rất nghèo, cuộc sống cơ cực, vất vả, nhưng giờ dân làng đã có điều kiện sống tốt hơn. Mô hình làng Rubaya cần được nhân rộng cho nhiều địa phương khác của Rwanda, để thực hiện chiến lược KTX, vì một cuộc sống thịnh vượng và phát triển bền vững.

     Bài học kinh nghiệm của Rwanda trong việc chuyển đổi sang nền KTX, với những chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương sẽ là mô hình cho các quốc gia khác áp dụng nhằm đem lại sự thay đổi tích cực trên thế giới.

 

P. Tâm (Theo UNEP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)

 

Ý kiến của bạn