Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Kinh nghiệm tái chế chất thải y tế trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam

05/11/2018

     Tái chế là hoạt động thu hồi lại từ chất thải các thành phần có thể sử dụng để chế biến thành những sản phẩm mới, sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Việc tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, thu hồi các loại nguyên liệu như nhựa, giấy, kim loại… nhằm tránh lãng phí tài nguyên và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

     Kinh nghiệm của thế giới về tái chế chất thải y tế (CTYT)

      Hiện nay, các nước trên thế giới khuyến khích việc giảm thiểu và tái chế CTYT. Nhiều quốc gia đã áp dụng và triển khai các chương tái chế CTYT như:

     Chương trình tái chế làm giảm chi phí loại bỏ rác của Trung tâm Y tế Newcomb, Vineland, Mỹ1

     Từ cuối những năm 1991, Trung tâm Y tế Newcomb ở Vineland - nơi có 235 giường bệnh đã bắt đầu tái chế bìa cứng - thứ chiếm thể tích lớn nhất trong số các loại rác. Khoảng 1.500 bảng bìa cứng đã được thu gom và tái chế mỗi tuần. Các công nhân đã cắt nhỏ chúng trước khi được các công ty tái chế mang đi. Do chi phí phải trả cho việc chôn rác ngày càng tăng đã thuyết phục những người quản lý bệnh viện quan tâm đến khả năng tái chế.Trong một vài năm trở lại đây, Trung tâm Y tế Newcomb đã tái chế giấy photocopy, phim chụp bằng tia X và bạc từ quá trình xử lý phim. Để đơn giản hóa việc tái chế các lon nước, bìa cứng và vật liệu khác, Trung tâm đã mua máynghiền để nghiền các vật liệu. Các máy nghiền có giá từ 8.000 - 10.000 USD, nhưng làm cho sản phẩm tái chế trở nên dễ vận chuyển hơn.

     Việc vứt bỏ rác không hoàn toàn được loại trừ bởi những người đến khám bệnh, nhưng giảm việc sử dụng của họ đến 85% sẽ tiết kiệm được khoảng 23.000 USD mỗi năm dùng để mua sản phẩm và giảm chi phí phải trả cho các bãi chôn lấp rác. Ngoài ra, Trung tâm cũng tái sử dụng lại mặt trái của giấy photocopy và chỉ có những báo cáo không mang tính bí mật mới được tái sử dụng. Giấy sau khi được sử dụng 2 lần sẽ được chuyển tới một công ty tái chế khác.

     Tái chế thủy tinh  - Khảo sát Trường Đại học Y ở Pennsylvania (Mỹ)2

     Từ tháng 11/2002 đến tháng 4/2003, tại Trường Đại học Y ở Pennsylvania,các chai thủy tinh thải ra trong quá trình gây mê theo vùng được yêu cầu thu gom để tái chế. Các loại chai được thu gom bao gồm chai đựng thuốc gây mê theo vùng (30cc), sodium bicarbonate (50cc), ropivacaine (100cc) và chai đựng thuốc kháng sinh (10cc). Các ống thuốc tiêm không được tái chế do những ống này có chất lượng thủy tinh khác nhau và sẽ làm nhiễm bẩn thủy tinh được tái chế. Những chai có nắp bằng kim loại và nhãn thì phải loại bỏ nắp và nhãn trước khi tái chế. Sau quá trình thu gom và loại bỏ, thủy tinh sẽ được cân và tái chế.

     Lượng thủy tinh trung bình mỗi tháng cần xử lý là 19,37 kg. Chi phí phải trả cho việc mang các chai thủy tinh đi chôn lấp là 0,46 USD/kg. Thay vì vứt các chai thủy tinh vào thùng chuyên dụng để mang đi chôn lấp, thì các chai thủy tinh được mang đi tái chế mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 8,95 USD. Hơn nữa, tái chế thủy tinh còn là biện pháp tốt để BVMT. Năng lượng được sử dụng trong quá trình tái chế sẽ ít hơn quá trình tạo ra thủy tinh mới. Đồng thời, quá trình này cũng không cần nguyên liệu mới. Do vậy, tái chế thủy tinh không chỉ là biện pháp tốt cho môi trường thông qua việc làm giảm lượng rác thải, mà còn tiết kiệm được chi phí cho các bệnh viện.

     Tái sử dụng những thiết bị y tế sử dụng một lần đã khử trùng tại chỗ ở Ôxtrâylia3

     Năm 1994, tại Ôxtrâylia đã có một nghiên cứu về việc tái sử dụng các thiết bị y tế khử trùng tại chỗ được dán nhãn “chỉ sử dụng một lần”. Nghiên cứu này được thực hiện ở tất cả các bệnh viện Ôxtrâylia (419 bệnh viện).Theo đó, các thiết bị y tế có thể tái sử dụng bao gồm: thiết bị phẫu thuật thông thường (bút điện nhiệt và các dụng cụ khác); phẫu thuật nội soi (kéo, kẹp forcep…); thiết bị liên quan đến bệnh dạ dày, ruột – soi mật tụy ngược dòng (ống thông dò, bình que nang); hình ảnh (dụng cụ chụp X-quang); thiết bị liên quan đến bệnh tim (ống thông tim, điện cực nhịp tim)…Các thiết bị này được làm sạch và khử trùng trước khi tái sử dụng. Việc làm sạch theo cơ chế vật lý có thể loại bỏ tất cả các màng sinh học, nội độc tố và các chất hóa học còn lại trong các thiết bị y tế. Quá trình làm sạch đòi hỏi phải sử dụng sóng siêu âm hoặc sử dụng chổi, chất tẩy rửa và enzyme phân giải prôtêin.

 

Người nhà bệnh nhân được hướng dẫn phân loại rác thải tái chế

 

     Lý do được đưa ra cho việc tái sử dụng là tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên các bệnh viện ở Ôxtrâylia cũng thừa nhận rằng nguy cơ cho sự truyền nhiễm là 1/500. Việc tái sử dụng các thiết bị y tế có nhãn “chỉ sử dụng một lần” là phổ biến ở các bệnh viện Ôxtrâylia, nhưng nếu các bệnh viện không làm sạch và khử trùng cẩn thận thì chi phí phải trả cho việc ngăn ngừa mỗi ca mắc bệnh truyền nhiễm là 2,5 triệu USD.

     Thực trạng ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp

     Ở Việt Nam hiện nay, tại nhiều bệnh viện, CSYT, CTYT thông thường có khả năng tái chế đã được bán cho các đơn vị có tư cách pháp nhân để tái chế thành các đồ dùng sinh hoạt. Do dây truyền dịch, các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại (dung dịch NaCl 0,9%, glucose…) đều được sản xuất từ hàng nhựa HD 100%, nên chất lượng nhựa thuộc loại rất tốt, có thể dùng để tái chế thành các mặt hàng yêu cầu phải sử dụng nhựa đồ dùng sinh hoạt. Việc tái sử dụng CTYT không nguy hại vừa hạn chế được việc thiêu đốt gây ô nhiễm môi trường, vừa là nguồn thu để tái đầu tư cho xử lý chất thải. Ước tính, trung bình mỗi ngày tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội thải ra 4-5 tấn rác thải y tế, nếu được phân loại và xử lý đúng cách thì việc tái chế khối lượng rác thải y tế này sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ. Tuy nhiên, rác thải y tế muốn đưa vào để tái chế thành các vật dụng khác, thì trước khi đưa ra khỏi bệnh viện phải được xử lý tốt về vấn đề vi khuẩn, cũng như vấn đề hóa lý, để không ảnh hưởng tới môi trường và đặc biệt là những người làm công tác tái chế.

     Trên thực tế, không phải tất cả rác thải y tế đều là nguy hại. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, thì 85% rác thải y tế không lây nhiễm, 10% lây nhiễm và 5% lây nhiễm nhưng độc hại. Rác sinh hoạt có xuất xứ từ vật dụng thông thường và chuyên môn như các giấy tờ, chai nhựa, chai thủy tinh đựng glucose, nước muối sinh lý, ống tiêm, dây truyền dịch không dính máu… là những loại rác sạch, có thể tái chế làm đồ gia dụng.

     Tại Điều 10 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT do liên Bộ Y tế và Bộ TN&MT có quy định rõ về quản lý CTYT thông thường phục vụ mục đích tái chế. Theo đó, chỉ được phép tái chế CTYT thông thường và chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Không được sử dụng vật liệu tái chế từ CTYT để sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm; Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như CTYT thông thường. Khi chuyển giao chất thải để phục vụ mục đích tái chế, CSYT phải thực hiện các quy định: Bao bì lưu chứa chất thải phải được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định;Ghi đầy đủ thông tin vào Sổ bàn giao chất thải phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định.

     Theo đó, chất thải được tái chế trong các CSYT bao gồm: Chất thải là vật liệu giấy (Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy không chứa yếu tố lây nhiễm hoặc đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại); Chất thải là vật liệu nhựa (Các chai nhựa đựng thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố lây nhiễm; Các chai, lon nước giải khát bằng nhựa và các đồ nhựa sử dụng trong sinh hoạt khác không thải ra từ các phòng điều trị cách ly; Các chai nhựa, dây truyền, bơm tiêm không bao gồm đầu sắc nhọn và không chứa yếu tố lây nhiễm); Chất thải là vật liệu thủy tinh (các chai, lọ thủy tinh thải bỏ chứa đựng các loại thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất).

     Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí dành cho việc tiêu hủy, các CSYT cần tập huấn, đào tạo một cách bài bản, trang bị cho các nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh những kiến thức về phân loại chất thải. Bên cạnh đó, các CSYT cần nắm được các phương pháp xử lý, khử trùng chất thải thành những dạng không nguy hại, cô lập chất thải để không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người; tuân thủ đúng các quy định pháp luật về BVMT như hồ sơ pháp nhân, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, lãnh đạo các bệnh viện/cơ sở y tễ cũng cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý CTYT, BVMT trong các CSYT.

 

Nguyễn Phương

Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

     Tài liệu tham khảo:

     1 Deborah A.Teschke, 1991, Chương trình tái chế làm giảm chi phí xử lý rác thải bệnh viện (Recycling program reduces hospital’s disposal costs) - Newcomb Medical  Center, Vineland, NJ.

     2  R.R.Gaiser*, T.G.Cheek and B.B.Gutsche, 2003, Tái chế thủy tinh là yếu tố thân thiện môi trường và kinh tế (Glass recycling in the labour suite is environmentally sound and economical), Pennsylvania Health System University.

     3 Peter J Collignon Elaine Graham and Dianne E Dreimanis, 1994, Tái sử dụng những trang thiết bị đã sử dụng và được tiệt trùng - Có phổ biến ở Australia không?

 

 

Ý kiến của bạn