Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động nhận chìm ở biển

07/02/2017

   Các quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế cũng như gia nhập, phê chuẩn các điều ước quốc tế về kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển như Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác năm 1972 (Công ước Luân Đôn 1972), Nghị định thư 1996 của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác (Nghị định thư 1996).

   Thực trạng hoạt động nhận chìm ở biển trên thế giới

   Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một lượng lớn vật, chất được cấp phép cho nhận chìm ở biển theo quy định của Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996. Đó là vật liệu nạo vét, các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, bùn thải, chất thải từ thủy sản và các hoạt động chế biến thủy sản, tàu thuyền, giàn nổi... Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2016, vật liệu nạo vét chiếm khoảng 80-90% các vật, chất được phép nhận chìm, với khoảng 250-500 triệu tấn được cấp phép nhận chìm ở biển hàng năm.

   Theo Báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế, năm 2013, một số nước ở châu Âu có khối lượng nhận chìm vật liệu nạo vét lớn như Bỉ (khoảng 20-50 triệu tấn/năm), Pháp, Hà Lan (khoảng 20 triệu tấn/năm). Ở châu Á, Trung Quốc là một trong những nước rất tích cực nhận chìm vật chất xuống biển. Năm 2013, Trung Quốc đã cho phép nhận chìm khoảng 126,3 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển Hoa Đông; 38,4 triệu tấn xuống biển Đông và khoảng 44,3 triệu tấn xuống các vùng biển khác. Đối với châu Đại Dương, Ôxtrâylia cũng là nước nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng hơn 14 triệu tấn (năm 2013). Tại châu Mỹ, Mỹ cũng là nước nhận chìm vật, chất xuống biển với khối lượng khoảng 27 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển; Canada có khoảng 3-4 triệu tấn vật liệu được nhận chìm ở biển; Braxin khoảng 19,7 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển.

   Ngoài vật liệu nạo vét, một số nước vẫn cho phép nhận chìm chất trơ và chất thải từ chế biến thủy sản xuống biển. Năm 2014, Na Uy cho phép khoảng 3,1 triệu tấn chất trơ được nhận chìm xuống biển. Năm 2013, Vương Quốc Anh cho phép khoảng 1.200 tấn chất thải từ thủy sản và hoạt động chế biến thủy sản được nhận chìm xuống biển.

   Như vậy, có thể thấy, nhu cầu và thực trạng nhận chìm vật, chất xuống biển tại các quốc gia trên thế giới là rất lớn, do vậy, cần có giải pháp quản lý phù hợp để đảm bảo việc nhận chìm không gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường biển nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động nhận chìm vật liệu nạo vét ở châu Âu

   Kinh nghiệm về quản lý hoạt động nhận chìm của một số quốc gia

   Ôxtrâylia

   Sau khi phê chuẩn Nghị định thư 1996, Ôxtrâylia đã xây dựng và sửa đổi Luật BVMT vào năm 2000. Luật quy định các vật, chất được nhận chìm phù hợp với quy định của Công ước Luân đôn 1972 và Nghị định thư năm 1996. Ôxtrâylia cũng là nước có quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép nhận chìm cho từng loại vật, chất xin phép nhận chìm. Theo đó, đơn xin phép nhận chìm ở biển phải trình bày thông tin chi tiết về tổ chức, cá nhân xin phép nhận chìm; khối lượng vật, chất xin được nhận chìm; đặc tính (vật lý, hóa học, sinh học, độc tính) của vật, chất xin phép nhận chìm; thông tin về khu vực nhận chìm; quy trình nhận chìm và đánh giá tác động của nhận chìm đến môi trường; quan trắc, giám sát hoạt động nhận chìm... Bên cạnh đó, Ôxtrâylia cũng xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để đánh giá vật, chất xin phép nhận chìm như hướng dẫn đánh giá đối với vật liệu nạo vét, chất thải của thủy sản và các loại vật chất khác.

   Các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin phép nhận chìm phải gửi Kế hoạch lấy mẫu và phân tích mẫu đến Cơ quan BVMT Ôxtrâylia (thuộc Bộ Năng lượng và Môi trường) phê duyệt trước khi tiến hành các hoạt động tiếp theo. Ôxtrâylia cũng quy định chặt chẽ các khu vực nhận chìm, đặc biệt các khu vực dành cho nhận chìm tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn như: Nhấn chìm ở độ sâu tối thiểu 2.000 m, bên ngoài 50 hải lý và cách các khu vực có giá trị lịch sử, đường ống, cáp ngầm ít nhất là 20 hải lý...

   Niu-Di-Lân

   Trên cơ sở Công ước Luân đôn 1972 và Nghị định thư 1996, Niu-Di-Lân đã xây dựng và ban hành quy định cụ thể về quản lý hoạt động nhận chìm ở biển, đặc biệt là Đạo luật về vùng đặc quyền kinh tế và xả thải, nhận chìm. Hiện tại, Niu-Di-Lân có 11 khu vực quy hoạch cho nhận chìm và các dự án chỉ được thực hiện trong các khu vực này. Nếu dự án nhận chìm trong vòng 12 hải lý, chính quyền địa phương sẽ cấp giấy phép. Ngoài 12 hải lý, Cơ quan BVMT quốc gia sẽ cấp giấy phép và giám sát hoạt động nhận chìm. Niu-Di-Lân cũng xây dựng các hướng dẫn đánh giá vật, chất xin phép nhận chìm như vật liệu nạo vét, chất thải từ thủy sản, chế biến thủy sản và các vật, chất khác. Năm 2013, Niu-Di-Lân đã cấp 2 giấy phép cho nhận chìm vật liệu nạo vét, 1 giấy phép cho các công trình nhân tạo ở biển và 1 giấy phép đối với vật chất vô cơ có nguồn gốc tự nhiên.

   Trung Quốc

   Căn cứ theo Điều 153 Luật cơ bản của Trung Quốc, Chính phủ đã mở rộng phạm vi áp dụng Nghị định thư 1996 cho Hồng Công và có hiệu lực từ ngày 29/10/2006.

   Kể từ khi gia nhập Nghị định thư 1996, Trung Quốc đã sửa đổi luật pháp để phù hợp với các quy định của Nghị định thư như Luật BVMT biển; quy định về quản lý nhận chìm chất thải ở biển; quy định về quản lý, ngăn ngừa ô nhiễm gây ra bởi các công trình xây dựng ở biển…

   Trung Quốc cũng quy hoạch các khu vực nhận chìm và các hoạt động nhận chìm chỉ được thực hiện tại các vị trí đã được quy hoạch. Năm 2010, Trung Quốc có 52 khu vực nhận chìm, trong đó có 5 khu vực nhận chìm tại biển Đông. Năm 2013, Trung Quốc đã cấp 343 giấy phép cho nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng nhận chìm là khoảng 208 triệu m3. Cơ quan Quản lý đại dương Trung quốc có trách nhiệm cấp phép và giám sát việc nhận chìm vật, chất ở biển.

   Philipin

   Philipin là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập và phê chuẩn Công ước Luân đôn 1972 và Nghị định thư 1996. Trên cơ sở đó, năm 2014, Philipin đã xây dựng và ban hành Thông tư quy định chi tiết các hướng dẫn về trình tự, thủ tục nhận chìm trên vùng biển.

   Theo đó, đơn xin phép nhận chìm ở biển, đại dương đòi hỏi phải trình bày chi tiết các thông tin như đặc tính (vật lý, hóa học, sinh học) vật liệu xin phép nhận chìm; đặc tính của khu vực nhận chìm và phương pháp nhận chìm, đánh giá các tác động của hoạt động nhận chìm; các lựa chọn khác về xử lý vật, chất nếu như hoạt động nhận chìm không được cấp phép, cũng như việc quan trắc, giám sát hoạt động nhận chìm.

   Ngoài ra, Philipin cũng đã quy định chi tiết khu vực được phép nhận chìm. Hiện tại, Philipin có 8 khu vực quy hoạch cho nhận chìm. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philipin là cơ quan cấp giấy phép cũng như giám sát, quản lý hoạt động nhận chìm.

   Như vậy, các quốc gia trên thế giới đều chú trọng công tác quản lý hoạt động nhận chìm ở biển. Kinh nghiệm của những quốc gia này rất đáng cho Việt Nam tham khảo do nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế phục vụ quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.

TS. Đào Văn Hiền, Đỗ Văn Sen

Cục Kiểm soát Tài nguyên và BVMT biển, hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn