Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Kinh nghiệm ngăn ngừa và kiểm soát nguồn nước của Mỹ

01/07/2014

     Hiện nay, các nguồn nước mặt của Mỹ bao gồm các sông, suối, hồ ao, đất ngập nước và các vùng biển duyên hải được bảo vệ và quản lý bằng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) năm 1972 (Luật Nước sạch).

     Lịch sử ra đời của Luật Nước sạch

     Luật Nước sạch (LNS) được đánh giá là một trong những Luật hiệu quả trong hệ thống Luật về các thành phần môi trường của Mỹ. Trước khi LNS ra đời năm 1972, nước Mỹ đã có một số Luật liên quan tới KSONN. Đầu tiên là Luật Sông và Cảng biển được ban hành năm 1899. Đây được coi là luật môi trường sớm nhất ở Mỹ. Luật chủ yếu xử phạt hoạt động xả rác trên các dòng sông và biển nơi có tàu thuyền qua lại. Luật xử phạt các hoạt động phạm pháp về khai thác, chứa nước hoặc các hoạt động làm thay đổi điều kiện, năng lực của cảng, bến đỗ hay dòng nước.

 

Sông Cuyahoga 50 năm trước

 

     Ngày 30/6/1948, LNS ra đời cho phép Cơ quan Y tế công cộng hợp tác với các cơ quan khác chuẩn bị chương trình tổng thể nhằm hạn chế hoặc loại bỏ ô nhiễm nước tại các nguồn nước đồng sở hữu giữa các bang, bộ lạc và nâng cao điều kiện vệ sinh cho các nguồn nước mặt và nước ngầm. Theo Luật này, Bộ trưởng Bộ Các công trình Phúc lợi liên bang chịu trách nhiệm giúp các bang, đô thị và các cơ quan liên ngành trong việc xây dựng hệ thống xử lý ngăn ngừa nước cống rãnh chưa xử lý được thải ra môi trường. Năm 1956, Luật được mở rộng nâng cao quyền lực của nhà nước liên bang trong việc KSONN thông qua xây dựng chương trình trợ giá cho hệ thống xử lý nước thải đô thị và nâng cao quyền lực của đơn vị thực thi đối với những người gây ô nhiễm.

     Tuy nhiên, ngày 22/6/1969, vụ việc sông Cuyahogua bị ô nhiễm tới mức bị bốc cháy gây thiệt hại hơn 1 triệu USD cho tàu thuyền và một tòa nhà văn phòng bờ sông. Do đó, cần có một bộ Luật hữu hiệu và mạnh mẽ KSONN mới. Tạp chí Time đã mô tả sông Cuyahoga như một con sông "bùn chứ không phải là dòng chảy" ở trong đó người sẽ "không bị chết đuối mà là bị phân huỷ".  Sự kiện đã thu hút toàn bộ các kênh truyền thông trên toàn nước Mỹ.

 

Dòng sông Cuyahoga ngày nay

 

     Có thể nói, đám cháy năm 1969 trên sông Cuyahoga đã thúc đẩy một trận “nở tuyết” của các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng nước sông và các chương trình KSONN trên toàn lưu vực sông. LNS được các nhóm hoạt động môi trường, doanh nghiệp, nhà lập pháp và nhà công nghệ… xây dựng với sự dẫn đầu của Thượng Nghị sĩ Edmund Muskie. Ở Mỹ, ông còn có tên gọi là “Mr. Clean”, vì ông là người đã có công lớn trong việc vận động thông qua LNS năm 1972.

     Một yếu tố quan trọng là thời điểm này, Cục BVMT Mỹ (EPA) được thành lập. EPA đã hỗ trợ trong việc chuẩn bị Luật. Từ đó, LNS được điều chỉnh một số điểm để phù hợp với thực tế, nhưng về cơ bản, khung và các điều khoản chính vẫn như năm 1972.

     Nội dung LNS của Mỹ (bản được bổ sung tháng 11/2002)

     Luật bao gồm 234 trang, 6 đề mục, 94 điều, 607 khoản. Với mục tiêu, mọi nguồn nước phải an toàn cho đánh bắt cá và bơi lội vào năm 1983; Mọi nguồn ô nhiễm phải bị loại bỏ vào năm 1985. Về cấu trúc, Luật có 6 đề mục:

     Đề mục 1: Nghiên cứu và các chương trình liên quan

    Giới thiệu mục tiêu và 7 chính sách cũng như các trách nhiệm về tài chính cho các chương trình nghiên cứu và các chương trình kiểm soát ô nhiễm tại các điểm, lưu vực nước cụ thể.

     Đề mục 2: Tài trợ cho các công trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải công

    Bao gồm các khoản nhằm hỗ trợ các đô thị xây dựng hệ thống xử lý nước cống rãnh được biết đến dưới chương trình “Các công trình xử lý nước thải công cộng (POTW). Tới năm 1987, chương trình này đổi tên thành “Quỹ quay vòng nước sạch cấp bang”.

     Đề mục 3: Tiêu chuẩn và thực thi

     Bao gồm các yêu cầu về giấy phép xả thải, các chương trình tiêu chuẩn dựa trên cơ sở công  nghệ, nhà máy xử lý nước thải đô thị phải có tiêu chuẩn xử lý nước thải thứ cấp, hướng dẫn về dòng thải, tiêu chuẩn về các nguồn thải mới, tiêu chuẩn về phí xử lý. Năm 2011, có 27 hạng mục về tiêu chuẩn tiền xử lý, 56 hạng mục hướng dẫn tiêu chuẩn các nguồn xả thải áp dụng cho khoảng 35.000 - 45.0000 các nhà máy xả thải trực tiếp xuống nguồn nước. Qua đó, mỗi năm giảm khoảng 700 tỷ pounds (tương đương với 318 tỷ kg) các chất ô nhiễm.

     Chương trình Tiêu chuẩn chất lượng nước: Các tiêu chuẩn chất lượng nước được xây dựng ở các bang và từng nguồn nước riêng biệt như sông, hồ, suối, đất ngập nước, tùy theo mức độ khả năng bị ô nhiễm và tùy theo chức năng của từng nguồn nước.  Các bang quyết định việc sử dụng các nguồn nước (cấp nước, giải trí, nông nghiệp, thả cá…) mà áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau nhằm bảo vệ các nguồn nước này.

     Kiểm kê chất lượng nước quốc gia: Nhằm có được thông tin đầy đủ về chất lượng nước của sông, hồ, suối, ao, cửa sông, nước biển vùng duyên hải và đất ngập nước… Mỹ đã thông qua Báo cáo chất lượng nước quốc gia.

     Thực thi: EPA có thể đưa ra các lệnh xử phạt hành chính đối với những người vi phạm và có thể kiện những người này ra tòa về các tội danh hình sự nếu cần thiết. Vi phạm lần đầu do sự thiếu cẩn trọng có thể phạt từ 2.500 - 25.000 USD/ngày vi phạm hoặc có thể bị phạt tù tới một năm. Nếu vi phạm lần 2, mức phạt có thể tăng tới 50.000 USD/ngày. Vi phạm nguy hiểm, mức phạt có thể lên tới 250.000 USD/ngày hoặc bị tù tới 15 năm cá nhân, 1.000.000 USD đối với tổ chức.

     Đề mục 4: Phép và giấy phép

     Cấp chứng chỉ tuân thủ cấp tiểu bang: Các bang có quyền cấp chứng chỉ chứng nhận việc xả thải theo mức cho phép của liên bang nếu các mức này không vi phạm tiêu chuẩn nước của bang.

     Chương trình “Hệ thống Loại trừ xả ô nhiễm quốc gia” (NPDES) quy định mức phép mức xả thải theo nguồn điểm: Được thực hiện theo điều 402 LNS. Chương trình quy định giấy phép xả cụ thể theo BOD (nhu cầu ô xy sinh hóa), nếu vượt quá sẽ bị phạt. Các cơ sở sản xuất và xử lý phải có hệ thống giám sát thường xuyên và gửi các báo cáo giám sát tự nguyện cho các cơ quan có thẩm quyền… Tới năm 2001, có khoảng 400.000 giấy phép được cấp (gồm cả giấy phép cho các hệ thống xử lý nước thải công).

     Các ngoại lệ về nạo vét và lấp: Sau khi LNS được thông qua, các câu hỏi xoay quanh việc áp dụng cho nông nghiệp và các hoạt động khác. Năm 1977, sau lần điều chỉnh cho thấy, các hoạt động nông nghiệp và một số hoạt động khác bị đặt nằm ngoài sự quản lý của Luật. Việc đưa ra các ngoại lệ và thay đổi điều chỉnh được Thượng viện thảo luận và điều chỉnh đảm bảo các ngoại lệ được thực hiện đồng thuận với sự tiến bộ và mọi người.

     Đề mục 5: Các điều khoản chung

     Khiếu kiện công dân: Bất kỳ công dân Mỹ nào cũng được quyền kiện người vi phạm các quy định về xả thải hoặc kiện EPA nếu EPA không hoàn thành.

     Đề mục 6: Quỹ Quay vòng KSONN cấp tiểu bang

     Chương trình Quỹ Quay vòng KSONN cấp tiểu bang (CWSRF) được thông qua năm 1987 thay cho chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị. Theo chương trình CWSRF, Ngân sách Liên bang sẽ cung cấp tài chính cho các bang để tạo ra quỹ quay vòng nhằm hỗ trợ tài chính với hình thức tài trợ hoặc cho vay để xây dựng hệ thống xử lý nước thải địa phương, quản lý các nguồn thải ô nhiễm diện và bảo vệ các dòng sông. Quỹ cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, ví dụ lãi suất cho vay trung bình là 2,3% so với lãi suất thương mại là 5% năm 2009. Tới 2009, các Quỹ địa phương đã cho vay 5.2 tỷ USD với 1.971 dự án trong cả nước.

     Một số điểm chính trong LNS của Mỹ trong thời gian 40 năm qua

     Luật ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm điểm đã xác định triệt để (mọi nguồn xả từ một ống cống hoặc từ một rãnh nước thải…) đều được xác định và xử lý, kiểm soát theo Luật. Nước thải (đô thị và công nghiệp) phải được xử lý qua hệ thống xử lý thứ cấp và nếu cần sẽ xử lý tiếp để đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xả vào các nguồn nước mặt sông hồ và mặt biển miền duyên hải. Tiêu chuẩn nước quốc gia do EPA phê chuẩn và phải tuân thủ trên toàn quốc, trừ khi các bang có tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.  Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên nền tảng công nghệ tốt. EPA đã ủy nhiệm cho 46 bang được cấp phép xả thải, các bang còn lại do EPA chịu trách nhiệm. Các hành vi thải là bất hợp pháp nếu không có giấy phép. EPA chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các bang trong việc thực hiện triển khai Luật.

     Tùy theo mục tiêu của nguồn nước mà tiêu chuẩn chất lượng nước được xây dựng trên cơ sở định tính, định lượng và sinh học. Trong LNS, các nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các chương trình đề ra đều được làm rõ về quy mô và nguồn vốn với các thời hạn cụ thể.

     Quan hệ giữa các thành phần chương trình trong LNS và tài chính để thực hiện Luật thể hiện sơ bộ trong sơ đồ sau:

 

 

Bài học kinh nghiệm của LNS của Mỹ

     Luật nhằm giải quyết vấn đề cụ thể: Luật chỉ tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm nước mặt và nước mặt ven biển, các vấn đề hệ lụy liên quan.

     Tính cụ thể: Được thể hiện từ mục tiêu cho tới các chương trình đều có tiêu chí kỹ thuật và thời hạn cụ thể.

     Nguồn tài chính: Mỗi chương trình đều có cơ chế và khoản tài chính kèm theo cụ thể với thời hạn rõ ràng, nêu rõ ngân sách nhà nước Liên bang chịu trách nhiệm hay của tiểu bang.

     Tính chịu trách nhiệm: Trách nhiệm thực hiện các chương trình kèm theo vị trí chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm chính là EPA.

     Tính thực thi: Chức năng quyền hạn và mức phạt đều được ghi cụ thể trong Luật.

     Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ là then chốt: Thúc đẩy sự nghiên cứu để có được các giải pháp công nghệ tốt nhất làm nền tảng cho việc giải quyết vấn đề.

     Tiêu chuẩn xả thải được xây dựng linh hoạt: Dựa vào công nghệ tốt nhất có thể đảm bảo đưa ra là có thể thực hiện được.

     Tiêu chuẩn chất lượng nước: Dựa vào mục tiêu sử dụng nước.

     Năng lực và quyền hạn của cán bộ: Cán bộ có thể ra quyết định xử lý vấn đề nếu có dựa vào Luật này.

     Luật thúc đẩy quản lý dựa theo kết quả và phát huy tối đa tính sáng tạo của mọi người và mọi tổ chức: Chất lượng nước được bảo vệ đúng theo Luật, còn biện pháp quy trình có thể hoàn toàn khác nhau phụ thuộc vào điều kiện nơi đó. Quỹ của các chương trình đều có phần hỗ trợ cho sáng kiến của người dân hoặc các tổ chức dân sự.

     Có thể thực hiện ngay sau khi Luật được thông qua: Luật quy định chi tiết về điều hành nên không cần Nghị định, Thông tư và hướng dẫn mà có thể đưa vào thực hiện ngay.

     Trong thực tế, LNS giống bản kế hoạch. Trong 40 năm qua, LNS đã có những điều chỉnh và thay đổi về ưu tiên, ví dụ khi các nguồn ô nhiễm điểm được giải quyết về cơ bản thì ưu tiên chuyển sang xử lý các nguồn ô nhiễm diện. Nhưng về cơ bản, Luật không có nhiều thay đổi và khung Luật vẫn giữ như lúc xây dựng năm 1972.

 

     Sau hơn 40 năm Luật Nước sạch ra đời, Bộ trưởng Bộ Môi trường Mỹ Gina McCathy đã có những đánh giá về đóng góp của LNS trong việc bảo vệ nguồn nước của Mỹ như sau:“…Các giá trị của chúng ta (người dân Mỹ) được hình thành sâu thẳm từ lúc còn ấu thơ lớn lên bên hồ và sông. Chính các sông hồ đã tạo nên tính cách của dân tộc (Mỹ). Trước năm 1972, tính cách đó đã bị đe dọa. Mức độc hại của các sông lớn tới mức dòng sông Cuahogua đã bốc cháy và hàng triệu người đã lên tiếng đòi sự thay đổi. Thượng viện Mỹ đã phúc đáp bằng việc thông qua Luật. 40 năm qua, Luật đã bảo vệ nguồn nước an toàn để uống và đánh cá, săn bắn, bơi lội và giải trí cho người dân. Luật đã không chỉ bảo vệ những hồ lớn Michigan hay dòng sông dũng cảm Mississipi mà còn bảo vệ được những dòng suối và các vùng đất ngập khắp nơi mà khi nối vào nhau đã tạo ra một mạng sông nước mêng mông. Điều đó cho thấy, việc làm ô nhiễm nước nguy hiểm vì nó tác động lên toàn bộ hệ thống và các sông hồ hạ nguồn phụ thuộc vào nước từ thượng nguồn… Nếu không có LNS ngăn hóa chất độc hại, nước từ cống rãnh và nhiều nguồn ô nhiễm khác, thì chắc chắn sự lành mạnh của cuộc sống người dân sẽ không được như ngày nay”.

 

 

 

Nguyễn Ngọc Lý

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

 

 

Ý kiến của bạn