Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Hiệu quả từ việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác kiểm soát ô nhiễm nước tại Thái Lan

01/07/2014

     Một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay là tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do tình trạng sử dụng và khai thác quá tải, cùng với ô nhiễm nguồn nước đang là thách thức lớn đối các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan. Trong bối cảnh chất lượng nước tại các con sông lớn ngày càng xấu đi, Chính phủ Thái Lan đã có một số giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường nước tại các sông, hồ trên cả nước. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Wilasinee Saktaywin, Phòng Quản lý Chất lượng nước, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên Môi trường Thái Lan về công tác kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) của Thái Lan.

 

Bà Wilasinee Saktaywin - Cục Kiểm soát ô nhiễm,
Bộ Tài nguyên Môi trường Thái Lan

 

     Xin bà cho biết, thực trạng môi trường nước ở Thái Lan hiện nay?

     Ms. Wilasinee Saktaywin: Thái Lan có 25 lưu vực sông và 52 hồ chứa nước. Thời gian qua, cũng như nhiều nước ở châu Á, tình trạng gia tăng dân số, cùng với phát triển kinh tế nhanh, trong khi việc thực thi chính sách pháp luật về BVMT không hiệu quả là những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nước tại Thái Lan. Tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, nuôi trồng thủy sản và làm thiệt hại nền kinh tế của đất nước. Chất lượng nước mặt của các con sông lớn như sông Chao Praya, Thachin, Lam Takhong… ngày càng xấu đi bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của các doanh nghiệp và người dân tại những địa phương nơi có các dòng sông này chảy qua. Kết quả quan trắc môi trường năm 2012 cho thấy, 1/4 nguồn nước tại các sông lớn có chất lượng không đạt tiêu chuẩn về môi trường. Những nguồn nước có chất lượng xấu chủ yếu ở miền Trung, nơi đây tập trung rất đông dân cư. Các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường nước là DO, BOD, coliform, H2S, NH4… do các nguồn thải sản xuất công nghiệp, đô thị và khu dân cư khá cao.

     Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước, Thái Lan đã triển khai những biện pháp gì thưa bà?

     Ms. Wilasinee Saktaywin: Chính phủ Thái Lan đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa và KSONN như xây dựng 350 trạm quan trắc môi trường nước và 101 nhà máy xử lý nước thải tập trung trên phạm vi cả nước, với công suất 3,2 triệu m³/ngày, đêm, tổng chi phí xây dựng khoảng 83 tỷ baht (khoảng gần 54.000 tỷ đồng), đồng thời tiến hành xử lý chất thải nguy hại, quản lý chất thải nông nghiệp, kiểm soát chất thải công nghiệp…

     Đặc biệt, để ngăn ngừa và KSONN, Thái Lan đã ban hành nhiều đạo luật liên quan đến nội dung này ngay từ những năm 1990, trong đó có Luật Tăng cường và Bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia (NEQA 1992). Là đạo luật khung về BVMT, NEQA quy định một số nội dung quan trọng như thành lập Ủy ban Môi trường quốc gia (NEB), Quỹ Môi trường quốc gia; quy định về tổ chức thực hiện và nguồn tài chính cho hoạt động BVMT; quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc BVMT và khuyến khích người dân tham gia vào công tác BVMT; quy định chi tiết về tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường và ĐTM, trong đó xác định rõ thẩm quyền, điều kiện, trình tự thủ tục để áp dụng các công cụ đó... Theo Đạo luật này, Chủ tịch NEB là Thủ tướng, thành viên là các Bộ thuộc Chính phủ. Ủy ban có quyền hoạch định các chiến lược, chính sách quản lý môi trường chung cũng như đưa ra các biện pháp, chương trình xử lý môi trường và phục hồi chất lượng môi trường, trong đó có môi trường nước. Đồng thời, Ủy ban chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chuẩn chất lượng nước và tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Khi Ủy ban phê duyệt bất kỳ một chính sách, kế hoạch về môi trường cụ thể nào thì kèm theo là ngân sách được phân bổ cho kế hoạch đó.

     Có thể nói, NEQA là một đạo luật bao quát nhiều vấn đề và mức độ chi tiết của các quy định rất cao, cụ thể trong quy định liên quan đến KSONN, Luật chỉ rõ các nguồn ô nhiễm nước, các tiêu chuẩn chất lượng nước và tiêu chuẩn xả thải đối với từng nguồn ô nhiễm như nhà máy, KCN, hoạt động xây dựng, trang trại chăn nuôi lợn, trạm xăng... Luật còn đề cập đến các phương pháp quan trắc môi trường nước; xây dựng cơ sở xử lý nước thải cho những nơi đang khủng hoảng về nước; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương… Ngoài ra, Luật NEQA 1992 nhấn mạnh đến việc phải ngăn chặn ô nhiễm từ các nguồn thải, áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Bộ Luật có một chương quy định về trách nhiệm hình sự gồm 14 tội liên quan đến BVMT và hình phạt tương ứng cụ thể. Ngoài Luật NEQA 1992, các quy định liên quan đến KSONN còn được đề cập trong các Luật khác như: Luật Nhà máy; Luật Sức khỏe cộng đồng; Luật Làm sạch cộng đồng; Luật Kiểm soát xây dựng…

     Thêm vào đó, để phục hồi chất lượng nước của các dòng sông, Chính phủ Thái Lan còn thành lập 25 Ủy ban lưu vực sông (LVS) chịu trách nhiệm lập quy hoạch, hình thành các dự án và triển khai kế hoạch phát triển LVS. Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch tổng thể quản lý chất lượng nước cho tất cả 25 LVS ở Thái Lan. Đối với các LVS lớn, Kế hoạch chỉ tập trung vào quản lý nước thải, ưu tiên xây dựng các cơ sở xử lý nước thải trong thành phố và kiểm soát nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp.

     Mặc dù hiện nay, Thái Lan không có quy định nào để điều chỉnh các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn (được gọi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), nhưng Chính phủ đã ban hành một bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để các doanh nghiệp này tuân theo sao cho nước thải của các cơ sở này không gây ô nhiễm môi trường. Bản hướng dẫn này đề cập đến việc áp dụng các công nghệ xử lý đơn giản, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đơn giản như xây một cái ao, bể lắng với chi phí nhỏ như là một hình thức xử lý nước thải từ các cơ sở này ra môi trường. Những công nghệ xử lý đó tuy đơn giản nhưng cũng giảm thiểu được tương đối lượng chất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí giảm đến 50%.

 

Thái Lan luôn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác KSONN

 

     Bên cạnh đó, một trong những vấn đề quan trọng góp phần vào việc cải thiện chất lượng môi trường nước tại Thái Lan đó là sự tham gia của cộng đồng trong công tác kiểm soát và BVMT nước, nhất là trong hoạt động giám sát chất lượng nước. Các nhóm tình nguyện hoặc tổ chức xã hội dân sự đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Họ thực hiện giám sát điều kiện, môi trường của suối, sông và hồ, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho các mục đích có lợi. Nhiều dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề cơ bản trong công tác quản lý môi trường nước đã được triển khai trong nhiều năm gần đây, chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, cũng như tầm quan trọng của chất lượng nước đến thủy sinh.

     Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý về BVMT, bao gồm quy định về môi trường nước. Bà có thể đưa ra những khuyến nghị cho việc xây dựng chính sách pháp luật về KSONN của Việt Nam?

     Ms. Wilasinee Saktaywin: Tôi chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu các quy định của Việt Nam về công tác BVMT cũng như KSONN. Nhưng theo tôi, Chính phủ Việt Nam phải làm sao kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải tại các nguồn điểm để các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật về việc xả thải tại các nguồn điểm. Đồng thời, phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn môi trường khác nhau vì không thể sử dụng một tiêu chuẩn cho nhiều nguồn điểm. Ở Thái Lan, cũng rất khó khăn để thực thi và cưỡng chế pháp luật về môi trường liên quan đến việc các chủ nguồn thải phải tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Mặc dù, nhiều doanh nghiệp đã thuê các chuyên gia tư vấn thiết kế các hệ thống xử lý nước thải cũng như xử lý môi trường nhưng đôi khi họ vẫn không đạt được các yêu cầu theo như luật định. Do đó, cần phải xem lại các tiêu chuẩn đó có quá cao hay không mà các doanh nghiệp không thể đáp ứng dù đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính đến yếu tố tài chính khi đưa ra các tiêu chuẩn, đó là liệu các doanh nghiệp có đủ kinh phí để đầu tư, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn hay không?

     Bên cạnh đó, một kinh nghiệm nữa của Thái Lan trong công tác BVMT nói chung và ngăn ngừa, KSONN nói riêng đó là việc nâng cao năng lực và nhận thức của chính quyền địa phương trong công tác BVMT, vì chính quyền địa phương là cơ quan rất quan trọng, họ có trách nhiệm quản lý trực tiếp về BVMT tại địa phương. Vì vậy, cần chú trọng đến việc tăng cường ngân sách, nâng cao năng lực, kiến thức cho chính quyền địa phương cũng như là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT. Việc huy động sự tham gia của người dân vào BVMT là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là những người trực tiếp sử dụng nguồn nước đó. Ví dụ, những người nông dân sử dụng nước sông để canh tác, sản xuất, cần phải huy động họ tham gia vào các hoạt động quan trắc môi trường nước vì chính những người nông dân này hiểu rõ chất lượng nguồn nước hơn ai hết. Nếu như chúng ta có thể có được sự tham gia của người dân trong các hoạt động giám sát môi trường, quan trắc môi trường thì sẽ đạt được nhiều lợi ích trong công tác BVMT. Theo tôi, các bước đầu tiên có thể áp dụng tại Việt Nam là làm thế nào huy động được sự tham gia của những người thụ hưởng trực tiếp từ nguồn nước, đồng thời công khai những thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường nước cho người dân địa phương biết.

     Xin cảm ơn bà!

 

            Phương Linh (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn