Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Hội nghị Hiệp ước Toàn cầu 2016 thúc đẩy phát triển bền vững

27/06/2016

     Nhằm khởi động hành động kinh doanh trên toàn cầu đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã đề ra trong Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2013 của Liên hợp quốc, trong 2 ngày 22 - 23//6/2016, tại TP. New York (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc 2016. Tham dự Hội nghị có hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tài chính, xã hội dân sự, giới học thuật.
     Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc là sáng kiến kinh doanh bền vững lớn nhất thế giới của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các công ty kinh doanh một cách có trách nhiệm thông qua việc gắn các chiến lược kinh doanh và hoạt động với 10 nguyên tắc về quyền con người, lao động, môi trường, chống tham nhũng và thực hiện các hành động chiến lược nhằm thúc đẩy các mục tiêu xã hội rộng và lớn hơn.

 

Tổng thư ký Ban Ki-moon phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị (Nguồn: AFP/TTXVN)



     Tại Hội nghị, Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc đã đưa ra một chiến lược mới, dự kiến kéo dài trong 5 năm, có tên gọi “Making Global Goals Local Business” (tạm dịch là "đưa các mục tiêu toàn cầu tới cấp địa phương”), nhằm thúc đẩy nhận thức của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động hỗ trợ mục tiêu hoàn thành SDG vào năm 2030.

     Một số thành tố chủ chốt của chiến lược mới này bao gồm việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo hàng năm; Triển khai Chương trình Những người tiên phong thực hiện SDG; Lập các Kế hoạch hành động SDG mạng lưới địa phương…

     Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, việc đạt được các mục tiêu trong Chương trình Phát triển bền vững đến 2030 đòi hỏi phải tìm ra những cách thức sống mới, nhằm chấm dứt những khổ đau, phân biệt đối xử, đồng thời mở rộng cơ hội cho hàng tỷ người dân trên toàn cầu. Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm, từ các nhà lãnh đạo cho tới các giám đốc điều hành, từ các nhà giáo dục cho tới các nhà từ thiện, hợp tác với nhau để hình thành các đối tác sâu sắc hơn, rộng lớn hơn.

      Ông cũng nhấn mạnh, tất cả các doanh nghiệp ở mọi nơi trên thế giới cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cải thiện thế giới.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn